3.2.2.1. Xây dựng hình ảnh, thương hiệu hàng hóa Lào theo chiều sâu
“Trở ngại lớn nhất mà tất cả các doanh nghiệp Lào trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đều vấp phải đó là hình ảnh, thương hiệu chung cho hàng hóa Lào hết sức mờ nhạt. Dù doanh nghiệp có cố gắng đến đâu mà hình ảnh đất nước không được nâng cao thì vẫn như muối bỏ biển. ”
“Việc xây dựng hình ảnh Lào tại nước ngoài sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho việc tiêu thụ, thâm nhập và phát triển thị trường. Tuy nhiên, hiện nay điều này chưa được quan tâm đúng mức, vấn đề tổ chức cho doanh nghiệp Lào tham dự các Hội chợ Triển lãm như một thể thống nhất, cùng đoàn kết, hỗ trợ là hầu như không có.
“Trái lại, hình ảnh của Lào trình diễn tại những Hội chợ Triển lãm hết sức nghèo nàn, rời rạc, lẻ loi trước sự chuyên nghiệp, hoành tráng của các tổ chức XTTM và các Công ty Hội chợ Triển lãm nước ngoài. Rất nhiều doanh nhân Lào tham gia các Hội chợ Triển lãm quốc tế cho biết đi ra ngoài nhìn thấy các nhà tổ chức XTTM nước khác hỗ trợ cho doanh nghiệp nước họ mới thấy buồn cho chuyện của doanh nghiệp mình. ”
“Trong khi người ta quy tụ các doanh nghiệp lại, tổ chức bài trí gian Triển lãm quốc gia thành một thể thống nhất thì chúng ta lại làm rời rạc, mạnh ai nấy lo. Họ không dựng các tấm vách ngăn tách biệt giữa các gian, ngược lại, sự ngăn cách thường chỉ có tính chất ước lệ. Khu vực Triển lãm của họ như mái nhà chung, các doanh nghiệp giống như thành viên trong một gia đình quây quần bên nhau. ”
“Các khâu từ thiết kế, ánh sáng gian hàng đến trưng bày sản phẩm,giới thiệu catalogue, quảng cáo trước, trong và sau Hội chợ đều được các chuyên gia, tư vấn thực hiện nên phát huy được hết thế mạnh, hình ảnh đất nước. ”
“Điểm yếu đã được nhận thức, điều quan trọng là các nhà tổ chức Hội chợ Triển lãm, các đơn vị XTTM cần có một định hướng, chiến lược chung nhằm xây dựng một thương hiệu cho hàng hóa Lào. Do vậy, đã đến lúc các bên cần ngồi lại với nhau cùng đề ra biện pháp kết hợp được sức mạnh tập thể đưa hình ảnh một Đất nước Lào năng động, hiện đại ra với bạn bè thế giới. ”
3.2.2.2. Coi trọng lợi ích doanh nghiệp
“Có một sự thật đáng buồn là các đơn vị XTTM, các Công ty Hội chợ Triển lãm Lào nói chung vẫn chưa thực sự coi trọng lợi ích doanh nghiệp, chưa coi lợi ích doanh nghiệp cũng chính là lợi ích của mình. Vì vậy, đã xảy ra không ít chuyện gây bức xúc, phẫn nộ về phía doanh nghiệp bởi các nhà tổ chức chỉ chạy theo mục tiêu thương mại cho bản thân cốt làm sao thu được càng nhiều tiền cho mình càng tốt. ”
“Năm 2013 cũng chứng kiến hàng loạt Hội chợ Triển lãm tổ chức một cách cẩu thả tại những tỉnh miền Bắc Lào. Trưởng gian hàng một số gian hàng khá bức xúc cho biết, cái mà doanh nghiệp cần khi bỏ tiền tham gia hội chợ chính là quảng bá sản phẩm, tiếp cận với khách hàng, nhưng các nhà tổ chức lại ít chú ý tới điều này. Do lợi nhuận nên họ bỏ chi phí quảng cáo quá ít, băng rôn chỉ xung quanh khu vực hội chợ. ”
“Ngược lại, giá vé gửi xe đối với khách tham dự quá cao gây hạn chế nhất định đối với một số khách hàng muốn vào hội chợ tham quan. Điều đó đồng nghĩa với việc quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp chưa đạt như mong muốn. Điều đáng phê phán hơn là, khá nhiều nhà tổ chức không xem trọng khâu bố trí mặt bằng, gây hiệu ứng ngược với doanh nghiệp muốn thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại. Như bố trí hàng văn phòng phẩm, điện máy xen kẽ với gian hàng thực phẩm, cửa hàng ăn uống. Bên cạnh các gian hàng vải sợi cao cấp là một loạt hàng shop, hàng đại hạ giá... buôn bán theo kiểu chợ trời. ”
“Một số sự việc thể hiện thái độ vô trách nhiệm, coi thường lợi ích doanh nghiệp của các nhà tổ chức. Nếu điều này còn tái diễn chắc chắn sẽ mất lòng tin, không những thế còn gây thiệt hại đến nền kinh tế, làm méo mó hình ảnh quốc gia. Chừng nào các nhà tổ chức chưa thực sự coi doanh nghiệp là khách hàng, là ân nhân của mình thì chừng đó không thể nói đến một Hội chợ Triển lãm có hiệu quả.”
3.2.2.3. Nâng cao tính hiệu quả
“Cùng với doanh nghiệp, các nhà tổ chức Hội chợ Triển lãm phải không ngừng học hỏi, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hệ thống cách thức tiến hành thành công một Hội chợ. Sự chuyên nghiệp như đã phân tích ở các chương trước phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất: thẻ ra vào, quy định giờ đóng, mở cửa, catalogue, brochure, giấy mời, cách đón tiếp.... ”
“Công tác chuẩn bị cũng phải được đầu tư có chiều sâu: Mở website, quảng bá rộng khắp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, băng rôn..., tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo, chỉ dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp... Tất cả các công việc trên cần phải được thực hiện một cách kĩ lưỡng nhất, chuyên
nghiệp nhất trước khi Hội chợ Trển lãm diễn ra 1 thời gian đủ để tác động lên các đối tượng mục tiêu nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận. ”
“Ngoài ra, điều mà doanh nghiệp chờ mong nhiều ở Ban tổ chức là làm sao khai thác tốt nhất thông tin từ khách hàng và duy trì mối quan hệ lâu dài sau Hội chợ... Các cuộc thương thảo theo từng nhóm khách hàng, không cần nghi thức lễ tân rườm rà nhưng quan trọng là chuẩn bị kỹ, tập hợp đúng những nội dung cần thiết. Một Hội chợ Triển lãm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, do vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, các nhà tổ chức phải nỗ lực hết mình để nâng cao tính chuyên nghiệp, có như thế mới đứng vững được trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay. ”