3.1 Phương hướng tăng cường quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự ở Huyện Củ Chi hiện nay. dân sự ở Huyện Củ Chi hiện nay.
Trong thời gian qua, công tác thi hành án dân sự của Chi cục Thi hành án dân sự Huyện Củ Chi nói riêng và cả nước nói chung đã có chuyển biến tích cực, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ngày càng được quan tâm; kết quả công tác năm sau cao hơn năm trước, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự tại Huyện Củ Chi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Số lượng việc và tiền chuyển kỳ sau còn lớn; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng công chức vi phạm pháp luật, đương sự chống đối việc thi hành án vẫn còn xảy ra.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên là do năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số lãnh đạo, công chức Chi cục thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, vẫn còn biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động thi hành án dân sự có lúc chưa thực sự hiệu quả; một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ và chưa thật sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, số lượng việc và tiền thụ lý thi hành ngày càng tăng với nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, khó thi hành; một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, bất cập; việc xử lý tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn; ý thức chấp
hành pháp luật của một số đương sự còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, theo tôi cần những định hướng và giải pháp cụ thể như sau:
3.1.1 Quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự phải gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được đặt ra rất cấp bách. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị...”[18]. Làm rõ tác động của xu thế hội nhập và phát triển đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đề xuất những phương hướng tiếp tục hoàn thiện mô hình này theo hướng đáp ứng tốt hơn với xu thế mới.
Cần xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh, phù hợp với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”. Hệ thống thi hành án dân sự cần quyết liệt đổi mới, trong đó, đặc biệt quan tâm đến những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thực hiện tốt Chỉ thị số 05-
CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên đảm bảo phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dân và doanh nghiệp
3.1.2 Quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự phải bằng pháp luật
Trong quản lý Nhà nước nói chung và quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự nói riêng, Nhà nước phải thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật bởi vì pháp luật là phương tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội
Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sư bằng pháp luật phải phù hợp và bảo đảm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trước hết phải thể chế hóa đường lối đổi mới nói chung, quản lý Nhà nước nói riêng thành các quy định trong hệ thống pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm cho quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng.
Quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động thi hành án dân sự phải thực hiện đồng bộ các nội dung về xây dựng hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và xử lý các vi phạm pháp luật, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hoạt động thi hành án dân sự; tiến hành các biện pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật thương mại, kiện toàn bộ máy và cán bộ quản lý; kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động thi hành án dân sự.
Cần nhan chóng xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ, CBCC trong hệ thống thi hành án dân sự vì đến thời điểm hiện tại công tác giám sát ở nước ta nói chung và công tác thi hành án nói riêng còn nhiều bất cập và chưa có một văn bản pháp luật
riêng quy định về công tác giám sát. Đa phần quy định của pháp luật về công tác giám sát được quy định ở nhiều văn bản pháp luật pháp luật khác nhau như: Hiến pháp, Luật Mặt trận tổ quốc...
3.1.3 Đổi mới nhận thức về quản lý nhà nước đối với hoạt động thi hành án dân sự, đảm bảo xu hướng quản lý hiện đại
Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thi hành án dân sự Quốc hội cũng cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung thêm chính sách khoan hồng trong bộ Luật Hình sự, coi việc khắc phục được hậu quả về tài sản trước khi đưa ra xét xử thì giảm số năm hình phạt tù theo lượng tài sản tương thích, kể cả trong việc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành phạt tù, giảm hình phạt tiền, bỏ hẳn án phí hình sự.
3.1.4 Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thi hành án dân sự đảm bảo nguyên tắc đảm bảo, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền con người.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Vì vậy, việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là một trong những nhiệm vụ của pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng.
Hiệu quả thi hành án dân sự cũng không nằm ngoài mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dan, phù hợp các quy định của Hiến pháp cũng như các Luật liên quan.