1.3.1. Phương pháp tu tập
Thiền Tông phát triển mạnh trong thời ngài Lục Tổ Huệ Năng (637 – 713), sau đời ngài Huệ Năng thiền tông chia ra làm năm phái với phương pháp tu tập và phương pháp hành đạo khác nhau được tóm gọn qua bài kệ:
“Lâm Tế thống khoái Quy Ngưỡng cẩn nghiêm Tào Động tế mật
Vân Môn ký cổ
Pháp Nhãn tường minh”
Thiền phái Lâm Tế do thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền (? – 867) sáng lập tại Trung Hoa. Ngài thuộc thế hệ thứ 6 sau đời ngài Huệ Năng, là sơ tổ của thiền phái này. Thiền phái Lâm Tế truyền đến đời thứ 21 có ngài Vạn Phong – Thời Ủy (1303 - 1381) chùa Thiên Đồng xuất kệ:
“Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông Hạnh Siêu Minh Thật Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không
Như Nhật Quang Thường Chiếu Phổ Châu Lợi Ích Đồng
Tín Hương Sanh Phước Huệ Tương Kế Chấn Từ Phong
Đến đời thứ 31 tông Lâm Tế có ngài Thông Thiên – Hoằng Giác tức là Mộc Trần – Đạo Mân (1596 – 1674) ở chùa Thiên Khai xuất kệ:
“Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền”
Khi các ngài Nguyên Thiều, Minh Hải, Minh Lượng sang An Nam thì ở Đàng Trong dòng thiền Lâm Tế đã phát triển mạnh. Ngài Nguyên Thiều đời thứ 33 truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong – Thời Ủy, phái này phát triển mạnh ở Bình Định với tổ đình chính là chùa Thập Tháp. Ngài Minh Lượng đời thứ 34 truyền theo bài kệ của ngài Mộc Trần – Đạo Mân, phái này phát triển ở Gia Định trung tâm là tổ đình Giác Lâm. Ngài Minh Hải đời thứ 34 của Tông Lâm Tế xuất kệ truyền thừa lập ra thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phát triển tại Quảng Nam tổ đình chính là chùa Chúc Thánh. Đời thứ 35 có ngài Thiệt Diệu – Liễu Quán (1667-1742) đệ tử của ngài Minh Hoằng – Tử Dung (?-?) xuất kệ truyền thừa lập ra thiền phái Liễu Quán hình thành và phát triển tại Thuận Hóa trung tâm là tổ đình Thiền Tôn.
Trở lại với môn phái Lâm Tế Chúc Thánh, cho đến nay ta chưa có một nguồn tư liệu cụ thể nào ghi sự tu tập cũng như những thiền ngữ của thiền sư Minh Hải. Tuy nhiên, đây là một chi phái của tông Lâm Tế nên sự tu tập của các thiền sư của dòng Chúc Thánh cũng không ra ngoài tông chỉ của phái này. Qua bài thuật sự tích của thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726 – 1798), thế hệ thứ 3 của dòng Chúc Thánh, chúng ta cũng có thể phần nào thấy được sự tu tập của các thiền sư thời bấy giờ.
