Định hướng hoàn thiện chế độ hưu trí bắt buộc và nâng cao hiệu quả thực hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ hưu trí theo pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc từ thực tiễn huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 65 - 70)

VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN TỪ KINH NGHIỆM

CỦA HUYỆN THÁI THỤY, TỈNH THÁI BÌNH

Ngày 19/5/2018, tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 28 – NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đề cao sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và thực hiện chính sách ASXH, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các kết quả quan trọng đã đạt được, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách BHXH nói chung và chế độ hưu trí bắt buộc nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập, đây cũng là đề tài được các nhà khoa học, nhà thực tiễn quan tâm trong suốt thời gian qua, do đó trên tinh thần học tập, nghiên cứu và đóng góp sức mình trong lĩnh vực nghiên cứu về chế độ hưu trí bắt buộc ở Việt Nam, với phạm vi đề tài này, tác giả xin đề cập một số định hướng, giải pháp hoàn thiện chế độ hưu trí bắt buộc nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện từ kinh nghiệm của huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình như sau:

3.1. Định hướng hoàn thiện chế độ hưu trí bắt buộc và nâng cao hiệu quả thực hiện thực hiện

Thứ nhất, khắc phục những bất cập của pháp luật BHHT bắt buộc hiện hành,

đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Trước hết, để thực hiện tốt các ưu đãi cho đối tượng đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí bắt buộc, nguồn thu của quỹ hưu trí nói riêng và quỹ BHXH nói chung cần được đảm bảo ổn định, hay nói một cách khác, cả NLĐ và NSDLĐ phải nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ đóng tiền BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, nợ BHXH của các doanh nghiệp đang diễn ra ngày một phổ biến và phức tạp hơn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 11/2020, BHXH thành phố đã chuyển cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự 76 đơn vị với số tiền 153,7 tỷ đồng về tội danh trốn đóng BHXH,

BHYT, BHTN theo quy định tại Điều 216 BLHS nhưng việc thực thi rất chậm, chưa có doanh nghiệp nào bị truy tố, xét xử [42]. Có thể thấy, các yêu cầu về hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ BHXH của các doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết cần được chú trọng, xử lý nghiêm minh trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện được vấn đề này cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp).

Bên cạnh đó, các định hướng về hoàn thiện cơ chế quản lý các đối tượng được hưởng lương hưu cũng là mối quan tâm hàng đầu của những nhà làm luật. Trách nhiệm thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và của mỗi người dân. Tuy nhiên, các cơ chế quản lý các đối tượng hưởng lương hưu chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật điều chỉnh chế độ hưu trí bắt buộc. Ở địa phương, hoạt động quản lý nhân khẩu được thực hiện bởi UBND xã và các bộ phận trực thuộc, thêm vào đó một số tổ chức xã hội như Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ,… đã góp phần kết nối cộng đồng, thể hiện sự quan tâm giữa các thành viên với nhau qua các hoạt động vận động, thăm hỏi,… Do đó, công tác chi trả lương hưu hàng tháng không chỉ dựa trên sự khai báo của người được hưởng và người nhà (trường hợp người được hưởng chết) mà còn cần có sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương thực hiện hoạt động quản lý, giám sát các đối tượng được này và báo cáo kịp thời các biến động để điều chỉnh công tác chi trả cho phù hợp, đúng đối tượng, giảm thiểu xảy ra tình trạng người hưởng đã chết hoặc không còn ở địa phương nhưng thân nhân không kịp thời khai báo, đảm bảo tính trung thực chấp hành quy định pháp luật. Chính vì vậy, để góp phần hoàn thiện quy định pháp luật chế độ hưu trí và đảm bảo ổn định các hoạt động của quỹ BHXH, đây là một định hướng cần triển khai trong công cuộc cải cách chính sách BHXH và chế độ hưu trí bắt buộc.

Thứ hai, hoàn thiện điều kiện được hưởng chế độ hưu trí nhằm đảm bảo tận

dụng nguồn nhân lực của quốc gia.

Theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi và ở nữ

giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi vào năm 1989 lên 73,6 tuổi vào năm 2019. Trong khi đó, những quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực áp dụng từ năm 2021 (căn cứ Điều 169 BLLĐ năm 2019) đã có sự điều chỉnh để hướng đến mục tiêu độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ là 62 tuổi (vào năm 2028) và lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 (vào năm 2035) để khắc phục tình trạng già hóa dân số có nguy cơ diễn ra ở nước ta trong các thập kỷ tới. Tuy nhiên, những quy định về điều kiện nghỉ hưu hiện hành lại chưa có sự đồng bộ, nhất quán giữa các nhóm lao động trong xã hội. Cụ thể, đối với các lao động là quân nhân chuyên nghiệp, căn cứ Điều 36 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 và Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 219 BLLĐ năm 2019) thì các đối tượng này sẽ được nghỉ hưu mà không áp dụng điều kiện về tuổi đời nghỉ hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH và quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được, đồng thời phải có đủ từ 25 năm phục vụ trong quân đội đối với nam hoặc 20 năm phục vụ trong quân đội đối với nữ. Suy rộng ra, đây là các đối tượng không bị suy giảm khả năng lao động, sức khỏe vẫn được đảm bảo nhưng tại thời điểm nghỉ hưu lại có khoảng cách khá lớn so với tuổi đời nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và quy định về người nghỉ hưu khi có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò (tuổi nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi so với người làm việc trong điều kiện bình thường). Như vậy, thay vì tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội trong các ngành nghề, lĩnh vực khác, NLĐ thuộc trường hợp này lại được nghỉ hưu sớm hơn thông thường, gây ra lãng phí một nguồn lao động có nhiều tiềm năng trong khi đất nước đang đứng trước những thách thức của sự chuyển dịch cơ cấu dân số và quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở, hoàn thiện điều kiện được hưởng chế độ hưu trí góp phần đảm bảo tận dụng nguồn nhân lực của quốc gia, đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích mọi người tích cực hưởng ứng các chính sách BHXH do Nhà nước ban hành.

