2.3.1.1. Kết quả
Mạng lưới y tế được củng cố và từng bước hoàn thiện. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn, giáo dục y đức trong lĩnh vực khám chữa bệnh (đặc biệt là tinh thần phục vụ người bệnh), tăng cường kỹ thuật tại các tuyến. Các hoạt động về quản lý tài chính, thu hút các nguồn đầu tư phát triển ngành được tăng cường và đã đạt những kết quả tốt hơn. Năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 37 Bệnh viện công lập thuộc tỉnh quản lý (25 Bệnh viện tuyến huyện và 12 Bệnh viện tuyến tỉnh), đến năm 2019, có 38 Bệnh viện (thành lập 01 bệnh viện ung bướu tỉnh) [45] góp phần vào hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống Bệnh viện công lập ngày một được nâng cao, đến hết năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 05 Bệnh viện hạng I và 30 hạng II và 03 hạng III, từ 5.720 giường bệnh năm 2011 đến nay đã có 11.210 giường bệnh (6.750 giường kế hoạch và 4.460 giường bệnh điều chỉnh theo cơ chế tự chủ). [45]
Hiện nay có sáu (06) bệnh viện trở thành bệnh viện vệ tinh của các Bệnh viện Trung ương là: Bệnh viện đa khoa Tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Tĩnh Gia, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Xương, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, Bệnh viện Ung bướu. Tại tuyến tỉnh, các bệnh viện được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, nhiều bệnh viện có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện ung bướu các bệnh viện khác đều đang được tiến hành cải tạo nâng cấp mở rộng. Thời gian qua các bệnh viện đã chủ động liên kết, phối hợp với các bệnh tuyến trung ương trong triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu thông qua các hoạt động của Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh. Nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu phục vụ công tác khám chữa bệnh, hàng loạt các kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai ứng dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh như: các bệnh viện trong tỉnh đã thực hiện nhiều kỹ thuật mới trong công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, đốt sóng cao tần RFA điều trị u phổi, Phẫu thuật nội soi vá lỗ thông liên nhĩ, Chụp và can thiệp mạch não, Sinh thiết mù màng phổi, Nghiệm pháp hồi phục phế quản với thuốc giãn phế quản, kỹ thuật bơm xi măng sinh học trong điều trị các bệnh xương khớp, Ghép thận từ người cho sống), Bệnh viện phổi (Sốc điện ngoài lồng ngực cấp cứu), Bệnh viện Y dược cổ truyền (tán sỏi ngoài cơ thể), Bệnh viện Mắt (ghép giác mạc)... Số kỹ thuật mới được thực hiện lần đầu tại cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện trong tỉnh.
Tại tuyến huyện hiện nay 100% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế đối với bệnh viện tuyến 3 đã được triển khai thực hiện. Trong đó có nhiều bệnh viện đã thực hiện được từ 70% - 100% kỹ thuật của bệnh viện tuyến 2 như: Kỹ thuật đặt nội khí quản, sốc nâng mạch, cắt amidan bằng sóng điện tần, mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco; Phẫu thuật nội soi ổ bụng; Nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng; Siêu âm tim, siêu âm mầu 4D; Chụp X-
quang kỹ thuật số (CR); Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner); Chạy thận nhân tạo...[45] Chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện ngày càng được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu ngày một cao của người bệnh. Các bệnh viện đã được cải tạo và mở rộng khang trang hơn trước, tuy nhiên cơ sở hạ tầng ở một số nơi đã xuống cấp, chưa mang tính đồng bộ, thiếu quy hoạch phù hợp với phát triển quy mô giường bệnh như hiện nay; nhiều trang thiết bị cũ, lạc hậu; đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn giỏi, chuyên môn sâu còn thiếu.
Các phòng khám đa khoa khu vực thời gian qua được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân tại các khu vực xa trung tâm, với các hoạt động như: tư vấn, kiểm tra sức khỏe định kỳ, chăm sóc thai sản, điều trị các bệnh thông thường, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến huyện. Bên cạnh đó, phối hợp với các trạm y tế xã trong khu vực thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế như: Tiêm chủng mở rộng, phòng, chống bệnh tâm thần, bệnh sốt rét, HIV/AIDS, cao huyết áp, đái tháo đường.
2.3.1.2. Nguyên nhân
(i) Quản lý hiệu quả và yêu cầu cao đối với viên chức y tế
Thanh Hóa từng bước xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ y tế có y đức, có tinh thần thái độ phục vụ tận tụy người bệnh, phục vụ cộng đồng; bảo đảm số lượng và chất lượng đào tạo theo mục tiêu đề ra; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; thực hiện điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực để khắc phục sự mất cân đối giữa các lĩnh vực. Đồng thời, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế về số lượng và chất lượng; nâng cao trình độ người có trình độ sơ cấp, trung cấp lên cao đẳng vào năm 2021 hướng tới mục tiêu ngành y tế không có nhân lực có trình độ trung cấp. Tăng cường nhân lực y tế cho y tế cơ sở. Chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao trong và ngoài nước; mở rộng đào tạo điều dưỡng trình độ đại
học, cao đẳng, tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sỹ và điều dưỡng, kỹ thuật viên…, bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế, bảo đảm cơ cấu điều dưỡng/bác sỹ phù hợp để thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh.
Về chính sách, Thanh Hóa ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu yên tâm công tác lâu dài tại địa phương, người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, vùng khó khăn. Có chế độ đặc thù đối với người làm việc trong các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần, lao, phong và các bệnh mới (trầm cảm, tự kỷ, bệnh tuổi già,...).
