Việc đánh giá, XHTD khách hàng DN là một công tác đặc biệt quan trọng, nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho công tác thẩm định, quyết định TD và quản trị rủi ro đối với NH. Bên cạnh đó, XHTD còn có ý nghĩa to lớn, nó giúp cho thị trường tài chính minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và tăng cường khả năng giám sát của Chính phủ. Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống XHTD là điều mà NH CTVN nói riêng, hệ thống các NHTM Việt Nam nói chung
cần phải thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hệ thống XHTD này phải cần nhiều sự giúp đỡ của Chính phủ cũng như các Ban ngành liên quan. Vì vậy, Luận văn xin đề xuất:
3.3.1.1. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng
Đây là một chính sách quan trọng trong lĩnh vực quản lý toàn bộ hoạt động TD nói chung và công tác XHTD nói riêng của các NH. Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện đổi mới cơ chế chính sách, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các luật và văn bản hướng dẫn về hoạt động NH tạo tính đồng bộ, nhất quán và hoàn chỉnh hệ thống pháp
luật, trong đó ưu tiên xây dựng Luật NHNN, Luật các TCTD mới, Luật giám sát an toàn hoạt động NH... Đồng thời với việc ban hành, hoàn thiện các văn bản luật, Nhà nước cũng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát từ xa đối với hoạt động NH và có những chế tài xử lý phù hợp đối với những NH chưa tuân thủ theo những văn bản luật
Nhà nước ban hành.
Việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện đối với hoạt động TD là điều hết sức cấp thiết, tránh tình trạng lợi dụng những sơ hở của pháp luật để lách luật. Đơn cử như việc “Xác nhận có tiền gửi NH": Liệu NH có tin chắc chắn rằng DN vay vốn không “vay nóng” ở đâu đó rồi gửi vào NH để nhờ xác nhận. Thậm chí, bên vay có bằng chứng khoản tiền gửi đó là 5 năm hay 20 năm thì NH cũng rất khó có thể tin được đó là tiền của bên vay vì hoạt động tài chính-ngân hàng ở Việt Nam có một ngoại lệ là bất cứ loại tiền gửi nào khách hàng cũng đều có quyền rút trước hạn. Do đó, hôm nay mua một chứng chỉ tiền gửi 5 năm nhưng ngày mai lại rút lại là điều hoàn toàn có thể.
3.3.1.2. Xây dựng hệ thống kế toán thống nhất, đồng bộ và thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc
Các chuẩn mực kế toán có ảnh hưởng rất nhiều đến việc tính toán các hệ số tài chính, do đó ảnh hưởng quan trọng đến việc đánh giá cho điểm, xếp hạng các DN. Hiện nay, có thể thấy rằng công tác quản lý của Nhà nước đối với chế độ Kế toán, kiểm toán DN chưa thống nhất, chưa đồng bộ và chưa được Nhà nước quan tâm thích đáng, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, các công ty kiểm
toán Nhà nước mới đi vào hoạt động chưa lâu, đội ngũ còn non trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm toán. Thực trạng này đã gây khó khăn rất lớn không chỉ đối với DN trong việc hạch toán tài chính mà còn đối với công tác đánh giá, XHTD DNVV tại NH. Do vậy, Nhà nước cần ban hành những văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc tất cả các DN đều phải sử dụng thống nhất một chế độ kế toán, phải thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai quyết toán của DN. Trong BCTC, các DN phải lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Nhà nước cũng phải thực hiện chuẩn hoá các chỉ tiêu phân tích trong tài chính DN về số lượng và cách tính từng chỉ tiêu phải phù hợp với chế độ hạch toán - kế toán theo quy định. Bên cạnh đó, việc kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên. Nhà nước phải quy định rõ những chế tài, biện pháp xử lý đối với DN không thực hiện hoặc thực hiện sai quy định về kiểm toán, các DN cố tình sửa đổi BCTC theo hướng có lợi cho mình, gây ra sự thiếu chính xác về thông tin. Bởi trên thực tế, không ít DN có ba báo cáo tài chính: một báo cáo lỗ để né thuế, một báo cáo lãi để được vay vốn tại NH và một báo cáo trung thực thì chỉ có ban lãnh đạo DN mới biết.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hơn nữa cho các công ty kiểm
toán phát triển, mở rộng, tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm toán có trình độ cao và có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là các DN nhỏ ngày càng tăng, trong khi mạng luới kiểm toán còn quá mỏng. Vì vậy, việc Nhà nước cho phép nhiều hơn nữa công ty kiểm toán đi vào hoạt động là điều vô cùng cần thiết hiện nay.
3.3.1.3. Cung cấp cơ chế minh bạch thông tin
Kinh tế thị trường là cơ chế của “thông tin” và “lòng tin”. Phần cơ bản của việc chuyển đổi hướng về cơ chế thị trường là quá trình tạo ra hệ thông tin minh bạch, xây dựng cơ chế lưu chuyển thông tin và tạo dựng lòng tin giữa các tác nhân trong nền kinh tế. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói: "Danh hiệu chỉ có giá
trị nếu được xây dựng trên cơ sở minh bạch, lành mạnh". Vai trò của hoạt động
đánh giá và XHTD các DN được khẳng định rất rõ. Tuy nhiên, thông tin về các DN lại đang thiếu trầm trọng và một khi chưa có đầy đủ thông tin thì chưa thể có được
sự "minh bạch, lành mạnh"như mong muốn. Tình hình trên đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp cụ thể:
- Chính phủ cần sớm ban hành một dự luật về thông tin, điều chỉnh môi trường thông tin làm cơ sở cho thông tin được minh bạch, thuận lợi, dễ khai thác tiếp cận, đặc biệt là các thông tin tài chính và phi tài chính của các DN.
- Xây dựng cơ sở pháp lý cho việc trao đổi thông tin giữa NH và các cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế hiện nay sự kết nối trao đổi thông tin giữa NHTM và một số cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan thống kê, công ty kiểm toán... còn rất nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý về trao đổi cung cấp thông tin. Điều này cản trở việc xác minh tính chính xác số liệu mà các DN cung cấp cho NH, hoặc NH thiếu số liệu làm cơ sở so sánh phân tích. Vì vậy, trong thời gian tới, cần thiết lập cơ sở pháp lý trong việc trao đổi thông tin, cung cấp tiền đề đảm bảo tính chính xác, minh bạch của nguồn thông tin dữ liệu đầu vào cho việc XHTD.
- Chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu và thành lập các Trung tâm chuyên cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho sự ra đời các công ty xếp hạng tín nhiệm ở VN. Qua đây các cơ quan, bộ, ngành phải tiến hành thu thập trao đổi, xử lý và chuẩn hoá các thông tin, từ đó để có nguồn thông tin đầu ra đảm bảo tính chính xác, có hệ thống, thường xuyên cập nhật và đầy đủ. Song song với việc làm đó, Nhà nước cũng cần ban hành các quy định về việc mua bán thông tin do những tổ chức này cung cấp.