1.4.1. Sinh hoạt của sơn môn
Kể từ khi tổ sư Minh Hải xuất kể truyền thừa, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phát triển mạnh ở Quảng Nam và theo bước chân Nam tiến lan rộng đến miền Gia Định. Cuối thế kỷ thứ 18 tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú
Yên đều có các thiền sư trong dòng thiền phái Chúc Thánh hoằng hóa. Tại Quảng Nam hình thành 3 trung tâm truyền giáo chính như sau: Trung Tâm Hội An phía đông có các tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm; trung tâm Ngũ Hành Sơn ở phía bắc với hai ngôi Quốc Tự Tam Thai và Linh Ứng; trung tâm Đại Lộc phía tây có tổ đình Cổ Lâm. Cả 3 trung tâm này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong đó các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm đóng vai trò đào tạo tăng tài rồi phân bổ đi các chùa trong toàn tỉnh và các tỉnh để truyền đạo.
Tại Quảng Ngãi, tổ đình Thiên Ấn là tổ đình chính chi phối toàn bộ mọi sự sinh hoạt của chư Tăng trong tỉnh. Có hai ngài tiêu biểu là Chương Khước – Giác Tánh và Toàn Chiếu – Bảo Ấn đã tiếp tăng độ chúng rất đông. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được phát triển rộng tại Quảng Ngãi cũng do hai ngài này tạo dựng nên.
Tại Bình Định có các ngôi tổ đình Long Sơn, Phổ Bảo, Thiên Hòa, Thanh Long, Thiên Bình… truyền thừa theo dòng kệ của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Nơi này đã đào tạo ra nhiều tăng tài góp phần cho sự phát triển của tông môn.
Tại Phú Yên, thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm (1738 – 1810) lập chùa Từ Quang ngôi chùa này đã trở thành trung tâm đào tạo tăng tài cho Phật giáo miền trung từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Chư tăng các tỉnh phần lớn đều tập trung về đây để học kinh, luật, luận. Đa số các vị danh tăng thế kỷ 19 đều xuất thân từ ngôi tổ đình này.
Lúc bấy giờ, việc sinh hoạt của sơn môn cũng còn đơn giản. Thiền tông với chủ trương “Bất lập văn tự” nên các thiền sư không có mở trường dạy học như bây giờ, mà chủ yếu là thầy trò truyền dạy cho nhau, thực tập thiền định và ấn chứng sở ngộ. Sự sinh hoạt hỗ tương qua lại của các chùa trong tông môn được thể hiện rõ nét nhất là qua các giới đàn truyền giới. Đàn truyền giới được khai mở mỗi khi có giới tử phát nguyện thọ giới để thăng tiến trong việc tu học. Theo Ngũ hành sơn lục, thiền sư Từ Trí mô tả việc đàn giới như sau: “…Tiền nhất
niên, thỉnh chư sơn tự tăng ước nhật tề tựu thuyết vấn luận nghị khai đại giới đàn tiếp dẫn hậu côn tăng đẳng. Đồng ứng hộ trợ, nhiên hậu, bố cáo các tỉnh chư sơn tự tăng dự tri cẩn trạch.. niên…nguyệt…nhật. Túc thỉnh quang lâm y tự tiền tam nhật, trí thỉnh chư tôn an bài chức sự. Nhất vị Chủ kỳ Hòa thượng, nhất vị Đàn đầu Hòa thượng, nhất vị Yết–ma Hòa thượng, nhất vị Giáo-thọ Hòa thượng, thất vị Tôn chứng Xà–lê, tứ vị Dẫn thỉnh sư, tuyên luật sư, truyển trạch
thủ vĩ Sa–di nhị vị…” Nghĩa là: Trước đó một năm, thỉnh chư Tăng các chùa quy
ước một ngày hội họp luận nghị về việc mở đại giới đàn tiếp dẫn Tăng chúng hậu học. Chư Tăng đồng tâm hỗ trợ, sau đó, công bố cho chư Tăng các chùa khắp nơi đều biết mà chuẩn bị, chọn năm.. tháng… ngày, v.v... Trước đó 3 ngày, kiền thỉnh chư Tăng quang lâm đến chùa đã được định trước, cung thỉnh chư tôn an bài chức sự: một vị Hòa thượng Chủ kỳ, một vị Hòa thượng Đàn đầu, một vị Hòa thượng Yết–ma, một vị Hòa thượng Giáo thọ, bảy vị Xà–lê tôn chứng, bốn vị dẫn lễ, một vị Tuyên luật sư, chọn hai vị Sa–di thủ vĩ… [6, tr.131–132].
