Chế độ hưu trí trong pháp luật của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ hưu trí theo pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc từ thực tiễn huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 35 - 41)

học kinh nghiệm cho Việt Nam

1.3.1.Chế độ hưu trí trong pháp luật một số nước trên thế giới

Mỗi quốc gia đều có một đặc điểm riêng biệt về dân số, kinh tế - xã hội, do đó hệ thống pháp luật điều chỉnh chế độ hưu trí ở mỗi nước đều được xây dựng để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo ra nhiều điểm khác biệt.

1.3.1.1. Chế độ hưu trí bắt buộc ở Đức[43]

Chế độ hưu trí được áp dụng ở Đức từ năm 1889 với tên gọi ban đầu là bảo hiểm thương tật và tuổi già, được củng cố hoàn thiện qua từng thời kỳ, đến nay hệ thống BHXH ở Đức bao gồm năm lĩnh vực, được gọi là “Năm trụ cột bảo hiểm xã hội” và được đánh giá là một trong các nước có chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới. Theo đó, chế độ hưu trí theo luật định là một loại hình BHXH bắt buộc và được dùng để trả lương cho NLĐ sau khi họ nghỉ hưu nên mức hưởng phụ thuộc vào thu nhập và số năm làm việc tại Đức. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản của BHXH ở quốc gia này không phải là cơ quan nhà nước mà được chính là các tổ chức công cộng.

-Về điều kiện được nghỉ hưu:

Thứ nhất, đủ độ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu ở Đức không phân biệt về giới tính mà tùy thuộc vào số năm sinh. Theo đó những người sinh trước năm 1947 được nghỉ hưu ở tuổi 65, người sinh từ năm 1947 đến năm 1958 thì mỗi năm phải cộng thêm 1 tháng, sinh từ năm 1959 đến năm 1964 thì mỗi năm tuổi nghỉ hưu phải tăng lên thêm 2 tháng, đối với người sinh sau năm 1964 tuổi nghỉ hưu là 67 tuổi. Mặc dù là một quốc gia phát triển, tuy nhiên nước Đức vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn về tình trạng dân số già, khi mà tuổi thọ bình quân của nước này là 80,9, tốc độ già hóa dân số ngày càng cao và tỷ lệ sinh ngày càng thấp hơn tỷ lệ tử, tình trạng này đã kéo dài từ năm 1972. Nên biện pháp nâng độ tuổi nghỉ hưu được đưa ra nhằm kéo dài thời gian làm việc của NLĐ và khắc phục tình trạng dân số già ở Đức, tạo ra sự cân bằng giữa nguồn thu và khoản chi từ quỹ hưu trí, đảm bảo cân bằng ASXH.

Thứ hai, NLĐ được nghỉ hưu khi thu nhập cũng như tài sản của họ không đủ chi trả mọi nhu cầu tối thiểu nhất (ví dụ: thực phẩm, áo quần, nước nóng và tiền nhà) và tài sản của người bạn đời, được tính kể cả hai người không đăng ký kết hôn trên pháp luật, cũng không đủ để vừa tự lo cho bản thân và tự lo cho thêm người còn lại. Trợ cấp hưu trí ở Đức là được dành cho những người có khó khăn về tài chính, nên nếu như người về hưu có khối tài sản riêng thì trước hết phải sử dụng số tài sản đó để trả cho cuộc sống. Ngoài ra, khi nộp đơn xin hưởng lương hưu, người yêu cầu chỉ được sở hữu một căn nhà với giá trị ở mức vừa phải (đây là nơi sinh

sống duy nhất của họ) và được phép giữ lại tài sản phòng thân, số tài sản này phải được quy đổi ra bằng tiền với mức tối đa là 5.000 Euro, Sở xã hội sẽ kiểm tra các tài sản để xác định tài sản có thể bán thành tiền để sử dụng và tài sản nào thuộc về tài sản phòng thân.

