2.2.1.1. Quảng bá thương hiệu
“Dù tham dự hội chợ trong nước hoặc nước ngoài thì tác dụng đầu tiên bao giờ cũng là quảng bá thương hiệu. Sau bài học của hàng loạt doanh nghiệp lớn của Lào bị mất thương hiệu, vấn đề này đang là một trong những đề tài nóng hổi nhất trong các doanh nghiệp Lào. Chỉ sau hàng loạt sự việc xảy ra, các doanh nghiệp mới thực sự nhận ra giá trị thương hiệu - điều mà lâu nay chẳng mấy được quan tâm chăm sóc. ”
“Một thực tế phải thừa nhận rằng đây cũng là điểm yếu nhất của Lào hiện nay: hình ảnh thương hiệu của các doanh nghiệp Lào còn mờ nhạt, yếu kém về nhiều mặt. Hội chợ Triển lãm với chức năng của mình là quảng bá thương hiệu do vậy đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Tham dự Hội chợ Triển lãm, doanh nghiệp có cơ hội đưa hình ảnh doanh nghiệp mình, sản phẩm mình đến với một số lượng lớn đối tượng khách hàng, đối tác với mức chi phí hợp lý. ”
“Ưu điểm quảng cáo tại Hội chợ Triển lãm so với các loại hình quảng cáo khác còn là khách hàng được trực tiếp xem xét, kiểm tra sản phẩm cũng như được trực tiếp giải đáp thắc mắc về mọi vấn đề có liên quan, vì thế tác dụng thuyết phục cao hơn hẳn. ”
“Theo kết quả điều tra của luận văn thực hiện, thì hơn 90% doanh nghiệp tham gia Hội chợ Triển lãm có mục tiêu hàng đầu là quảng bá thương hiệu và hơn 50% trả lời họ đạt được mục tiêu đó. Với số lượng khách tham quan gần 1 triệu người qua Hội chợ hàng thủ công mĩ nghệ truyền thống Lào tại các tỉnh, hàng trăm doanh nghiệp tham dự đã được người tiêu dùng, khách hàng biết đến tên tuổi. ”
“Đối với những hội chợ nước ngoài, công tác quảng bá gặp hạn chế hơn do yếu tố chi phí cao, doanh nghiệp không thể thường xuyên tham gia được vì vậy rất khó khăn trong việc gây dựng hình ảnh trong mắt các hãng nước ngoài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Lào cũng đã khẳng định thương hiệu thành công, tạo uy tín với đối tác. ”
2.2.1.2. Mở rộng thị trường
“Khai thác thị trường tối đa luôn là mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp nào, song bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng rất chú trọng đến việc mở rộng thị trường nhằm tăng thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như kéo dài vòng đời sản phẩm. Mở rộng thị trường cũng là yêu cầu tất yếu đối với những doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, phát triển cao hơn trong khi thị trường hiện tại đã trở nên chật hẹp. ”
“Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tham gia các Hội chợ Triển lãm trong và ngoài nước cũng không nằm ngoài mục đích này. Đứng trên góc độ quản lý một doanh nghiệp, khái niệm thị trường phải được gắn với các tác nhân kinh tế tham gia vào thị trường như người mua, người bán, người phân phối…với những hành vi cụ thể của họ. Những hành vi này không phải bao giờ cũng tuân theo những quy luật cứng nhắc dựa trên giả thuyết về tính hợp lý trong tiêu dùng. Chúng còn bị tác động của yếu tố tâm lý, điều kiện giao dịch. ”
“Như vậy, với những ưu điểm của Hội chợ Triển lãm các nhà trưng bày được gặp gỡ trực tiếp với các đối tượng mình quan tâm, đánh giá phản ứng của họ, tìm hiểu quyết định, phương thức buôn bán…, doanh nghiệp tham gia hoàn toàn có khả năng tận dụng cơ hội để đo được cung cầu thị trường tại một thời điểm nhất định, làm tiền đề cho việc mở rộng thị trường. ”
“Bên cạnh hàng trăm Hội chợ Triển lãm được tổ chức tại Viêng Chăn, Luông Pha Băng thì cũng có rất nhiều Hội chợ Triển lãm được tổ chức tại các tỉnh phía Bắc và Nam Lào. Qua Hội chợ hàng thủ công mĩ nghệ nhiều doanh nghiệp đã đánh giá đây là một thị trường rất triển vọng, sức tiêu thụ tốt ẩn chứa nhiều tiềm năng khai thác. ”
“Bên cạnh những hội chợ trong nước, những Hội chợ Triển lãm ở nước ngoài được coi là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Thị trường quốc tế được định nghĩa là tập hợp những khách hàng nước ngoài tiềm năng của doanh nghiệp đó. Để thâm nhập được vào một thị trường mới lạ, mọi doanh nghiệp dù bằng cách này hay cách khác trước tiên đều phải nghiên cứu nhu cầu, tâm lý và các thông tin cần thiết về thị trường đó. ”
“Chiến lược thâm nhập thị trường nước ngoài phải được xem xét như một chiến lược toàn diện và một trong những hoạt động được ưa chuộng trước khi ra quyết định thâm nhập đó là việc tham dự Hội chợ Triển lãm tại nước đó. Rất nhiều doanh nghiệp Lào đã đạt được mục tiêu của mình thông qua các Hội chợ Triển lãm lớn của các nước và các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc…cho thấy các doanh nghiệp Lào đã đạt được mục tiêu mở rộng thị trường với việc tham dự các Hội chợ Triển lãm trong và ngoài nước và dù hình thức Hội chợ Triển lãm ra đời đã lâu nhưng vẫn rất được ưa chuộng là vì thế. ”
2.2.1.3. Tăng doanh thu, lợi nhuận
“Không ít các hợp đồng được ký kết ngay tại Hội chợ Triển lãm hoặc sau khi hội chợ kết thúc. Với đặc thù có thể tập trung số lượng lớn các nhà kinh doanh trong cùng một thời điểm nên Hội chợ Triển lãm tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân gặp gỡ, tìm hiểu tiến tới ký kết hợp đồng. ”
“Có những hội chợ lớn như Hội chợ ở Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc thì giá trị hợp đồng ký kết tại hội chợ có thể lên tới hàng tỉ USD. Ở Lào, Hội chợ hàng hóa diễn ra vào tháng 10/2016 cũng được coi là một thành công về mặt giá trị hợp đồng ký kết với con số kỉ lục 100 tỷ Kíp. Kết quả này rõ ràng đã làm doanh thu và lợi nhuận các công ty tăng đáng kể.”