Qua sự mô tả này, ta thấy việc tổ chức Đại giới đàn đều tuân theo quy củ giới luật Phật chế, đầy đủ Hội đồng Thập sư. Tuy nhiên, theo lời của các vị tôn túc, giới đàn ngày xưa được mở sau khi kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ, còn gọi là trường Kỳ hoặc trường Hương. Nghĩa là giới tử phải tập trung trong 3 tháng an cư, theo vị Đàn đầu Hòa thượng học tập oai nghi giới luật sau đó mới chính thức đăng đàn thọ giới. Trong quá trình tiếp Tăng độ chúng, các vị thiền sư dòng Chúc Thánh thường tổ chức giới đàn để truyền trao y bát, tuyển người kế thừa sự nghiệp hoằng pháp. Đã có nhiều giới đàn khai mở nhưng không có tư liệu ghi lại.
Theo bản Phó chúc của tổ Toàn Định–Bảo Tạng ghi: “Vào tháng 5 năm Mậu Tuất (1838), Hòa thượng Toàn Chiếu–Bảo Ấn có mở giới đàn tại chùa
Thiên Ấn và đã thỉnh Ngài vào ngôi vị Yết–ma A–xà–lê” [6, tr. 132].
Trong Ngũ Hành Sơn Lục, thiền sư Từ Trí ghi: “Vào tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1869), niên hiệu Tự Đức thứ 22, thiền sư Chương Tư–Huệ Quang kiến lập đàn
giới tại chùa Phước Lâm, giới đàn này do thiền sư Toàn Nhâm–Quán (1798-
1883) Thông làm Hòa thượng Đàn đầu” [6, tr.132], và giới tử đắc pháp là thiền
sư Ấn Bổn–Vĩnh Gia, một Cao tăng cận đại của xứ Quảng. Năm Quý Tỵ (1893), thiền sư cùng Hòa thượng Ấn Thanh – Chí Thành khai mở Đại giới đàn tại chùa Chúc Thánh (Quảng Nam). Thiền sư Chí Thành được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu và ngài Vĩnh Gia làm Giáo thọ A–xà–lê tại giới đàn này, ngài Chơn Tâm–Pháp Tạng trú trì chùa Phước Sơn, Phú Yên làm Yết–ma A–xà–lê [6, tr.133]. Năm Canh Tuất (1910), thiền sư Vĩnh Gia khai giới đàn và làm Hòa thượng Đàn đầu tại chàa Phước Lâm. Giới đàn này đã cung thỉnh thiền sư Ấn Tham–Hoằng Phúc trú trì chùa Thiên Ấn làm Giáo thọ A–xà–lê; các ngài Ấn Kim–Hoằng Tịnh trú trì chùa Phước Quang, Quảng Ngãi làm Đệ ngũ tôn chứng; ngài Ấn Chí– Hoằng Chương trú trì chùa Long Tiên, Quảng Ngãi làm Đệ lục tôn chứng. Giới đàn này quy tụ trên 200 giới tử xuất gia và hàng ngàn giới tử tại gia. Trong đó có một số vị đắc giới và trở thành long tượng trong Phật pháp như các Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nhiên, (Đệ nhất và Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất). Về phần tại gia thì có Tuy Lý Vương–Miên Trinh, Đô thống Lê Viết Nghiêm cũng như nhiều hoàng thân quốc thích khác thọ giáo với Ngài. Năm Mậu Thìn (1928), niên hiệu Bảo Đại thứ 4, Hòa thượng Chơn Pháp–Phước Trí khai giới đàn và làm Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Từ Vân–Đà Nẵng. Giới đàn đã cung thỉnh Hòa thượng Chơn Thông–Pháp Ngữ trú trì chùa Từ Quang, Phú Yên và Hòa thượng Ấn Kim– Hoằng Tịnh trú trì chùa Phước Quang, Quảng Ngãi làm Chứng minh đạo sư. Trong hàng giới tử đắc pháp với Ngài có Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những Cao tăng của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Qua các đàn giới mà ngày nay chúng ta còn biết được, phần nào đó tái hiện lại sinh hoạt của cộng đồng Tăng lữ ngày xưa tại Quảng Nam. Điều này thể hiện được mối quan hệ khăng khít của các chùa trong sơn môn Chúc Thánh thời bấy giờ. Các đàn giới đã đào tạo những thế hệ Tăng lữ kế thừa nên môn phái ngày càng phát triển rộng khắp. Đồng thời,
thông qua các giới đàn này, đã nói lên được mối liên hệ của chư Tăng Quảng Nam đối với các tỉnh lân cận như Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên v.v... Bởi vì, các giới đàn được khai mở tại Quảng Nam đều có sự tham dự của chư Tăng các tỉnh trong Hội đồng Thập sư cũng như giới tử cầu thọ giới. Cũng thế, khi các tỉnh mở giới đàn đều cung thỉnh các thiền sư ở Quảng Nam vào chức Thập sư và chư Tăng Quảng Nam cũng đến các tỉnh khác cầu thọ giới. Ngoài việc lập đàn truyền giới, sự quan hệ của các chùa trong sơn môn Chúc Thánh được biểu hiện qua các ngày giỗ Tổ, khánh thành chùa, tang lễ v.v... Trong những Phật sự này, chư Tăng tề tựu hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, thể hiện tình pháp lữ đồng môn gắn bó tương thân tương trợ.