-Về mức đóng góp cho quỹ hưu trí: Số tiền NLĐ phải đóng góp cho nhà nước Đức được tính trên tiền lương tháng trước khi đóng thuế của họ với tỷ lệ đóng được chia đều giữa NLĐ và NSDLĐ. Mức đóng góp tối đa vào năm 2018 là 19,5% tổng lương, tương đương NLĐ và NSDLĐ mỗi bên phải đóng 9,75%. Tuy nhiên, người làm việc trong các tổ chức, cơ quan hay đoàn thể thuộc nhà nước sẽ không phải tự chi trả vào quỹ hưu trí nhưng đổi lại mức lương của họ sẽ được tính toán thấp hơn một chút để bù đắp vào phần thiếu hụt.

-Về thời gian đóng góp để được hưởng lương hưu: một người nghỉ hưu sẽ được hưởng khoản trợ cấp hưu trí ở tiểu bang khi có thời gian làm việc tối thiểu là 05 năm đóng góp thuế cho ASXH ở Đức. Trong một số trường hợp đặc biệt, điều kiện về thời gian đóng góp được điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng được hưởng, cụ thể: nếu vì lý do sức khỏe mà không tiếp tục đi làm được thì trong 5 năm qua NLĐ phải đóng ít nhất 03 năm BHHT; nếu bị tai nạn nghề nghiệp trong vòng 6 năm sau khi tốt nghiệp ngành nghề thì không phải thỏa mãn điều kiện này mà vẫn được hưởng lương hưu.

Hằng năm, NLĐ sẽ được cơ quan quản lý về BHXH gửi thư tường trình dự báo về lương hưu trong tương lai, được tính toán theo công thức quy định của nhà nước. Do đó, họ có thể kiểm tra lại quá trình đóng, kịp thời nộp đơn xin tra cứu nếu có các sai sót cần điều chỉnh, tránh trường hợp lương hưu được nhận bị hao hụt.

-Mức hưởng trợ cấp hưu trí: lương hưu hàng năm của giới công chức nhà nước bằng 68,1% của tổng mức lương mà họ đã nhận trong khoảng thời gian 2 năm trước khi nghỉ hưu. Trong khi đó, NLĐ khối ngoài nhà nước nhận lương hưu của tiểu bang với mức trung bình là 48% tổng thu nhập được trả trong khoảng thời gian 2 năm trước thời điểm nghỉ hưu. Bên cạnh đó, người Đức có thể chọn nghỉ hưu sớm trước tuổi 67, nhưng mỗi tháng cứ trước thời điểm được phép nghỉ hưu thì tổng số tiền cấp dưỡng sẽ bị khấu trừ 0,3%.

Ngoài ra, một số NLĐ đến tuổi hưu trí nhưng không đủ lương hưu căn bản hay vì lý do sức khỏe mà hạn chế khả năng làm việc hoặc không thể tiếp tục làm được nữa, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống hàng ngày, sẽ được Nhà nước hỗ trợ bằng các khoản trợ cấp xã hội cơ bản bao gồm các khoản: Chi phí cho nhu cầu sống (ăn, ở, lò sưởi), bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm về chăm sóc điều dưỡng, các khoản tiền đóng góp thêm cho lương hưu… để người dân có được một cuộc sống ổn định, đảm bảo được các nhu cầu cơ bản, thiết yếu.

1.3.1.2. Chế độ hưu trí bắt buộc ở Nhật Bản [51]

Với vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, hệ thống ASXH của quốc gia này ra đời từ những năm 1950, được Nhà nước chú trọng, từng bước hoàn thiện với ba bộ phận chính: chăm sóc y tế, hưu trí và phúc lợi xã hội khác. Trong đó, chế độ hưu trí là bộ phận chiếm tỷ lệ cao nhất của cả hệ thống. Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất thế giới với mức 83,7 tuổi (theo số liệu thống kê của Liên Hợp quốc năm 2016) nên để tận dụng các nguồn lực lao động, người già vẫn chăm chỉ làm việc và được hưởng sự ưu tiên theo ngành nghề.