Qua đoạn trích về sự tu hành của thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền (1726 – 1798), một thiền sư danh tiếng thuộc thế hệ thứ 3 của dòng Chúc Thánh,
ta có thể thấy được sự tu tập của các vị thiền sư lúc bấy giờ là kết hợp hài hòa giữa Thiền – Tịnh, theo chủ trương Thiền – Tịnh song tu của thiền sư Vĩnh Minh – Diên Thọ (904 – 975). Nghĩa là các thiền sư tụng đọc kinh văn, lạy Phật sám hối để cầu tội chướng tiêu trừ theo pháp môn Tịnh Độ. Đồng thời, tham thiền nhập định, tham vấn đạo để cầu Thầy ấn chứng sở đắc theo truyền thống thiền tông. Tóm lại, với tư tưởng “Lâm Tế thống khoái” nên các thiền sư dòng Lâm Tế Chúc Thánh có pháp môn tu phù hợp tùy với điều kiện xã hội. Sự vận dụng kết hợp Thiền – Tịnh song tu đã đem lại sự lợi lạc cho hành giả và tha nhân. Về tự thân, các thiền sư đạt được sự an lạc do thiền định đem lại, thân tâm an lạc, nội lực tăng trưởng nên thấy rõ thật tướng của mọi sự, mọi vật. Với pháp môn Tịnh Độ, các Ngài đã giúp cho dân chúng ổn định tinh thần, có một niềm tin hướng về Tam bảo. Đặc biệt, với tâm lý của những người mới di cư vào vùng Quảng Nam lúc bấy giờ, tín ngưỡng Di Đà, quy kính Tịnh Độ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, an ổn nơi mảnh đất đầy sơn lam chướng khí này. Đây cũng là một trong những điều kiện giúp cho thiền phái Chúc Thánh nhanh chóng lan tỏa, phát triển trong các tầng lớp nhân dân tại Quảng Nam và các tỉnh thành khác.
Chủ trương của tông Lâm Tế là “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Chủ trương ấy vẫn được nối tiếp qua nhiều thế hệ nhưng khi sang An Nam để thích ứng với căn cơ của người An Nam mà các thiền sư đã uyển chuyển kết hợp Thiền - Tịnh song tu. Ở chùa Chúc Thánh khi tổ sư Minh Hải còn hiện tiền vẫn có thực hiện hai thời công phu sớm tối. Vùng đất Quảng Nam thời bấy giờ có thể xem là vùng đất mới, đa phần dân Quảng Nam là do người dân Việt di cư từ Bắc vào hay một số người Minh Hương sang lánh nạn rồi làm ăn sinh sống tại đây. Do điều kiện kinh tế khó khăn, rừng thiên nước độc, xa quê hương xứ sở, không có chỗ dựa tinh thần gia đình vững chắc nên nhu cầu cần chỗ dựa tâm linh rất cao. Vì vậy để đáp ứng các nhu cầu của nhân dân mà các vị thiền sư thời bấy giờ phải gần gũi dân chúng, giúp họ thực hiện các nghi lễ tôn giáo và nghi lễ dân gian. Một mặt, các thiền sư
làm vậy để giúp họ ổn định tinh thần, mặt khác xem đó là phương tiện gần gũi với người dân từ đó hướng dẫn họ tu tập, bỏ tà quy chính. Cho nên các vị thiền sư thời ấy, không những nghiên cứu về các thiền ngữ và chuyên tu tập thiền định mà còn thực hành các nghi lễ tôn giáo như cúng tế vong linh người chết, làm lễ tang ma, cầu nguyện bình an cho nhân dân… đã thu hút quần chúng tầng lớp bình dân đến chùa tu tập.
Trong cuốn Sa-môn Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm (1738 –
1810) Thiền Sư Xuất Thế Nhân Do Tích Chí có ghi về sự tu tập của Thiền sư
Pháp Truyền đời thứ 3 của Lâm Tế Chúc Thánh như sau: … “Phật thừa ư trung nhật thực, viễn ly tài sắc, bất thiệp thế duyên, cần khánh kinh luật, tinh cần cầu đạo, tụng đại bi chú nhất tạng, đảnh lễ tam thiên vạn Phật hồng danh các hữu ngũ biến, dĩ thử thiện căn cầu chướng tội tiêu, tảo thành Phật đạo…” Nghĩa là: ngày ăn một bữa (ngọ), xa lìa tài sắc, không màng đến chuyện thế gian, siêng năng nghiên cứu kinh luật, tinh cần cầu đạo, tụng chú Đại bi một tạng, đảnh lễ tam thiên và mười ngàn hồng danh Phật mỗi loại 5 lần, đem thiện căn này cầu
cho tội chướng tiêu trừ, sớm thành Phật Đạo [6, tr. 127].