Thông qua các đàn giới chúng ta thấy được sự sinh hoạt tôn môn thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh gắn kết chặt chẽ với nhau. Các vị hòa thượng trong thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đều được thỉnh vào Hội đồng Thập sư trong mỗi đàn giới tổ chức tại Quảng Nam hay các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Ngoài ra, việc sinh hoạt sơn môn của thiền phái Chúc Thánh còn thể hiện qua các ngài giổ Tổ, khánh thành chùa, tang lễ… trong các ngày lễ này tăng chúng đều quy tựu về để lo tổ chức thể hiện tình pháp lữ đồng môn tương thân tương ái.
1.4.2. Tổ chức sơn môn
Sơn môn thiền phái Chúc Thánh những ngày đầu còn tổ chức đơn giản chưa có hệ thống rõ ràng chủ yếu chùa nào sinh hoạt chùa đó, chùa nào có bậc cao tăng thạc đức thì chư tăng các nơi tìm đến để tham vấn học hỏi. Ở Quảng Nam có chùa Phước Lâm là nơi xuất hiện các bậc danh tăng đất Quảng, nên hầu hết chư Tăng trong vùng đều tề tựu về đây để tu học. Và các vị đi các tỉnh để hoằng hóa cũng xuất thân chủ yếu từ chùa Phước Lâm. Chùa Phước Lâm có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Cuốn Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho biết: “… Tuy rằng thời bấy giờ phương tiện đi lại còn thô sơ và thông tin liên lạc không có, nhưng những Phật sự lớn tại những chùa Tổ đều được các ngài lo lắng chu đáo. Theo lời kể của chư tôn đức tại Bình Định thì chùa Linh Sơn, Phù Cát có mối liên hệ chặt chẽ với tổ đình Chúc Thánh. Những pho tượng La hán tại chùa Linh Sơn cũng chính là dòng tượng của chùa Chúc Thánh, Hội An. Trong phần lược sử chùa Thiên Bình có nói đến ngài Gia Khánh có chuyến đi về chùa Chúc Thánh nhưng không rõ năm nào. Điều đó càng thấy được mối liên hệ khăng khít
giữa chư sơn trong tông môn tại các tỉnh thành” [6, tr.134]. Cũng trên tinh thần
đó, vào thời Gia Long, ngài Toàn Đức– Thiệu Long, trú trì chùa Khánh Sơn, Phú Yên đứng in kinh đã cung thỉnh thiền sư Thiên Trường chùa Sắc tứ Tập Phước, Gia Định chứng minh. Lúc bấy giờ tuy môn phái Chúc Thánh không có một tổ chức xuyên suốt cụ thể nhưng qua một số bản kinh còn lại, chúng ta thấy các Ngài có mối quan hệ chặt chẽ trong những sinh hoạt Phật sự.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, tình hình chính trị đất nước biến chuyển phức tạp. Các giáo sĩ Công giáo theo bước chân lính Pháp sang truyền giáo và chủ trương đập chùa làm nhà thờ. Minh chứng cụ thể là chùa Bửu Châu do chúa Tiên – Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) lập năm Đinh Mùi (1607) tại Trà Kiệu, nhưng bị người Công giáo san bằng để làm nhà thờ Trà Kiệu (1722). Các chùa Kim Chương, Từ Ân, Chưởng Phước v.v... đều bị san bằng không còn dấu vết. Đồng thời, trong giai đoạn này Tăng chúng suy đồi, chỉ chú trọng đến việc ứng phú (là môn lễ nhạc trong chùa tán, tụng, xướng, kết hợp với pháp khí). Trước tình hình như vậy, chư sơn tại các tỉnh thành đều có tổ chức để chỉnh đốn Tăng già, chấn hưng đạo pháp. Tại Quảng Nam, vào năm Tân Dậu (1921), Hòa thượng Ấn Nghiêm – Phổ Thoại (1875 – 1954) đứng ra thành lập Bản tỉnh chư sơn Hội nhằm mục đích củng cố Tăng già, chỉnh đốn Thiền môn đồng thời bảo vệ các chùa trước sự tàn phá của binh lính Pháp. Ngài được chư sơn tín nhiệm cung thỉnh làm Trị sự đầu tiên. Cơ cấu của tổ chức Bản tỉnh chư sơn Hội gồm có