Thứ ba, đảm bảo sự phát triển bền vững của quỹ BHXH.

BHXH là một trụ cột chính của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã

hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước do đó quỹ BHXH, một trong các động lực để thực hiện chính sách BHXH, cần được đảm bảo cân đối và ổn định trong mọi giai đoạn phát triển.

Theo Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV năm 2020 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở Việt Nam tính đến quý IV năm 2020 là 48,8 triệu người, tăng 285,7 nghìn người so với quý trước và giảm 430,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, theo báo cáo của BHXH Việt Nam trong Hội nghị trực tuyết triển khai nhiệm vụ năm 2021 thì cho đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH là 16,1 triệu người, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,1 triệu người, mặt khác trên cả nước đang có khoảng 3,2 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Qua các số liệu này, có thể thấy rằng số người trong độ tuổi lao động qua các năm giảm dần, tỷ lệ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn ở mức thấp trong khi lượng người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng ngày càng tăng theo tỷ lệ thuận với tốc độ già hóa dân số ở nước ta. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của các thành viên trong xã hội trước các rủi ro, cần phải bảm đảo quỹ BHXH được phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng nợ, chậm đóng và trục lợi BHXH đang là vấn nạn nhức nhối diễn ra ngày càng phổ biến ở nước ta trong khi chế tài xử lý vi phạm đã được ban hành nhưng hiệu quả thực thi lại chưa như mong đợi, đặt ra yêu cầu nâng cao công tác thực hiện quy định pháp luật về xử lý các vi phạm xảy ra.

Thêm vào đó, để bổ sung một khoản tiền tạo ra sự tăng trưởng của quỹ BHXH, các hoạt động đầu tư từ quỹ cần phải tuân thủ nguyên tắc an toàn, hiệu quả và hướng đến xu hướng đa dạng hóa các danh mục, cơ cấu đầu tư để vừa giữ vững mức tài chính có sẵn vừa thu về một khoản lợi bù đắp các khoản nợ xấu và cân đối mọi hoạt động của quỹ BHXH.

Thứ tư, xây dựng chế độ hưu trí bắt buộc phù hợp với thông lệ quốc tế và xu

thế hội nhập.

Như Luận văn đã đề cập, quyền được đảm bảo ASXH là quyền của mỗi công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời, Nghị quyết số 28-

NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) đã đề ra chủ trương từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đối với chế độ hưu trí, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chủ trương thực hiện bổ sung thêm tầng “trợ cấp hưu trí xã hội” tích hợp vào hệ thống BHXH có đóng góp, cụ thể NSNN cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng nhằm cụ thể hóa một bước quy định tại Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp 2013 về việc Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Những chính sách này đã và đang được xây dựng, củng cố, hoàn thiện để mang lại hiệu quả thực thi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Có thể thấy, mô hình bảo hiểm hưu trí đa tầng lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam là một bước đột phá trong việc cải cách chính sách nhằm đảm bảo cho người già đều có thu nhập tối thiểu đủ sống, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Việc áp dụng bảo hiểm hưu trí đa tầng hoàn toàn phù hợp với khuyến nghị ASXH của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), 2012 (R202). Trên thế giới, mô hình bảo hiểm hưu trí đa tầng được áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả thực thi ở một số nước trên thế giới, trong đó phải kể đến các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc. Đa phần đây là các quốc gia phát triển, tuy nhiên đều đang phải đối diện với các khó khăn mà bài toán dân số đang đặt ra, tình trạng dân số già, để ổn định trật tự và an toàn xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh nhất thế giới. Theo tính toán của ILO, năm 2017, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người từ đủ 60 tuổi trở lên, trong đó có tới 8,3 triệu người không được nhận hưu trí, chiếm khoảng 83% số người cao tuổi. Cũng theo tính toán của ILO, năm 2015, Việt Nam có 6,6 người trong độ tuổi lao động (15 – 59 tuổi) trên một người già trên 60 tuổi, dự kiến đến năm 2055 sẽ còn 2,1 người trong độ tuổi lao động trên một người già là một thách thức rất lớn đối với hệ thống bảo hiểm hưu trí của Việt Nam [40]. Chính vì vậy, để đảm bảo được hiệu quả thực thi các quy định, chính sách điều chỉnh chế độ hưu trí bắt buộc, việc cải cách chính sách BHXH theo

hướng đa tầng vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, cần có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, học hỏi kinh nghiệm một số nước trên thế giới, xây dựng hệ thống pháp luật không chỉ giải quyết được các khó khăn, phù hợp với hoàn cảnh trong nước mà còn cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế hội nhập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế độ hưu trí theo pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc từ thực tiễn huyện thái thụy, tỉnh thái bình (Trang 65 - 70)