Triển khai tốt công tác giám đốc sau cho vay sẽ kiểm soát nợ xấu và nâng cao được chất lượng HĐCV tại SHB. Đặc biệt, với những khách hàng lớn, hoạt động quản lý sau cấp tín dụng giữ vị trí quan trọng, hỗ trợ kiểm soát và nắm bắt dòng thu nhập từ khách hàng. Hoạt động giám đốc sau cho vay gồm một số công việc sau:
3.2.3.1. Quản lý giải ngân hiệu quả.
Ngay trong quá trình giải ngân, chuyên viên tín dụng cần thực hiện kiểm tra, giám sát mục đích giải ngân của khoản vay có chính xác theo phê duyệt hay không, những điều kiện cho vay nào chưa được thực hiện, những điều kiện nào đã thực hiện nhưng không thỏa mãn hoàn toàn theo thông báo phê duyệt. Hoạt động kiểm tra mục đích sử dụng nguồn vốn vay phải được thực hiện quyết liệt, sát với thực tế, tránh tình trạng thực hiện ký trước, ký hàng loạt biên bản kiểm tra mục đích sử dụng vốn. Cần lấy các hợp đồng, khế ước nhận nợ và các chứng từ kèm theo làm căn cứ để nhận biết khách hàng khai thác vốn có phù hợp với đề nghị vay vốn và hợp đồng tín dụng đã ký hay không.
3.2.3.2. Quản lý khoản mục tạm ứng.
Việc giám sát, quản lý dòng tiền về theo điều khoản tạm ứng thường có trong cho vay xây lắp, cho vay thương mại dựa trên các điều khoản, đấu thầu dự án... là hết sức quan trọng. SHB cần thực hiện quản lý hiệu quả nhằm phát hiện trường hợp khách hàng khai thác nguồn tạm ứng không đúng mục đích, sai khác theo kế hoạch vay vốn dễ phát sinh nguy cơ tiềm ẩn, tổn thất vốn đối với ngân hàng.
Kiểm soát, quản lý thu nợ là nhiệm vụ cần thiết với mọi NHTM, SHB không phải là ngoại lệ. Trong tình huống khách hàng không thanh toán đúng nghĩa vụ với SHB trong việc trả nợ lãi và nợ gốc thì ngân hàng sẽ thực hiện xử lý đảm bảo tiền vay như thỏa thuận. Vì vậy, chuyên viên tín dụng cần thiết phải nắm bắt được tình hình, đôn đốc khách hàng nộp đủ số tiền gốc và lãi khi đến kỳ thanh toán, tìm hiểu nguyên nhân chậm nộp và cùng có hướng giải quyết, hỗ trợ khách hàng.
3.2.3.4. Quản lý, giám sát sau cho vay.
Sau khi giải ngân xong, ngoài thực hiện kiểm tra về nội dung mục đích sử dụng vốn, Ngân hàng vẫn còn một loạt công tác khác như kiểm tra, định giá lại TSBĐ, kiểm tra hoạt động SXKD cũng như theo sát những điều kiện vay vốn chưa được tuân thủ. Hiện tại các hoạt động trên tại SHB đều đã có thời gian định mức cho phép trong kiểm tra, định giá tuy nhiên bởi tập trung chủ yếu vào công tác phát triển kinh doanh cũng như chưa đưa ra được chế tài xử lý đối với trường hợp không thực hiện nên công tác giám sát sau cấp tín dụng tại SHB vẫn đang bị buông lỏng. Vì vậy, cần thiết xây dựng chế tài xử phạt, trừ điểm chi tiết để tạo nâng cao chất lượng giám sát sau vay, cũng như tạo ý tự giác chấp hành cho cán bộ quản lý khoản cấp tín dụng ở SHB.