một Hội trưởng, một Thư ký, mỗi huyện thị có một vị Chánh kiểm tăng và một vị Phó kiểm tăng. Lúc bấy giờ tỉnh Quảng Nam chia làm 9 phủ huyện như sau: Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc, Tiên Phước, Hội An. Tổ chức Bản tỉnh chư sơn Hội đã bảo vệ được các chùa trước sự tàn phá của lính Pháp cũng như củng cố Tăng già làm tiền đề cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Tổ chức này chính là tiền thân của Giáo hội Tăng già về sau. Tại các tỉnh thành những tổ chức Tăng già dưới nhiều danh xưng khác nhau cũng ra đời không ngoài mục đích chấn chỉnh thiền gia. Các nơi đều đặt những vị Kiểm tăng để giám sát sự tu học của Tăng chúng. Đây chính là tiền đề cho phong trào chấn hưng Phật giáo sau này. Vào những thập niên 1980, hòa thượng Huyền Ấn (1928 – 2010) và hòa thượng Đồng Quán (1926 – 2009) tìm về Chúc Thánh để lập lại hệ đồ truyền thừa. Tại Quảng Nam lúc bấy giờ có các hòa thượng Trí Giác (1915 – 2005), Trí Nhãn (1909 – 2004), Long Trí (1928 – 1998) cũng rất quan tâm về vấn đề này. Từ đó, các Ngài có sự liên hệ nối kết nhau để hình thành nên môn phái Lâm Tế Chúc Thánh. Đến năm Nhâm Thân (1992), nhân dịp khánh thành Bảo tháp Tổ sư Minh Hải, môn phái Chúc Thánh mới được chính thức thành lập. Đây là nhu cầu thiết yếu để duy trì truyền thống và sự phát triển của tông môn. Chư Tăng ni thuộc môn phái khắp các tỉnh thành trong cả nước đều vân tập về Chúc Thánh để tổ chức hội nghị thành lập môn phái. Danh xưng chính thức được gọi là Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh và đặt trụ sở chính tại Tổ đình Chúc Thánh, Hội An. Cơ cấu tổ chức bao gồm 2 Hội đồng: Hội đồng Trưởng lão và Hội đồng Điều hành. Hội đồng Trưởng lão gồm các vị tôn túc tiêu biểu cho giới luật, có nhiệm vụ chứng minh các đại lễ, đàn giới của môn phái. Hội đồng Điều hành có trách nhiệm điều hành mọi công tác Phật sự của môn phái. Đứng đầu môn phái có một vị Trưởng môn phái và nhiều vị Phó trưởng môn phái, Chánh, Phó thư ký và các Ủy viên. Các vị Phó trưởng môn phái là trưởng chi phái tại các tỉnh thành. Hội nghị cũng đã thông qua bản Nội quy của môn phái bao gồm 7 chương 16 điều. Đồng thời, trong hội nghị này,
môn phái cũng đã quy định 3 năm một lần vào ngày giỗ tổ Minh Hải ngày 7 tháng 11 các năm thuộc chi Dần, Tỵ, Thân, Hợi, Tăng ni các nơi tổ chức “Về nguồn” để họp bàn tổng kết đánh giá những thành tựu, ưu khuyết của môn phái, từ đó, vạch ra chương trình sinh hoạt trong những năm tới. Kỳ họp môn phái năm 2016 chư Tôn đức trong môn phái đã thống nhất 4 năm về nguồn một lần.
Xuyên suốt 300 năm truyền thừa trên đất Quảng, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hình thành và phát triển theo thời gian. Dần theo năm tháng, với những chuyển biến của dân tộc, môn phái Chúc Thánh có những tổ chức cụ thể để duy trì truyền thống của tông môn. Sự kiện thành lập Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh vào năm Nhâm Thân (1992) là đỉnh cao của tinh thần hòa hợp Phật giáo. Đây là một tổ chức kiện toàn nhất của dòng Lâm Tế Chúc Thánh từ trước đến nay.
Tiểu kết chương 1
Pháp môn tu tập của thiền phái Lâm Tế là khoáng đạt tùy mỗi vùng mỗi địa phương mà có cách ứng dụng khác nhau cho phù hợp không có sự bó hẹp vào một pháp môn nào. Cùng là những Tăng sĩ tu theo dòng Lâm Tế Chúc Thánh có người chuyên tu thiền, có người chuyên tu Tịnh độ, có người kết hợp cả hai, có người chuyên trì chú mật tông, có người đi vào đời thực hành các nghi lễ tôn giáo, có người tham gia các công tác xã hội, tham mưu cho vua quan các chính sách điều hành đất nước…
Nhưng tinh thần chung là lấy lời Phật dạy (kinh luật) làm căn bản, tham vấn đạo các vị cao tăng xuất trần thượng sĩ để các ngài ấn chứng và truyền trao pháp nhãn. Trong Thiền tông nếu chưa được ấn chứng của người thầy đã được ấn chứng thì vị ấy cũng chưa được xem là thiền sư, thiền sư phải được thầy tổ