Trong cuốn sách còn ghi lại đoạn ngài và bổn sư Thiệt Dinh - Chánh Hiển - Ân Triêm (1712 - 1796) đối đáp:
“… Đảnh lễ Bổn sư bạch vân:
- Tiên giác hữu vân: Học đạo bất thông lý, hậu thân hoàn tín thí. Vân hà
thông lý, nguyện Bổn sư chỉ thị? Bổn sư thị viết:
- Đản tùy pháp sự tu hành, cùng sự chí lý, lãnh noãn tự tri, tuyệt ngôn ngữ
đạo.
Hựu vấn viết:
- Luật vân: Cổ nhân tâm địa vị thông, biệt viễn thiên lý cầu sư phỏng đạo.
Thử sự vân hà? Bổn sư thị viết?
- Cổ nhân xuất gia bất vị danh lợi, tuy cầu chí đạo, đốn liễu sanh tử, tâm địa tự như, minh kiến tự tánh, bổn lai thành Phật.
Bổn sư tri hựu đại thừa căn khí, đạo niệm siêu quần, nãi ấn chứng vi Diệu Nghiêm chi diệu”.
Nghĩa là: Ngài đảnh lễ bổn sư và thưa:
- Người xưa nói: “Kẻ học đạo không thông lý, thân sau phải hoàn trả của
tín thí, thế nào là thông lý? Nguyện thầy chỉ dạy cho? Thầy bèn trả lời:
- Tùy theo pháp mà tu hành, cùng tuột của sự thì đến lý, nóng lạnh tự biết,
tuyệt đường ngôn ngữ. Lại hỏi:
- Trong luật có dạy: “Người xưa tâm địa chưa thông, không quản ngàn
dặm tìm thầy học đạo. Việc ấy thế nào? Thầy lại dạy:
- Người xưa xuất gia không màng danh lợi, duy chỉ cầu đến chỗ rốt ráo của
Đạo, đoạn trừ sanh tử, tâm địa như vậy, thấy rõ tự tánh thì thành Phật.
Bổn sư biết ngài là bậc có căn khí đại thừa, đạo niệm siêu quần xuất
chúng, bèn ấn chứng hiệu là Diệu Nghiêm [6, tr. 127 – 128].
Qua đoạn đối đáp của ngài Pháp Chuyên – Luật Truyền (1738 – 1810) với bổn sư Thiệt Dinh - Chánh Hiển - Ân Triêm (1712 - 1796) thấy được chủ trương đường lối tu tập của các ngài là nghiên cứu kinh luật, tụng kinh lễ sám, tham vấn thiền đạo để cầu liễu ngộ Đại thừa. Đường lối tu tập cũng không thể tách khỏi lời Phật dạy, cũng lấy lời Phật dạy làm căn bản để soi xét mọi suy nghĩ, lời nói và hành động hằng ngày. Ngài Diên Thọ - Vĩnh Minh (904 – 975) cũng chủ trương Thiền - Tịnh song tu, tụng kinh văn lạy Phật cầu sám hối để tội chướng tiêu trừ theo pháp môn Tịnh độ, đồng thời tham thiền nhập định, tham vấn đạo để cầu tỏ ngộ chân như, cầu thầy ấn chứng.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời và thuyết pháp nhằm mục đích đem lại sự hòa bình an lạc cho mọi loài chúng sinh. Đứng về mặt tôn giáo, Ngài chỉ bày con đường cho mọi người thoát khỏi sự bức bách khổ đau do tham, sân, si gây nên. Đứng về mặt xã hội, Ngài chủ trương đem lại sự bình đẳng tự do tuyệt đối cho con người với lời nói đầy minh triết: “Không có giai cấp trong giọt máu
cùng đỏ, không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”. Vì thế, các thế hệ
Tăng lữ về sau cũng không ra ngoài tôn chỉ ấy. Phật giáo đi đến đâu là tinh thần hòa ái đến đó. Tinh thần “Hộ quốc an dân” là một tôn chỉ xuyên suốt trong lịch sử 2.000 năm truyền đạo trên đất Việt. Tôn chỉ của thiền phái Chúc Thánh cũng không ra ngoài nguyên tắc ấy. Ngoài việc tu hành chứng ngộ tâm linh, các thiền sư dòng Chúc Thánh với chủ trương nhập thế tích cực với tinh thần vô nhiễm. Điều này được thể hiện qua cuộc đời của thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác (1747 – 1830), thế hệ thứ 3 dòng Chúc Thánh. Sau khi xuất gia, Ngài lại về quê đăng lính đánh giặc lập nhiều công to được phong đến chức Chỉ huy. Đến lúc hưởng phú quý thì Ngài từ bỏ tất cả, về phát nguyện quét chợ Hội An trong thời gian 20 năm. Về sau, Ngài được triều đình và dân chúng suy tôn hiệu là Minh Giác thiền sư (1747-1830), thỉnh về kế nghiệp trụ trì Tổ đình Phước Lâm. Tiếp nối gương của bậc Cổ đức, các thế hệ Tăng đồ dòng Chúc Thánh luôn nhiệt tâm tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi độc lập cho tổ quốc và tự do cho dân tộc. Thiền sư Ấn Bổn – Vĩnh Gia (1784 – 1866) thuộc thế hệ thứ 6 dòng Chúc Thánh là một bậc cao tăng được triều đình Huế kính trọng, thường thỉnh ra kinh đô thuyết giảng. Tuy nhiên, không vì sự kính trọng, ưu ái ấy mà ngài quên đi nỗi đau mất nước. Ngài đã âm thầm cố vấn cho nhà chí sĩ Trần Cao Vân (1866 – 1916) và Thái Phiên (1882 – 1916) trong phong trào Duy Tân (1905 – 1908). Các thiền sư tại chùa Cổ Lâm huyện Đại Lộc đã che giấu Trần Cao Vân (1866 – 1916) một thời gian dài. Nhà yêu nước họ Trần cũng đã có một thời gian tu hành tại đây với pháp danh Như Ý. Tinh thần nhập thế của các Tăng sĩ dòng Chúc
Thánh lại một lần nữa được thể hiện qua phong trào đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.
Đỉnh cao của tinh thần ấy là sự hi sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897 – 1963), Ngài đã thiêu thân cúng dường chư Phật, cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn. Tâm nguyện Bồ tát của Ngài đã để lại trái tim bất diệt mà ngàn đời Tăng ni kính ngưỡng. Hòa thượng Thích Quảng Đức thế danh Lâm Văn Tuất, pháp danh Thị Thủy, tự Hành Pháp thuộc thế hệ thứ 9 của dòng Chúc Thánh và đời thứ 42 dòng Lâm Tế Chánh Tông. Sự hi sinh của Ngài chính là đỉnh cao của tinh thần xả thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Ngọn lửa từ bi được ngài thắp sáng, soi rõ lương tri của thời đại, cứu Phật giáo đồ cũng như mọi người dân thoát khỏi một chế độ độc tài hà khắc. Tôn chỉ hành đạo của thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư khai sơn cho đến nay vẫn không thay đổi. Nhập thế tích cực cứu đời nhưng vẫn thong dong tự tại trước mọi lợi danh. Tùy duyên hành đạo và bất biến giữ dòng đời luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh cụ thể đã thể hiện được bản hoài của Phật tử theo tinh thần: “Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật.”
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng lấy lời Phật dạy trong kinh luật luận làm hành trang để tu tập và hành đạo. Tuy nhiên có những vị chuyên tu cầu thoát ly sinh tử nhưng cũng có vị thực hành bồ tát đạo đi vào đời gần gũi quần chúng để cùng chia sẻ các nổi khổ niềm đau với họ. Đứng ở góc độ nào cũng lấy tinh thần tự lợi lợi tha làm đầu, gần gũi quần chúng để truyền trao Phật pháp. Sự hiện diện của Tăng sĩ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã giúp cho đạo Phật đi vào đời một cách thiết thực nhất.