Thẩm định là bước thiết yếu để NHTM quyết định về việc có cho vay hay từ chối. Qua đó, nếu công tác thẩm định hoạt động tốt, ngân hàng sẽ đầu tư được hiệu quả, chất lượng và cấu truc dư nợ bảo đảm, tạo điều kiện giúp hoạt động cho vay phát triển. Do đó, SHB cần thực hiện:
- Thể hiện rõ nét hơn vị trí quan trọng hàng đầu của nghiệp vụ thẩm định trong công tác cho vay, với nội dung cần thiết nhất là xem xét kế hoạch vay vốn cùng tính khả thi việc khách hàng thanh toán gốc và lãi khi đến hạn. TSBĐ cũng quan trọng nhưng chỉ đứng vị trí sau kế hoạch vay vốn cũng như nguồn thanh toán tiền gốc và lãi.
Hiện tại, những tiêu chí, tiêu chuẩn thẩm định được SHB dùng đánh giá trong khâu thẩm định vẫn còn chưa cụ thể, rõ nét. Phương án sử dụng vốn theo quy định phải được đánh giá khả thi và có các tiêu thức xem xét như tính pháp lý, mặt hàng, ngành hàng, nguồn hàng, nhà cung cấp, thị trường tiêu thụ, lợi nhuận thu được tuy nhiên SHB không thể hiện được tỷ lệ cụ thể, những thang điểm để đánh giá tính khả thi đó. Nguồn trả nợ cũng chỉ được quy định là từ phương án SXKD, lương, và/hoặc nguồn thu khác theo quy định. SHB cần quy định rõ hơn, cụ thể, chi tiết hơn về yêu cầu thu thập hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập. Đồng thời, có sự phân biệt đối với các loại nguồn trả nợ. Ví dụ, nguồn thu nhập không thường xuyên nên được loại bỏ, tương tự, một nguồn thu nhập sẽ chỉ được chấp thuận ở một mức cố định nếu không cung cấp được hồ sơ chứng minh.
Ngoài ra, SHB cần triển khai phân tích, thẩm định tín dụng theo mô phỏng dòng tiền. Đây là một giải pháp thích hợp áp dụng vào thẩm định, cấp vốn cho các món vay có độ tín nhiệm người vay dựa phần lớn vào dòng tiền tương lai được tạo ra từ tài sản được tài trợ.
- Đối với nghiệp vụ thẩm định TSBĐ: nhằm hỗ trợ công tác cấp tín dụng hiệu quả, SHB cần thực hiện kỹ lưỡng khâu thẩm định TSBĐ. Việc thẩm định
TSBĐ tại SHB hiện vẫn chưa được giao hoàn toàn cho một bộ phận độc lập, chuyên trách ảnh hưởng đến tính khách quan. Do đó, SHB phải xây dựng Trung tâm Thẩm định TSBĐ trở thành một bộ phận với nhiệm vụ chuyên biệt về thẩm định giá trị TSBĐ, theo dõi và nắm bắt thông tin về TSBĐ. Đồng thời tiến hành rà soát lại những quy trình, quy định liên quan nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan của Trung tâm Thẩm định TSBĐ.
Hiện nay, theo tiêu chuẩn quốc tế các Ngân hàng đều có xu hướng sử dụng mô hình thẩm định và phê duyệt tập trung. Căn cứ tiêu chuẩn này, từng bước trong quy trình đều phân chia nhiệm vụ tới những phòng ban/trung tâm tách biệt, đảm bảo nguyên tắc khách quan. Đặc biệt trong bước phân tích rủi ro ban đầu của chuyên viên khách hàng, đề xuất ứng dụng hệ thống tính điểm để phục vụ việc xác định, phân tích nhu cầu và đề xuất phương án cho vay nhanh chóng mà vẫn bảo đảm an toàn. Căn cứ thông lệ hiện tại, quy trình cho vay cần sự phối hợp, tham gia của nhiều phòng ban/ trung tâm chuyên môn, đồng thời quy trình cần tách bạch rõ chức năng khởi tạo và phán quyết cho vay, cũng như nhiệm vụ quản lý rủi ro với nhiệm vụ thao tác thực tế. Đáng tiếc là, hiện nay SHB vẫn duy trì mô hình thẩm định, phê duyệt ở chi nhánh. Điều này vô hình chung làm các bộ phận mất đi tính độc lập, bị ảnh hưởng chi phối bởi cấp có thẩm quyền tại chi nhánh.
Do đó, SHB nên thực hiện hoàn thiện và sửa đổi quy trình cho vay theo thông lệ quốc tế, góp phần giúp công tác cho vay thực hiện khoa học, thống nhất, giảm thiểu rủi ro, phục vụ yêu cầu từ khách hàng. Cũng cần thiết phải quy định rõ bộ phận phụ trách cũng như trách nhiệm của những phòng/ban/trung tâm liên quan (nếu có) theo những nguyên tắc chính sau:
- Quy trình cần hài hòa với cơ cấu kiểm soát chất lượng tín dụng.
- Quy trình cần tách bạch chức năng cho vay với chức năng kiểm soát, giám sát nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý rủi ro: từ khởi tạo tín dụng, rà soát rủi ro trình phê duyệt, quản trị tín dụng, tạo khả năng kiểm tra kiểm soát và xác định trách nhiệm liên quan của các thành viên trong bộ máy đối với chất lượng cho vay của SHB ở Hội sở chính cùng những chi nhánh, phòng giao dịch.
- Xây dựng trung tâm phê duyệt giải ngân và hỗ trợ tín dụng tập trung theo các khu vực kinh tế địa lý để chuyên môn hóa, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và tăng trưởng tín dụng bền vững, ổn định. Nhiệm vụ của các trung tâm phê duyệt giải ngân và hỗ trợ tín dụng là sẽ đánh giá tính tuân thủ, đảm bảo những điều kiện tín dụng trước khi giải ngân. Trung tâm có tính độc lập riêng và được giao phân quyền phê duyệt giải ngân từ HĐQT và Ban điều hành.