Mỹ có mật độ rất cao các cơ sở thuộc Lâm Tế Chúc Thánh.
3.2. Đặc điểm của chi phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu Tàu
Chư tăng ni trong chi phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu gắn bó sinh hoạt với nhau bằng tình linh sơn pháp lữ tông môn. Đa số tăng ni dòng thiền Chúc Thánh đều xuất thân từ tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xuôi vào nam để học tập rồi định cư hành đạo, về tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu lập ra các am thất và các tự viện tu hành. Chính sự xa quê hương, xa chốn tổ đã thúc đẩy các tăng ni trong thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh gắn bó lại với nhau để sinh hoạt, hỗ trợ nhau trong lúc cần thiết.
Thượng tọa T.M.T (phó Ban liên lạc chi phái Lâm Tế Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Hằng năm, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có buổi mặt đầu năm để tăng ni trong môn phái gặp nhau, ngày gặp mặt được ấn định vào chiều ngày 16/1/ Âm lịch hằng năm tại chùa Bửu Thiên (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Buổi họp đầu năm vị Hòa thượng T.K.T trưởng chi phái thường có lời sách tấn, nhắc nhở tăng ni nhớ về nguồn cội và ân đức lịch đại tổ sư đã dầy công xây dựng duy trì nền giáo pháp Phật đà cho đến ngày nay. Tăng ni trong môn phái phải có vai trò gìn giữ và phát huy để tông môn không bị mai một. Chi phái Chúc Thánh lấy giới luật làm căn bản và thực hiện Tứ trọng ân (ân chư Phật, ân Tổ thầy, ân cha mẹ, ân quốc gia), sau cứu bạt tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Sau lời sách tấn của hòa thượng, các vị môn phát phát biểu ý kiến cá nhân để xây dựng tông môn ngày một đoàn kết và phát triển. Sau buổi lễ mọi người dùng cơm thân mật trao đổi với nhau các công việc Phật sự của chùa mình” (PVS, nam, 60 tuổi).
Thượng tọa T.T.P (sinh năm 1972) (phó chi phái Lâm Tế Chúc Thánh Đồng Nai và BR-VT) cho biết: “Lâm Tế Chúc Thánh tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có một Ban chứng minh và một Ban Điều hành: Ban chứng minh gồm có hòa thượng M.Đ, hòa thượng G.Q. Ban Điều hành chi phái gồm có: Trưởng Ban là hòa thượng K.T, Phó ban là thượng tọa M.T, thượng tọa Th.P, thượng tọa T.P, thư ký là đại đức Th. T, thủ quỹ là ni sư T.N.T.K. Ban Điều hành có trách nhiệm kết nối các tăng ni trong chi phái, hoạch định các chương trình hoạt động, lên kế hoạch thực hiện, vận động các tăng ni trong dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại địa phương tham gia sinh hoạt tông môn” (PVS, nam, 49 tuổi). Như vậy, các cấu trúc này đã cho thấy cố gắng hình thành một cơ cấu tổ chức cho chi phái Chúc Thánh ở hai địa phương này.
Nhìn chung tăng ni của Lâm Tế Chúc Thánh tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu gắn bó với nhau phần lớn dựa trên tình cảm cùng quê hương, cùng tổ thầy, chưa gắn bó với nhau bằng tinh thần học hỏi, tu tập theo pháp của Phật và tổ dạy. Trong các buổi họp mặt, chủ yếu thảo luận các công việc thăm viếng, chưa có cuộc thảo luận sâu về nội dung tư tưởng của môn phái. Do đó, mỗi người có mỗi tư tưởng, có pháp môn tu tập khác nhau, có người thì chuyên niệm Phật, có người tu thiền, có người vừa Tịnh vừa Mật, có người chuyên lo ứng phú đạo tràng… Pháp môn tu tập của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của tăng ni tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu chưa thống nhất, về pháp tu không có gì khác biệt so với các thiền phái khác. Đường lối tu hành của Tăng ni ngày nay, chủ yếu ảnh hưởng bởi các trường Phật học, tông môn chỉ có vai trò cố kết tăng ni lại với nhau, tinh thần gia giáo ngày nay không còn như trước, hầu hết việc giáo dục tăng ni thường giao phó cho các trường Phật học.
