Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Marketing trong công tác mở rộng huy động vốn, BIDV Việt Nam nên quan tâm sớm giải quyết 5 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất: thành lập ban phát triển sản phẩm bán lẻ và marketing tại hội sở chính và đưa ra mô hình và cách thức triển khai mô hình hoạt động marketing tại
Chi nhánh. Lựa chọn cán bộ có khả năng, có chuyên môn cao cho bộ phận này, có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa Hội sở chính và chi nhánh trong công tác marketing. Để khắc phục những khiếm khuyết về sản phẩm hiện tại, BIDV Việt Nam nhất thiết cần phải thành lập một phòng chuyên trách công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ bán lẻ để đảm bảo tính thành công của các sản phẩm dịch vụ khi đưa ra thị trường. Đồng thời có biện pháp liên tục củng cố chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có nhằm đảm bảo tính thích ứng với nhu cầu khách hàng. Phát triển dải sản phẩm phù hợp; Không ngừng cải tiến chất lượng, đặc điểm, ứng dụng của sản phẩm dịch vụ; Quy chuẩn hoá mẫu mã, định vị, nhãn hiệu của sản phẩm dịch vụ của BIDV theo một phong cách đặc trưng và hiện đại.
Thứ hai: Xây dựng quy trình cung cấp thông tin và đẩy mạnh hoạt động truyền thông marketing trong toàn hệ thống.
Thứ ba: Mở rộng và nâng cao công tác đào tạo marketing ngân hàng cho các chi nhánh, đặc biệt là kỹ năng bán hàng và quản trị bán hàng. Tăng cường các khóa đào tạo tập huấn về marketing ngân hàng; Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về marketing, đặc biệt là các bài học kinh nghiệm về marketing sản phẩm để nhân rộng trong toàn hệ thống.
Thứ tư: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, tăng quyền tự chủ chi phí trong hoạt động marketing đối với chi nhánh, có quy định và cơ chế kiểm soát tránh hoạt động quảng cáo, hoạt động marketing có tính chất trùng lắp, trồng chéo, kém hiệu quả trong toàn hệ thống. Hỗ trợ thêm cho các Chi nhánh về tài chính, và cả nguồn vốn trong giai đoạn đầu thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Trong điều kiện nguồn tài chính dành cho phát triển các dự án là rất hạn hẹp thì sự giúp đỡ của BIDV là một động lực thúc đẩy các Chi nhánh làm tốt các dự án, và chiến lược của mình
Thứ năm: Cần phải nhanh chóng đầu tư cho công nghệ quản lý hiện đại trong đó có việc ứng dụng phần mềm quản lý khách hàng (CRM-Customer Relationship Management).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Trên cơ sở những phân tích kể trên, điểm mấu chốt trong chiến lược xây dựng một chi nhánh hiệu quả là cần phải nhận thức được rằng để có được thành công không chỉ cần thay đổi các yếu tố như: sản phẩm, sự hiện diện về mặt vật chất của chi nhánh, yếu tố con người hay yếu tố công nghệ mà vấn đề đặt ra là các yếu tố đó sau khi đã được thay đổi sẽ kết hợp với nhau như thế nào để có thể đạt được các mục tiêu chung của ngân hàng.
Trong xu thế nền kinh tế dịch vụ ngày nay, hoạt động marketing, xúc tiến, thiết lập kênh phân phối, cổ động truyền thông, quảng cáo và chăm sóc khách hàng có tác động rất quan trọng đến phát triển thị trường dịch vụ ngân hàng. Bởi lẽ đơn giản là tâm lý khách hàng (đặc biệt là khách hàng tiền gửi) có thói quen bắt chước theo số đông, chịu tác động của qui luật đám đông trong tiêu dùng dịch vụ, nhất là những dịch vụ nhạy cảm như: ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin...Vì vậy BIDV chi nhánh Bắc Ninh cần khai thác tốt hoạt động marketing với các giải pháp cụ thể như đã nêu ở phần trên, để nâng cao thị phần, chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, đưa hình ảnh, thương hiệu BIDV và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của BIDV phát triển và đứng vững trên địa bàn Tỉnh Bắc Ninh.
