1.4.3.1. Các nhân tố thuộc về ngân hàng
■ Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng phản ánh định hướng cơ bản cho hoạt động tín dụng, nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của ngân hàng. Đó là tổng thể quan điểm, giải pháp, công cụ ngân hàng sử dụng trong việc cấp tín dụng cho khách hàng. Chính sách tín dụng được xem như “bánh lái” điều chỉnh toàn bộ hoạt động của “con thuyền tín dụng” ngân hàng. Một trong những mục tiêu cơ bản của chính sách tín dụng là cung cấp tối đa các dịch vụ tín dụng cho các khu vực theo nguyên tắc thận trọng, an toàn và thanh khoản.
■ Quy trình tín dụng
Quy trình tín dụng là trình tự tổ chức thực hiện các bước kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, chỉ rõ cách làm, trình tự các bước từ khi bắt đầu đến khi kết thúc một giao dịch thuộc chức năng, nhiệm vụ của cán bộ tín dụng và lãnh đạo ngân hàng có liên quan. Quy trình tín dụng là yếu tố quan trọng, nếu nó được tổ chức khoa học, hợp lý sẽ cho phép thực hiện các khoản vay có chất lượng
■ Kiểm soát nội bộ
Đây là hoạt động mang tính thường xuyên và cần thiết đối với mọi ngân hàng. Công tác kiểm tra nội bộ hoạt động kinh doanh của ngân hàng càng thường xuyên, chặt chẽ càng làm cho hoạt động tín dụng đúng hướng, thực hiện đúng các nguyên tắc, yêu cầu thể lệ trong qui chế tín dụng cũng như qui trình tín dụng. Kiểm soát nội bộ được coi là biện pháp mang tính ngăn ngừa, hạn chế những sai sót của cán bộ tín dụng, giúp cho hoạt động tín dụng kịp thời sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng tín dụng
■ Cơ sở vật chất và màng lưới ngân hàng
Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, hệ thống NHTM nào có chi nhánh với cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại và màng lưới rộng sẽ thành công
trong việc mở rộng tín dụng vì mạng lưới rộng sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp khi tiếp cận; mặt khác công nghệ hiện đại cho phép thu thập và xử lý thông tin sát thực tạo thuận lợi cho quá trình ra quyết định.
■ Tổ chức nhân sự
Con người luôn luôn là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong mọi hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Hoạt động tín dụng của ngân hàng được thực hiện cho mọi loại hình doanh nghiệp ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là đối với doanh nghiệp lớn càng đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có kiến thức tổng hợp, đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các ngành, lĩnh vực đó.
Đối với đội ngũ lãnh đạo việc nhìn nhận những cơ hội và thách thức trong điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn lĩnh vực mà ngân hàng đang đầu tư sẽ giúp họ vạch ra những hướng đi đúng đắn và các quyết sách phù hợp với thực tế, đem lại lợi ích cho ngân hàng. Ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển chung đó.
Đối với đội ngũ cán bộ, phẩm chất, trình độ cán bộ tín dụng có ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng tín dụng. Cán bộ có phẩm chất và trình độ sẽ không vì các lợi ích cá nhân bỏ qua việc tuân thủ các quy định của ngân hàng hoặc gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp, tạo ra hình ảnh không đẹp trong con mắt của khách hàng hoặc gây ra những hậu quả xấu cho hoạt động của ngân hàng.
Ngoài các yếu tố trên, chất lượng tín dụng còn chịu sự tác động bởi hệ thống thông tin tín dụng; Hoạt động marketing ngân hàng; Khả năng đa dạng của các hình thức tín dụng ngân hàng...
1.4.3.2. Các nhân tố thuộc về doanh nghiệp
■ Khát vọng đầu tư của DNL.
Khát vọng đầu tư của DNL quyết định nhu cầu vốn; khát vọng càng lớn ngân hàng càng có điều kiện mở rộng tín dụng. Khát vọng, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp bắt đầu từ lợi nhuận. Mục đích chung của doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận và điều này càng là vấn đề quan trọng đối với DNL. Với mục tiêu này DNL phải lựa chọn giữa đầu tư hay không đầu tư. Lợi nhuận có bù đắp được rủi ro hay không, lợi nhuận được xác định do đầu tư mang lại lợi nhuận càng lớn, khát vọng đầu tư càng lớn.
■ Uy tín, đạo đức của DNL
Trong quy trình tín dụng, ngân hàng thường chỉ đưa ra quyết định cho vay sau khi đã phân tích cẩn thận các yếu tố liên quan đến uy tín và khả năng trả nợ của khách hàng DNL nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro do chủ quan của khách hàng DNL có thể gây nên.
Đạo đức của khách hàng DNL là yếu tố quan trọng của quy trình thẩm định, tính cách của những khách hàng này không chỉ được đánh giá qua phẩm chất đạo đức chung, mà còn phải kiểm nghiệm qua những kết quả hoạt động đạt được trong quá khứ, hiện tại và chiến lược phát triển trong tương lai.