Theo nhận định của Ni sư T.N.Đ.L thì: “Lâm Tế Chúc Thánh tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai có sự sinh hoạt chưa được trọn vẹn, còn rời rạc, ai muốn đi thì đi, chưa có tinh thần liên kết nhau. Trong các cuộc họp đầu năm, đặc biệt bên tăng tham gia rất ít bên ni thì nhiều, trong khi trụ cột để phát triển thiền phái là bên tăng, ni chỉ giữ vai trò thứ yếu nên thấy sự sinh hoạt của chi phái chưa được tốt đẹp
lắm” (PVS, nữ, 64 tuổi). Thực trạng này cho thấy lý do tiềm ẩn cho sự gắn kết và những khả năng phát triển của chi phái.
Thượng tọa T.M.T cho biết: “Ban Điều hành Lâm Tế Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hoạt động tự phát. Tăng ni dòng Lâm Tế ở hai tỉnh này rất đông nhưng còn sinh hoạt rời rạc và lơ là tư tưởng thiền phái, nên hòa thượng K.T (trưởng Ban Điều hành chi phái Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) vận động sinh hoạt chi phái năm 2008 tại chùa An Lạc (phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng đến năm 2012 mới thành lập Ban Điều hành chi phái. Ban Điều hành đã đi thăm các chùa trong môn phái mời tham gia, nhưng có một số vị tham gia một số vị không, có một số tham gia được vài kỳ rồi không tham gia nữa. Tăng ni trong Lâm Tế Chúc Thánh ở 2 tỉnh có trên 100 ngôi chùa, là con số không nhỏ. Tuy thế, tinh thần tự nguyện tham gia sinh hoạt không cao lắm. Sinh hoạt trong tông môn chỉ là tinh thần tự nguyện, không ép buộc, Ban Điều hành có trách nhiệm vận động còn ai muốn đi thì đi chứ đâu có chế tài gì. Đây là điều khó khăn cho Ban Điều hành bấy lâu nay” (PVS. Nam, 60 tuổi).
Điểm nổi trội của Lâm Tế Chúc Thánh tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là có số lượng tăng ni đông, nếu tập trung lại được sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn. Thượng tọa T.M.T. cho biết: “Ban điều hành phải liên hệ chặc chẽ tăng ni trong thiền phái, kêu gọi khuyến khích tăng ni tham gia. Nếu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai tăng ni thiền phái tham gia đông đủ thì không có nơi nào bằng. Đồng Nai có tăng ni Lâm Tế rất đông. Tăng ni Lâm Tế ở Bà Rịa – Vũng Tàu ít hơn Đồng Nai nhưng do tham gia tích cực hơn nên có mặt trong Ban Điều hành chi phái cũng nhiều hơn.” (PVS, nam, 60 tuổi).
Ni sư T.N.Đ.L (trụ trì chùa Hương Lâm) cho biết: “Mỗi năm, tăng ni trong Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có tập trung sinh hoạt tu tập trong 3 ngày gọi là Kiết đông. Trong 3 ngày này, các chư tăng ni tập trung về một trú xứ chuyên tu, không sử dụng điện thoại và các hình thức liên lạc với bên ngoài. Trong 3 ngày này, các tăng ni theo thời khóa sinh hoạt chung như tụng kinh, ngồi thiền, kinh hành, ăn quả đường… tu viện nào đứng ra tổ chức là tài trợ mọi mặt để tăng ni trong tông môn đến sinh hoạt” (PVS, nữ, 64 tuổi). Các hình
thức sinh hoạt tập trung này rõ ràng là cơ hội cho các tăng ni tăng cường liên kết và tìm hiểu về thiền phái.