(ii) Tổ chức và phân phối hiệu quả nguồn lực của hệ thống cơ sở khám chữa bệnh hiện nay
Thời gian qua cơ sở vật chất các bệnh viện được quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau đáp ứng tối thiểu nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, do tỉ lệ giường bệnh/vạn dân thấp nên trình trạng quá tải vẫn diễn ra ở hầu hết các bệnh viện. Tính đến hết năm 2016 tỉ lệ giường bệnh/vạn dân toàn tỉnh đạt 25,6 giường, tỉ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,8 bác sĩ thấp hơn mức bình quân trung của cả nước (Bao gồm cả y tế ngoài công lập và y tế bộ ngành khác trên địa bàn).
Tại các bệnh viện công lập, trong giai đoạn 2014-2016, mặc dù số giường bệnh thực kê cao hơn từ 1,5 đến 2,0 lần so với giường bệnh kế hoạch, theo thống kê của ngành y tế tổng số giường bệnh thực kê của các bệnh viện công lập tỉnh tại thời điểm 31/12/2016 là 14.601 giường, trong đó có 11.236 giường đạt tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu. [45] Số người làm việc được giao hiện nay thấp hơn so với quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đây là một trong những bất cập gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đội ngũ cán bộ có trình độ bác sĩ ở các bệnh viện đều thiếu, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, tay nghề giỏi. Lực lượng lao động chưa tương xứng với số lượt bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, chưa đủ so với định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; Cơ cấu chủng loại cán bộ chưa hợp lý và còn nhiều bất cập.
Đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 8.569 người đang làm việc tại các bệnh viện công lập, trong đó: Biên chế thực hiện: 5.759 người (được UBND tỉnh giao là 6.011 người); Hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ ngoài biên chế được giao: 2.370 người; Hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 440 người. Cơ cấu cụ thể như sau: Tỷ lệ Bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên: Tính đến thời điểm hiện tại Thanh Hóa đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/vạn dân (tính chung cả trong và ngoài công lập). Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế tính đến nay có 10.393 người; Trong đó: 2.887 người có trình độ đại học (chiếm 27.78%), 808 thạc sĩ và chuyên khoa I (chiếm 7.77%), 117 tiến sĩ và chuyên khoa II (chiếm 1.13%). [45]
(iii) Thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực công
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập trong tỉnh hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Quyết định số 2414/2011/QĐ-UBND ngày 25/7/2011, về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh quản lý thời kỳ 2011-2015. Tuy nhiên, việc giao các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các bệnh viện công lập nói riêng tự chủ từ năm 2016 trở về trước thực tế chỉ là thực hiện tự chủ về tài chính, chưa thực hiện tự chủ về giường bệnh và biên chế.
Trong giai đoạn 2014-2016 các bệnh viện công lập thuộc tỉnh đã tự đảm bảo được từ 23-85% nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên, tỉ lệ tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên bình quân tại tất cả các bệnh viện công trong ngành năm 2014 là 71%, năm 2015 là 75% và năm 2016 là 76%. [45]
Về thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị chủ động đề xuất việc đào tạo, phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới trên cơ sở nhiệm vụ chính trị được giao, nhu cầu thực tế của người dân, các điều kiện thực tế của đơn vị cũng như nguồn kinh phí triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện công lập trong ngành chưa thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy.
Do tình trạng quá tải diễn ra tại hầu hết các bệnh viện công lập, để đáp ứng thực tế nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực ngoài số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao, ngành y tế đã cho phép các đơn vị kê thêm giường bệnh (Năm 2016 là 8.051 giường bệnh), ký hợp đồng lao động làm việc chuyên môn nghiệp vụ khám chữa bệnh với 2.370 người. Đối với số giường bệnh và nhân lực tăng thêm này các bệnh viện tự đảm bảo nguồn thu để triển khai thực hiện, chưa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, nên chưa bảo đảm các quy định của pháp luật về tự chủ giường bệnh và biên chế. Như vậy thực tế giai đoạn vừa qua các bệnh viện đã thực hiện việc tự chủ toàn bộ đối với số giường bệnh tăng thêm ngoài kế hoạch và số lượng người làm việc tăng thêm so với số lượng được UBND tỉnh giao.
Ngoài ra các bệnh viện được chủ động thực hiện việc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện việc đầu tư trang thiết bị máy móc góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.
Số lượng người làm việc được giao năm 2015, 2016, 2017 là 6.011; số lượng người thực hiện đến 31/12/2016 là 5.759 người. Số lao động hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ ngoài biên chế được giao: 2.370 người; số lao
động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ được giao và thực hiện là 440 người. [45]
Tất cả các bệnh viện công lập trong tỉnh hiện nay đang thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên. Theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Quyết định số 2414/2011/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 của UBND tỉnh. Chủ động xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm, có sự thống nhất của tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn và các đoàn thể. Việc quản lý sử dụng các nguồn lực chi thường xuyên tại đơn vị được thực hiện theo quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ. Sở Y tế, Sở Tài chính và các ngành có liên quan thực hiên chức năng kiểm tra giám sát, hướng dẫn các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động tài chính phục vụ chi thường xuyên. Các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, các nguồn viện trợ tài trợ vẫn thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Ngoài ra các bệnh viện đã tự đảm bảo nguồn kinh phí trong việc triển khai hoạt động cho số giường bệnh kê thêm để phục vụ người dân.