Uy tín của khách hàng DNL là tiêu chí đánh giá sự sẵn sàng trả nợ và khả năng thực hiện các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng. Uy tín của các khách hàng này thể hiện dưới nhiều khía cạnh đa dạng như: chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, thị phần, các quan hệ tài chính, vay vốn, trả nợ, tình hình quan hệ với bạn hàng và khách hàng. Do đó, ngân hàng cần phân tích các số liệu và tình hình khách hàng trong suốt quá trình phát triển của khách hàng trong những khoảng thời gian khác nhau mới có kết luận chính xác nhất.
Chất lượng tín dụng phụ thuộc rất lớn vào năng lực tổ chức, kinh nghiệm quản lý kinh doanh của khách hàng vay vốn nói chung và khách hàng DNL nói riêng. Đây là tiền đề tạo ra khả năng kinh doanh có hiệu quả của DNL, là cơ sở cho khách hàng thực hiện cam kết hoàn trả đầy đủ và đúng hạn nợ ngân hàng. Nếu trình độ của người quản lý DNL bị hạn chế về các mặt như học vấn, kinh nghiệm thực tế...thì DNL rất dễ bị thua lỗ, dẫn đến khả năng trả nợ kém, ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng ngân hàng.
Tài chính của doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng nhất định tới khả năng mà doanh nghiệp nhận được những khoản tín dụng của ngân hàng hay không. Một sự thể hiện rõ nét nhất là số vốn chủ sở hữu (vốn tự có) tham gia vào dự án với một tỷ lệ nhất định vào dự án mà ngân hàng cung cấp tín dụng. Có thể ví như là khoản đối ứng trong các dự án ODA. Những ngân hàng khác nhau quy định một tỷ lệ khác nhau. NHCT quy định vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án như: Tối thiểu 30% tổng mức vốn đầu tư đối với phương án, dự án cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất, hợp lý hóa sản xuất; Tối thiểu 50% tổng mức vốn đầu tư (sau khi trừ phần vốn lưu động dự kiến) đối với dự án xây dựng mới....
■ Tính khả thi của phương án kinh doanh/dự án vay vốn
Khi có sự thẩm định từ phía ngân hàng, một phương án/dự án có thể được chấp thuận cấp tín dụng ngay cả khi không có tài sản bảo đảm. Trừ những phương án/dự án cho vay theo chỉ định và những phương án đã bị cố tình làm sai để thu lợi riêng, không một ngân hàng nào lại cho vay các phương án, dự án không khả thi. Tính khả thi của phương án, dự án được xem xét như là một trong các yếu tố được ưu tiên số một bởi khi phương án dự án khả thi, rủi ro của ngân hàng ít đi, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn cao và môi trường kinh tế nhờ đó cũng lành mạnh hơn.
■ Tài sản bảo đảm
Thông thường, khoản tín dụng của ngân hàng cung cấp cho khách hàng đều có tài sản bảo đảm kèm theo. Tài sản này cho phép ngân hàng thu được phần giá trị tín dụng đã cung cấp cho khách hàng trước đây khi họ không có khả năng hoàn trả nợ gốc ngoài việc thanh lý tài sản bảo đảm khi ký kết hợp đồng tín dụng. Như trên đã nêu, tính khả thi của phương án/dự án là nhân tố quan trọng bậc nhất nhưng việc cấp tín dụng có bảo đảm bằng tài sản vẫn được các ngân hàng chuộng hơn do môi trường kinh doanh tại Việt Nam có độ rủi ro cao.
1.4.3.3. Các nhân tố thuộc về môi trường kinh doanh
Thứ nhất, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước.
Đây là chính sách kinh tế vĩ mô trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới hoạt động tín dụng của ngân hàng, ảnh hưởng tới việc đưa ra chính sách tín dụng đối với DNL của ngân hàng. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế càng diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế thị trường càng đi vào thực chất, hệ thống pháp luật cũng được hoàn thiện hơn phù hợp với cơ chế thị trường.
Thứ hai, các quy định pháp lý đối với hoạt động của NHTM
Những quy định này có thể kể đến, đó là lãi suất, tài sản thế chấp và cách thức xử lý tài sản, phương thức xử lý đối với những rủi ro ngân hàng gặp phải. Chẳng hạn, việc quy định lãi suất: để chống lạm phát, NHNN nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, công bố lãi suất cơ bản, các NHTM mại phải tính toán để quy định lại mức lãi suất huy động đầu vào, đầu ra của mình và đưa ra mức lãi suất cho vay. Mức lãi suất quá cao sẽ rất khó khăn cho việc mở rộng tín dụng do chi phí từ lãi vay sẽ chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm và vượt quá tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm của doanh nghiệp.
Thứ ba, các yếu tố của môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh tế xã hội là tổng hoà các mối quan hệ về kinh tế xã hội tác động lên hoạt động của doanh nghiệp nói chung và DNL nói riêng như khả năng tìm kiếm bạn hàng, đối thủ cạnh tranh; khả năng đáp ứng nhu cầu các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất cũng như khả năng tìm kiếm đầu ra của sản xuất kinh doanh, thu hồi vốn... Từ các ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn, môi trường kinh tế xã hội cũng tác động trực tiếp lên NHTM, ví dụ, các thông tin phục vụ việc thẩm định để quyết định việc mở rộng tín dụng; khả năng giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh; khả năng thu hồi vốn; khả năng xử lý tài sản bảo đảm tín dụng; khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro,...