Theo Luật Hưu trí của nước này, NLĐ có quyền nghỉ hưu từ độ tuổi 60 đến 70 tuổi, tuy nhiên đối với người nghỉ hưu từ sau tuổi 65 thì mức lương hưu được nhận sẽ cao hơn so với người cùng hoàn cảnh nhưng nghỉ hưu sớm hơn. Theo dự luật mới thông qua trong tương lai độ tuổi có quyền nghỉ hưu và nhận trợ cấp hưu trí của nước này sẽ là 75 tuổi cho cả nam và nữ.

Khác với các quốc gia khác, lương hưu mà NLĐ được hưởng phụ thuộc vào loại hợp đồng mà họ ký kết, do đó chế độ lương hưu được chia thành hai loại: bảo hiểm hưu trí quốc dân và bảo hiểm hưu trí phúc lợi.

Thứ nhất, bảo hiểm hưu trí quốc dân.

-Về đối tượng tham gia: chế độ hưu trí là chế độ bắt buộc mà tất cả mọi người sống ở Nhật Bản, kể cả người ngoại quốc, trong độ tuổi từ 20 đến 60 tuổi đều có nghĩa vụ đóng một khoảng tiền hàng tháng để được đảm bảo cuộc sống của bản thân khi về hưu.

-Về mức đóng: tùy thuộc vào đối tượng tham gia mà pháp luật quy định mức đóng góp khác nhau, trong đó: sinh viên, người làm nông lâm ngư nghiệp, làm tự do hoặc không có nghề nghiệp (nhóm 1) phải đóng góp hàng tháng cố định với mức 16.340 Yên; người đang làm việc tại công ty có tham gia quỹ lương hưu (nhóm 2) thì khoản phí này không cố định mà được tính theo tỷ lệ với thu nhập của người đóng với mức cố định 18,3% nhưng công ty sẽ hỗ trợ 50% và phần còn lại sẽ được trừ trực tiếp vào lương của họ; người phụ thuộc vào nhóm 2 không phải đóng phí bảo hiểm hưu trí hằng tháng nhưng vẫn được hưởng lương hưu khi về già, tuy nhiên nếu thu nhập của họ vượt quá 130 vạn Yên trong 1 năm sẽ không được xem là đối tượng phụ thuộc mà phải đóng phí giống như nhóm 1.

-Về mức hưởng: nếu đóng đủ 40 năm (khoảng 480 tháng) thì tiền phí lương hưu hằng năm được nhận sau khi đủ 65 tuổi theo quy định hiện hành là khoảng 78 man/năm. Nếu NLĐ có thời gian đóng góp dưới 40 năm thì số tiền này sẽ thay đổi theo tỷ lệ:

Tiền lương hưu nhận được = Số tháng đã đóng x 78 man / 480 tháng

Thứ hai, bảo hiểm hưu trí phúc lợi. Đây là chế độ BHXH bắt buộc mà bên cạnh tham gia chế độ bảo hiểm hưu trí quốc dân, người thuộc nhóm 2 còn đồng thời tham gia bảo hiểm hưu trí phúc lợi, do đó hằng tháng khoản chi phí phải chi trả cho cho chế độ bảo hiểm này đã được tính tổng cộng trong mức đóng góp bảo hiểm hàng tháng. Với mức đóng lớn hơn các nhóm còn lại, nên nhóm này sẽ được nhận một khoản trợ cấp hưu trí tốt hơn trong tương lai, phụ thuộc vào số năm và thu nhập trung bình của người tham gia.

Khi tham gia vào các chế độ hưu trí, NLĐ được nhận một sổ tay lương hưu có giá trị sử dụng cả đời nên cần được giữ gìn cẩn thận. Đây là cuốn sổ theo dõi tình trạng đóng BH lương hưu của NLĐ và có vai trò quan trọng trong việc xác định nhân thân, tư vấn quyền lợi bảo hiểm.

Ở Nhật Bản, việc chi trả lương hưu được thực hiện từ kinh phí của quỹ hưu trí, quỹ này được quản lý bởi một số tổ chức thuộc Chính phủ lập, do Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi điều hành. Qũy hưu trí được hình thành từ sự đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và một khoản hỗ trợ trích từ ngân sách nhà nước

1.3.1.3. Chế độ hưu trí bắt buộc ở Trung Quốc [49]

Cùng với quá trình hình thành và phát triển, bên cạnh các chế độ y tế, thất nghiệp, thai sản, tai nạn lao động cùng các trợ giúp và phúc lợi xã hội, BHHT đóng vai trò là hạt nhân của trong các chính sách ASXH ở Trung Quốc, được chia thành nhiều loại hình để mở rộng mức độ bao phủ tới mọi đối tượng dân cư.

