KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 1 Kết luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tham gia của người nghèo trong thực hiện chính sách giảm nghèo ở quận phú nhuận, thành phố hồ chí minh (Trang 79 - 81)

1. Kết luận

Với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu và sớm hơn 8 năm so với tiến trình chung của toàn cầu. Kết quả này đã tạo nền tảng quan trọng cho quá trình tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia. Hơn 30 năm đổi mới gắn với việc thực thi nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan tới giảm nghèo; từ khi Việt Nam chuyển thành quốc gia có thu nhập trung bình, kinh tế xã hội phát triển gắn với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, quan niệm về nghèo dần được thay đổi theo xu hướng và cam kết chung (Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (tháng 9-2015), Việt Nam cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức), nội hàm khái niệm nghèo cũng được mở rộng hơn.

Sau nhiều nỗ lực của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thành tựu của việc triển khai nhiều chương trình, dự án như liên quan tới xóa đói, giảm nghèo, giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững như chương trình CT134, CT135, CT 30a, XD nông thôn mới v.v.. tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam năm 2018 giảm xuống còn 5,35%. Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như: kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mức trợ cấp còn thấp, đời sống của đối tượng còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo vẫn ở mức cao. Mặt khác, một số chính sách còn chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.

Quá trình khảo sát thực tế tại 5 phường thuộc quận Phú Nhuận cho thấy đây là một quận có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tương đối ổn định, các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ giảm nghèo được triển khai mang đã lại kết quả cao. Qua thời gian thực hiện công tác giảm nghèo, qui mô hộ nghèo hàng năm đều giảm một cách nhanh chóng. Nhiều hộ nghèo không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà ở mà còn tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Để phát huy hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ, thành phố đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức các lớp tập

huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho hộ nghèo. Nhờ đó mà nhiều hộ nghèo thiếu vốn sản xuất đã vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế trong công tác giảm nghèo như: Số lao động trong độ tuổi của hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định còn cao, trình độ còn thấp; nguồn vốn tín dụng cho vay giảm nghèo còn hạn chế; ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cấp trên. Thực tế cho thấy người nghèo có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của việc thực hiện chính sách giảm nghèo.

Tại quận Phú Nhuận, người nghèo đã phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể trong việc lập phương án, tổ chức, thực hiện và tiếp cận nguồn vốn vay. Tỷ lệ hộ gia đình được hưởng chính sách dạy nghề cho người nghèo còn thấp hơn so với nhu cầu thực tiễn do mức độ bao phủ của chương trình dạy nghề này còn thấp, chưa đến được với các gia đình nghèo. Từ khi tham gia vào chương trình giáo dục, dạy nghề, các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các phường đã nhận được học bổng. Nhờ đó, trường hợp học sinh, sinh viên phải bỏ học do không có tiền đóng học phí không còn xảy ra. Trong những năm qua, người nghèo đã có điều kiện quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn do những ưu đãi mà chính sách về y tế đối với người nghèo mang lại. Do được hỗ trợ về bảo hiểm y tế mà tỷ lệ người nghèo tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng lên. Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo của Nhà nước đã giúp người nghèo giảm được các chi phí về khám chữa bệnh, giải quyết được phần nào tỷ lệ hộ gia đình nghèo hóa do chi phí chăm sóc sức khỏe. Do có sự đầu tư từ các chính sách phân phối vì người nghèo mà cuộc sống của các hộ gia đình nghèo được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ gia đình đã có nhà kiên cố để ở, tỷ lệ nhà tạm cũng đã giảm xuống. Bên cạnh đó, đời sống của các hộ gia đình tăng lên còn thể hiện số gia đình sử dụng điện lưới thay cho các loại phương tiện thắp sáng lạc hậu khác như đèn dầu. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, người nghèo được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý nhiều hơn, do đó họ hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm của người công dân, không vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, biết bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Đời sống văn hóa của người nghèo cũng đã từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên vẫn còn những trường hợp, bản thân người nghèo cũng chưa tha thiết với việc phát triển kinh tế của chính họ bởi tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Ngoài hoạt động phát triển kinh tế, các hộ còn tham gia các hoạt động tương

trợ để giảm nghèo, nhưng thực tế cho thấy kết quả giảm nghèo vẫn còn rất thấp. Một số hộ còn không muốn thoát nghèo hoặc mong muốn thuộc danh sách hộ nghèo. Sự tham gia của người dân còn nhiều hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, trong đó trình độ thấp và điều kiện kinh tế khó khăn là hai nguyên nhân chính làm giảm sự tham gia của người dân vào các hoạt động giảm nghèo.

Xuất phát từ nghiên cứu thực tế trên địa bàn quận và một số phường, luận văn đã đưa ra một số nhận xét, đánh giá và giải pháp để làm tăng sự tham gia của người dân vào các hoạt động giảm nghèo. Trong đó giải pháp về nâng cao trình độ dân trí cho người dân là giải pháp quan trọng nhất, để người dân có thể hiểu và tham gia vào tất cả các khâu, tất cả các hoạt động giảm nghèo lúc đó thì các hoạt động giảm nghèo mới đem lại hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tham gia của người nghèo trong thực hiện chính sách giảm nghèo ở quận phú nhuận, thành phố hồ chí minh (Trang 79 - 81)