Tăng ni trong Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khi nhận đệ tử xuất gia hầu hết đặt pháp danh và pháp tự theo dòng truyền thừa của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670 – 1746). Tuy nhiên cũng có nhiều vị không nắm rõ nguồn gốc lịch sử truyền thừa hay vì nguyên nhân chủ quan nào đó đã đặt pháp danh, pháp tự cho đệ tử theo hướng khác không căn cứ theo dòng kệ nữa, điều này khiến cho mọi người khó truy tìm nguồn gốc về sơn môn. Theo nhận định của Ni sư T.N.Đ.L: “Ngày xưa vẫn đặt pháp danh cho đệ tử theo dòng kệ của tổ, còn bây giờ đặt pháp danh theo chùa hay theo thầy y chỉ. Nguyên nhân chủ yếu là do các vị lớn đứng đầu (trụ trì) không chỉ cho vị sau và cũng không hiểu về môn phái” (PVS, nữ, 60 tuổi). Đây là một dấu hiệu cho thấy có sự xao nhãng, kém tuân thủ quy định của chi phái, có thể dẫn đến sự nhai phai bản sắc riêng.
Các chùa trong tông môn cũng lập ra các đạo tràng hướng dẫn Phật tử tu tập niệm Phật, trì chú, tụng kinh và dạy giáo lý như chùa Bửu Thiên (BR-VT) có đạo tràng hàng tháng tu niệm Phật vào ngày 18 âm lịch có khoảng 300 người, chùa Hưng Phú đại đức T.T.M trụ trì có đạo tràng Đại Bi đến trì chú hàng tuần khoảng 30 người, Chùa Huệ Minh đại đức T.T.T trụ trì có đạo tràng đến trì Đại Bi hàng tuần khoảng 20 người, Chùa Pháp Thường (Đồng Nai) thượng tọa T.T.P trụ trì có đạo tràng Niệm Phật hàng tháng khoảng 500 người… Ngoài ra các chùa chủ yếu sinh hoạt ứng phú đạo tràng (kỳ an, kỳ siêu, xem ngày giờ…), các chùa trong tông môn cũng tham gia làm các công tác từ thiện tại cơ sở tự viện và phát quà từ thiện cho bà con nghèo tại các vùng xâu vùng xa, nơi có thiên tai, bão lũ, kết hợp với chính quyền xây nhà tình nghĩa, tình thương… Thường thì các chùa làm tự phát không thông qua Ban Điều hành chi phái để phối hợp làm.
Như vậy, có một số đặc điểm của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay có thể khái quát như sau: Thứ nhất, về cơ sở thờ tự và đội ngũ người tu hành chuyên nghiệp thì có thể nói số lượng chùa và tăng ni của thiền phái ở khu vực này là khá nhiều và phong phú về loại hình (chùa, tịnh thất, thiền tự…). Do đó, nếu nói về lực lượng của Lâm Tế Chúc Thánh thì rất đáng kể,
có thể nói là có tiềm lực dồi dào. Bên cạnh đó, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng ni (nữ giới) làm trụ trì đông hơn tăng (nam giới). Thứ hai, tuy thế, ý thức về tông môn hệ phái không cao. Điều dẫn đến tính cố kết yếu. Do đó, tiềm lực chưa được phát huy. Thứ ba, thực hành nghi lễ Phật giáo và ngoài Phật giáo cơ bản không có sự khác biệt với các hệ phái Bắc tông khác. Việc duy trì những thực hành mang tính đặc sắc của sơn môn không được đề cao. Thứ tư, ý thức xây dựng, tổ chức cộng đồng còn chưa nhấn mạnh, và cộng đồng cũng chưa thực sự có bản sắc riêng. Thứ năm, đã có những dấu hiệu về việc để phai nhạt tông môn, không coi trọng truyền thừa. Những đặc điểm này cũng liên quan mật thiết đến các vấn đề đặt ra với thực trạng của Lâm Tế Chúc Thánh sẽ được bàn sâu hơn ở dưới đây.