Hiện nay, chế độ hưu trí bắt buộc ở nước này được xác định cụ thể như sau: -Về đối tượng tham gia BHHT: Ở Trung Quốc, chương trình lương hưu cơ bản bắt buộc dành cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức sự nghiệp công mà không được hoặc chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách.

-Về tuổi đời nghỉ hưu: Độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động trí óc ở quốc gia này là 55 tuổi đối với nữ giới và 60 tuổi đối với nam giới. Trung Quốc là nước có số dân đông nhất trên thế giới với hơn 1,4 tỷ người do đó nhà cầm quyền của nước này đang chuẩn bị kế hoạch điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu để nhằm cân đối quỹ hưu trí cũng như giải quyết các khó khăn của tình trạng già hóa dân số, tuy nhiên những chính sách đổi mới này vẫn chưa được thực hiện vì vấp phải sự phản đối gay gắt của quần chúng nhân dân.

-Về mức đóng góp: Tỷ lệ đóng góp BHXH ở mức 28%, trong đó NSDLĐ đóng 20% được đưa vào quỹ hưu trí chung và NLĐ đóng 8% đưa vào tài khoản BHXH của cá nhân. Tỷ lệ đóng góp cụ thể có sự khác nhau giữa các địa phương và các vùng tùy thuộc quyết định của chính quyền địa phương.

-Về điều kiện thời gian đóng góp để được hưởng chế độ hưu trí: Theo quy định hiện hành của pháp luật hưu trí ở Trung Quốc, để dược hưởng chế độ hưu trí khi đủ tuổi nghỉ hưu, vào thời điểm nghỉ NLĐ phải có ít nhất 15 năm công tác.

-Về mức hưởng: Mức hưởng dành cho một cá nhân có 35 năm đóng góp là 59,2%, bao gồm 35% từ quỹ hưu trí chung và 24,2% từ tài khoản BHXH của cá nhân. Khi người được hưởng lương hưu qua đời, gia đình sẽ nhận được tổng cộng 6 -12 tháng lương, phụ thuộc vào số người phụ thuộc trong gia đình. Số tiền đã đóng góp nằm trong tài khoản cá nhân, cộng với lãi, sẽ được thừa kế cho người được thừa kế hợp pháp.

-Về nguồn chi trả lương hưu: NLĐ sẽ được hưởng lương hưu từ hai nguồn: nguồn quỹ hưu trí chung và tài khoản BHXH của cá nhân. Trong trường hợp thiếu hụt quỹ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ quỹ hưu trí.

Để mở rộng phạm vi bao phủ của BHHT tới NLĐ tự làm chủ hoặc người có công việc linh hoạt, Chính phủ áp dụng tỷ lệ đóng góp 20 % lương bình quân của địa phương, trong đó 8% được đưa vào tài khoản hưu trí cá nhân và 12% còn lại đưa vào quỹ hưu trí ở địa phương. Khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc ít nhất 15 năm làm việc, NLĐ cũng được nhận 2 khoản lương hưu. Ở một số địa phương, NLĐ được phép lựa chọn lương làm cơ sở để đóng góp từ 40 đến 300% mức lương bình quân của địa phương và có thể chọn đóng theo tháng, theo quý, theo 6 tháng hoặc 1 năm.

Ngoài ra, chương trình hưu trí do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ dành cho công chức và những người hưởng lương từ ngân sách, đây là chương trình với quy mô bao phủ rộng lớn với khoản 40 triệu người, bao gồm 7 triệu công chức và hơn 30 triệu người làm việc trong các đơn vị công lập. Mức hưởng được tính dựa trên mức lương của mỗi người và theo số năm công tác, thường ở mức 70 – 90% lương trước khi nghỉ hưu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ hưu trí theo pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc từ thực tiễn huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)