Những đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk có liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đào tạo cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh đắk lắk (Trang 39 - 42)

liên quan đến việc đào tạo cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số

2.1.1.Đặc điểm tự nhiên

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, kinh tế - chính trị. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp tỉnh Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Đắk Lắk có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, gồm: Quốc lộ 14, quốc lộ 14C, quốc lộ 19C, quốc lộ 26, quốc lộ 27, quốc lộ 29, đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn. Mạng lưới giao thông nói trên là điều kiện thuận lợi để Đắk Lắk mở rộng giao thương với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và cả nước nhằm tăng cường khả năng liên kết, hợp tác giữa Đắk Lắk với các tỉnh để mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125 km2, chiếm 3,9% diện tích tự nhiên của cả nước và chiếm 24% diện tích vùng Tây Nguyên. Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea H’Leo, Ea Súp, Krông Năng, Krông Bông, Krông Búk, Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Đôn, Cư M’Gar, M’Đrắk, Ea Kar và Lắk. Với 184 xã, phường, thị trấn, gồm: 152 xã, 20 phường, 12 thị trấn; có 2.481 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 613 buôn đồng bào DTTS tại chỗ.

Dân số trung bình của Tỉnh năm 2019 là 1.872.574 người; dân tộc thiểu số chiếm 33% dân số toàn tỉnh, trong đó DTTS tại chỗ chiếm 19,5%. Cộng đồng dân cư của Tỉnh gồm 47 dân tộc đang chung sống; có 4 tôn giáo chính,

gồm: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài; các tín đồ theo tôn giáo chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh.

Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo nông thôn, đô thị thay đổi nhanh chóng, tương đối hiện đại. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu số xã được công nhận là nông thôn mới (61/152 xã); 01 đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Công tác quản lý và phát triển đô thị đạt được kết quả tích cực. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. Văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ có chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 4,99%, đạt kế hoạch đề ra.

Tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ máy chính quyền địa phương các cấp được củng cố, kiện toàn. Quy chế dân chủ cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đó là: Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị, trật tự xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền còn bất cập; có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

- Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2020

Tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, song mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa cao. Tăng trưởng kinh tế theo (GRDP theo giá so sánh 2010) bình quân đạt 8,75%/ năm, trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 5,64%; công nghiệp - xây dựng 9,1%; dịch vụ thương mại 11,96%. Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62,500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành) chuyển dịch mạnh mẽ ở 02 khu vực nông -lâm - thủy sản (giảm từ 45,4% xuống còn 36%) và dịch vụ (tăng từ 35,3% lên 45,2%); ngành công nghiệp xât dựng tăng đều qua các năm,từ 15,6% lên 16,5%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.363 USD), gấp 1,67 lần so với năm 2015 [18].

- Dân số, lao động, việc làm và thu nhập

Dân số trung bình năm 2019 của Tỉnh 1.872.574 người, tăng 11.059 người, tương đương tăng 0,59% so với năm 2018, bao gồm dân số thành thị 463.270 người, chiếm 24,74%; dân số nông thôn 1.409.320 người, chiếm 75,26%; dân số nam 944.189 người, chiếm 50,42%; dân số nữ 928.385 người, chiếm 49,58%.

Dân cư trung bình toàn tỉnh là 143 người/km2, dân số phân bổ không đều ở các huyện. Thành phố Buôn Ma Thuột có mật độ dân số cao nhất 998 người/km2, huyện Ea H’Leo 102 người/km2; huyện Ea Súp 40 người/km2; huyện Krông Năng 205 người/km2; huyện Krông Búk 181 người/km2; huyện Buôn Đôn 45 người/km2; huyện Cư M’gar 215 người/km2;huyện Ea Kar 139 người/km2; huyện M’Đrắk 58 người/km2; huyện Krông Pắc 311 người/km2; huyện Krông Bông 73 người/km2; huyện Krông Ana 224 người/km2; huyện Lắk 55 người/km2; huyện Cư Kuin 351 người/km2 và thị xã Buôn Hồ 349 người/km2.

Năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 1.117.631 người, tăng 20.769 người so với năm 2018, tương đương tăng 1,89%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế là 1.095.012 người, tăng 18.405 người so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước 87.601 người, chiếm 8%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước 1.006.856 người, chiếm 91,94%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 555 người, chiếm 0,05%.

Lao động trong độ tuổi qua đào tạo đạt tỷ lệ 14,41% trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên, cao hơn mức 14,37 của năm 2018. Trong đó, nam 15,08%; nữ 13,65%; khu vực thành thị 38,19%; khu vực nông thôn 7,51%. Thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2019, chiếm tỷ lệ là 2,12%, trong đó khu vực thành thị 3,43%; khu vực nông thôn 1,72%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi là 1,97%, trong đó khu vực thành thị 1,18%; khu vực nông thôn 2,21%. Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2019 theo giá hiện hành đạt 58,46 triệu đồng/lao động [15].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đào tạo cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh đắk lắk (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)