Thứ nhất, NHNN cần định hướng hoạt động tín dụng phục vụ cho các mục
tiêu phát triển kinh tế xã hội thông qua các chỉ tiêu định hướng; Đề ra chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực cần tăng trưởng nhanh; Tăng cường thực hiện chế tài, nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra....
Thứ hai, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách và công cụ quản lý tín dụng cả về nội dung, thẩm quyền. NHNN nên điều chỉnh lại thẩm quyền quy định về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trong các trường hợp đặc biệt; Tăng tính chủ động hơn nữa cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về tái cấp vốn, xây dựng các quy định cụ thể cho ba hình thức tái cấp vốn (cho vay theo hồ sơ tín dụng, cầm cố, chiết khấu chứng từ có giá); lãi suất tái cấp vốn theo quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ.
Thứ tư, tăng cường công tác phân tích, dự báo diễn biến tiền tệ và kinh tế vĩ mô để chủ động có các biện pháp kiểm soát tiền tệ.
Kết luận: Từ những chỉ tiêu đánh giá, các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng
tín dụng đối với khách hàng DNL và thực trạng chất lượng tín dụng đối với khách hàng DNL tại NHCT Việt Nam, Chương 3 của Luận văn đã thể hiện rõ ràng các giải pháp, kiến nghị mà tác giả đề xuất để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng đối với khách hàng DNL tại NHCT Việt Nam.
KẾT LUẬN
Hoạt động tín dụng của các NHTM tại Việt Nam nói chung và NHCT nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại của các ngân hàng, là hoạt động chủ yếu đem lại hơn 80% thu nhập cho các NHTM trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Trong đó, đối tượng DNL với các ưu thế của mình đang được các NHTM quan tâm hàng đầu và thường tìm mọi biện pháp để thu hút, lôi kéo khách lẫn nhau.
Thời gian qua, NHCT đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì và phát triển thị phần tín dụng đối với khách hàng DNL như hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy, tăng cường nhân lực và các hoạt động marketing.... để nâng cao chất lượng phục vụ cũng như chất lượng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm tín dụng. Thực tế cho thấy, những kết quả mà NHCT đạt được tương đối khả quan như thị phần tín dụng đối với DNL của NHCT tương đối ổn định song số lượng khách hàng đang chững lại và có xu hướng giảm do áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng đối thủ và chính bản thân các khách hàng DNL; NHCT chưa tiếp cận được vào các đối tượng DNL là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nguồn vốn huy động còn thấp, chưa tương xứng với quy mô hoạt động, đặc biệt là vốn trung dài hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng tín dụng trung dài hạn cho các DNL; chất lượng tín dụng đối với DNL vẫn đang ở mức thấp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vốn đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, thuỷ sản; các hình thức tín dụng của NHCT còn chưa phong phú,...
Có thể nhận thấy nguyên nhân của các hạn chế trên thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: từ chủ quan của NHCT (cơ chế chính sách, quản trị điều hành, năng lực trình độ của cán bộ, hệ thống công nghệ và thông tin,...), từ DNL (năng lực tài chính, quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động,...) và từ môi trường kinh tế (cơ chế vĩ mô, hệ thống pháp luật, sự gia nhập thị trường của hàng loạt
NHTM) dẫn tới ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng và mở rộng tín dụng đối với DNL còn nhiều hạn chế. Do đó, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng đối với DNL là một cấn đề quan trọng và cấp thiết đối với NHCT.
Luận văn đã hệ thống hoá những lý luận chung về tín dụng, khách hàng DNL, và vai trò tín dụng ngân hàng đối với DNL trong nền kinh tế.
Bằng những dẫn chứng cụ thể, luận văn đã đánh giá được thực trạng tín dụng và mở rộng tín dụng của NHCT đối với doanh nghiệp lớn trong thời gian qua, từ đó đánh giá nguyên nhân hạn chế trong mở rộng tín dụng của NHCT đối với doanh nghiệp lớn. Trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp khả thi về việc mở rộng quan hệ tín dụng của NHCT đối với DNL. Để thực hiện được các giải pháp trên, Luận văn cũng đã mạnh dạn đưa ra các kiến nghị với Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
Với kiến thức còn hạn chế, Luận văn không tránh khỏi những điểm tồn tại, cần bổ sung. Tác giả mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp hơn nữa của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý, bạn đọc để luận văn ngày càng được hoàn thiện hơn.
Để hoàn thành nghiên cứu, tác giả đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, trách nhiệm của các thầy cô giáo, các đồng nghiệp tại NHCT. Tác giả xin trân trọng cảm ơn TS.Nguyễn Quốc Việt, người hướng dẫn trực tiếp, các thầy giáo của Học viện Ngân hàng đã giúp đỡ tác giả hoàn thành nghiên cứu này