KẾT LUẬN
Trong những năm vừa qua, hoạt động ngân hàng nước ta đã có những chuyển biến sâu sắc, quy mô hoạt động kinh doanh ngày càng được mở rộng cả về số lượng lẫn phạm vi; các loại hình kinh doanh đa dạng và phong phú hơn. Trước xu hướng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, việc tổ chức có hiệu quả hoạt động Marketing đã trở thành công cụ cạnh tranh mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng. Marketing thực sự đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho hoạt động của ngân hàng luôn gắn kết và thích ứng với môi trường kinh doanh. Vì thế, việc ứng dụng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả công cụ Marketing trong mở rộng huy động vốn đã và đang được các ngân hàng quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này đem lại chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, hoạt động Marketing nhằm xây dựng thương hiệu mạnh cho các ngân hàng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh cũng không nằm ngoài thực trạng trên. Để có thể tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh nói chung cũng như đẩy mạnh công tác huy động vốn nói riêng, BIDV Bắc Ninh cần xuất phát từ những đặc điểm cụ thể của ngân hàng mình để sử dụng công cụ Marketing một cách hiệu quả nhất.
Trên cơ sở tổng hợp nghiên cứu, bám sát mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, luận văn đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra:
Thứ nhất, luận văn đã phân tích và tổng hợp một cách có hệ thống những vấn đề lý luận về Marketing ngân hàng, marketing trong mở rộng huy động vốn nói riêng. Đây cũng là căn cứ khoa học quan trọng cho việc đưa ra các giải pháp Marketing nhằm mở rộng huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh.
Thứ hai, luận văn đã phân tích đánh giá thực trạng hoạt động Marketing mở rộng huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh trong thời gian qua. Từ đó làm rõ Marketing là một trong những công cụ quan trọng góp phần mở rộng huy động vốn của ngân hàng. Đồng thời cũng chỉ ra được những kết quả đạt được, những hạn chế và những vấn đề cần giải quyết.
Thứ ba, trên cơ sở lý luận và thực tiễn sử dụng Marketing trong mở rộng huy động vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh, luận văn đã đưa ra những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả Marketing để tăng cường khả năng huy động vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và xu hướng hội nhập.
Các giải pháp đưa ra đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, có tính khả thi nhằm tăng cường vị thế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh, giữ vững và phát triển thị phần, góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh, đảm bảo an toàn và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn với những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Luận văn cũng đưa ra các kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước, BIDV Việt Nam để có thể thực hiện được các giải pháp trên.
Với khả năng có hạn, mặc dù có nhiều cố gắng để hoàn thành kết quả nghiên cứu một cách tốt nhất, nhưng luận văn khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy, cô giáo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đồng nghiệp và các bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực này.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của NGƯT.PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền; Khoa Sau đại học; các thầy, cô giáo Học viện Ngân hàng; Ban giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Bắc Ninh, các đồng nghiệp đã ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền(2005), Giáo trình Marketing ngân hàng,
NXB Thống kê, Hà Nội.
2. PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi (2007), Giáo trình Marketing dịch vụ tài chính, Học viện tài chính.
3. PGS.TS. Trần Hoàng Ngân (2005), Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại, NXB Thống kê, Hà Nội.
4. TS. Phan Thu Hà (2006), Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại, ĐH KTQD.
5. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền (2011), Giáo trình Marketing Ngân hàng, Học viện Ngân hàng
6. Phillip Kotler(1995), Marketing căn bản, NXB TP Hồ Chí Minh.
7. Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011 Quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
8. Thông tư số 17/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28 tháng 9 năm 2011 quy định lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
9. Thông tư số 08/2013/TT-NHNN ngày 25/3/2013 Quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
10. Trần Quốc Đạt (2006), “Kinh nghiệm phát triển hoạt động dịch vụ ở NHTM một số nước”, Tạp chí Khoa học và đào tạo ngân hàng, (51), tr. 61-64.
11. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền(2005), “Những vấn đề cơ bản về giao tiếp của ngân hàng trong cạnh tranh và hội nhập”, Tạp chí Khoa học và đào tạo ngân hàng, (12), tr. 1-7.
12. Đào Thị Lan Hương, Nguyễn Gia Khánh (2006), “Công tác Marketing trong hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và đào tạo ngân hàng, (55), tr. 37-43.
13. Phạm Văn Kiên (2008), “Năng lực cạnh tranh ngân hàng nhìn từ góc độ quản trị nguồn nhân lực”, Thị trường Tài chính tiền tệ, (13), tr. 26.
14. Hoàng Lan (2006), “Một số kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO - Liên hệ với Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, (1+2), tr. 59.
15. Nguyễn Đức Lệnh (2007), “Công nghệ ngân hàng hiện đại và quá trình phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ”, Thị trường Tài chính tiền tệ, (3+4), tr. 57.
16. Frederic S. Miskin (1995), Tiền tệ, Ngân hàng và Thị trường tài chính, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
17. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh (2012), Báo cáo kết quả hoạt động năm 2012.
18. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh (2012), Đề cương chiến lược phát triển giai đoạn 2012-2015.