Thứ nhất, ban hành các văn bản định hướng và tạo khung pháp lý cho phát triển cây dược liệu.
Đây là một nội dung cơ bản của QLNN bằng pháp luật về phất triển cây dược liệu vì các văn bản pháp luật về phát triển cây dược liệu là cơ sở đầu tiên và quan trọng để QLNN bằng pháp luật về phát triển cây dược liệu có hiệu quả.
Trong hoạt động ban hành các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước hết phải nói đến hoạt động ban hành của các Luật, các Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tiếp theo là việc ban hành các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; các Quyết định, chỉ thị của thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa các quy định trong các luật. Sau đó các bộ, các cơ quan ngang bộ ban hành các thông tư, bộ trưởng ban hành các quyết định, chỉ thị để điều chỉnh các quan hệ cụ thể đối với QLNN về phát triển cây dược liệu.
QLNN bằng pháp luật về phát triển cây dược liệu thì hoạt động ban hành và xây dựng pháp luật là hết sức cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là nó phải được thực thi trong thực tế đời sống xã hội đạt hiệu quả cao. Lênin từng khẳng định: “Sự quan trọng của pháp luật không phải ở chỗ chúng được ghi trên giấy, mà là ở chỗ được đem ra thi hành”. Pháp luật được thi hành là một trong những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng một nền pháp chế, vì một trong những nội dung cơ bản của việc xây dựng một nền pháp chế là pháp luật phải được hiện thực hóa trong đời sống xã hội.
Hoạt động ban hành pháp luật quản lý về phát triển cây dược liệu là hoạt động phức hợp bao gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, do nhiều chủ thể có vị trí, chức năng, quyền hạn khác nhau tiến hành, từ sáng kiến xây dựng pháp luật đến việc công bố văn bản pháp luật. Trong tất cả các giai đoạn của hoạt động xây dựng pháp luật đều đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của quá trình xây dựng pháp luật.
Như vậy, hoạt động ban hành pháp luật về QLNN đối với phát triển cây dược liệu phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, phải phù hợp với thực tiễn, phản ánh được xu thế vận động của các quy luật khách quan, bảo đảm tính đồng bộ trong nội tại hệ thống quy định của pháp luật; hệ thống các quy định phải cụ thể; ngôn ngữ diễn đạt phải rõ ràng, chính xác; các văn bản phải kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh trong các hoạt động liên quan đến phát triển cây dược liệu.
Thứ hai, hoạt động tổ chức thực hiện các quy định về QLNN đối với phát triển cây dược liệu.
Hoạt động này bao gồm những hoạt động cơ bản là: tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý, xác định chương trình và kế hoạch quản lý, tổ chức các hoạt động hành chính cụ thể, giải quyết khiếu nại.
Tổ chức thực hiện pháp luật quan trọng không chỉ ở chỗ bảo đảm đưa pháp luật vào cuộc sống, mà còn qua đó để kiểm nghiệm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn khách quan của hệ thống các quy định pháp luật. Chính vì vậy, đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện pháp luật về phát triển các loại cây dược liệu là cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện pháp luật về QLNN đối với dược liệu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Việc tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả là phải kịp thời đưa toàn bộ nội dung, mục đích, nhiệm vụ được quy định trong pháp luật vào cuộc sống, nói một cách khái quát hơn là phải kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng đối với hoạt động QLNN về phát triển cây dược liệu vào thực tiễn cuộc sống với một chi phí tiết kiệm nhất. Muốn đạt được mục đích trên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nắm vững chủ trương, đường lối Đảng, nắm vững những quy định của pháp luật, đồng thời phải khẩn trương, linh hoạt đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống với thái độ công tâm, nhiệt tình, có trách nhiệm. Có như vậy, QLNN bằng pháp luật về phát triển cây dược liệu mới có cơ sở tiến hành trôi chảy, hiệu quả.
Tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan QLNN có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến phát triển cây dược liệu là khâu trung tâm trong QLNN về
phát triển cây dược liệu, là cầu nối giữa quy định của pháp luật liên quan đến cây dược liệu với các quan hệ về quản lý cây dược liệu phát sinh trong đời sống xã hội. Vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức thực hiện pháp luật về cây dược liệu không chỉ phụ thuộc vào hệ thống cơ quan, cơ chế hoạt động, con người của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà còn phụ thuộc vào sự phù hợp của hệ thống quy định pháp luật về cây dược liệu với thực tiễn xã hội.
Thứ ba, theo dõi, kiểm tra, đánh giá về việc tổ chức QLNN đối với việc phát triển cây dược liệu.
Bảo vệ pháp luật nói chung, là hoạt động của các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân, cơ quan công an, thanh tra…hoạt động của những cơ quan này nhằm đấu tranh, ngăn ngừa, loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Các hoạt động này gồm có:
- Kiểm tra việc thực hiện pháp luật: Kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các hoạt động liên quan đến phát triển cây dược liệu là một biện pháp quan trọng để bảo đảm việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, khắc phục, phòng ngừa và phát hiện những hành vi sai lệch trong việc thực hiện pháp luật; có biện pháp uốn nắn, khắc phục và phát hiện những việc làm vi phạm pháp luật; có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời. Kiểm tra còn nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị bổ sung, sửa đổi, đồng thời phát hiện những điển hình thực hiện pháp luật tốt để động viên, khen thưởng.
Thanh tra thực hiện pháp luật: Thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan QLNN nhằm làm tốt công tác quản lý, giúp cho việc thực thi pháp luật được tiến hành một cách có hiệu quả. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt phải xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động về dược liệu, bảo đảm trật tự, kỷ cương; bảo vệ lợi ích của nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Xử lý vi phạm: Hoạt động xử lý vi phạm nhằm bảo vệ các giá trị của pháp luật không bị vi phạm trong thực tiễn cuộc sống, giúp cho công tác QLNN bằng pháp luật trong các hoạt động về dược liệu đạt hiệu quả cao hơn. Các hành vi vi phạm pháp luật gắn với từng loại trách nhiệm pháp lý khác nhau như: Tội phạm và trách nhiệm hình sự; vi phạm pháp luật dân sự và trách nhiệm dân sự; vi phạm hành chính và trách nhiệm hành chính; vi phạm kỷ luật và trách nhiệm kỷ luật. Việc xử lý vi phạm trong các hoạt động về phát triển cây dược liệu phải dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây dược liệu như: nạn trộm cắp cây dược liệu quý hiếm, gian lận trong mua bán các loại cây dược liệu về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ…. Đồng thời việc xử lý vi phạm phải căn cứ theo đúng các hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt.
Để đảm bảo chức năng bảo vệ pháp luật trong QLNN về phát triển cây dược liệu, các hoạt động thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật về cây dược liệu phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật đó.
Việc thanh tra, giám sát các hoạt động về dược liệu được quy định nhằm củng cố, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật về dược liệu.
Thứ tư, phát huy vai trò quản lý của chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động về dược liệu.
Trong bất kỳ thể chế chính trị nào, nhà nước là người tổ chức và chịu trách nhiệm cao nhất về chăm sóc sức khỏe cho người dân, tùy theo mô hình tổ chức nhà nước, vấn đề trách nhiệm thực hiện được phân công khác nhau. Ở nước ta, mô hình quản lý về cây dược liệu thực hiện theo nguyên tắc “Kết hợp QLNN theo ngành với QLNN theo lãnh thổ”. Xuất phát từ việc phân định chức năng khác nhau giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, cần phải nâng cao vai trò quản lý về cây dược liệu của chính quyền địa phương, vì chính quyền tại địa phương là người thực hiện quyền làm chủ trực tiếp trong phạm vi địa phương của nhân dân sống và
làm việc trên đơn vị hành chính - lãnh thổ, đại biểu cho quyền lợi của nhân dân ở địa phương đấy.
Theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện nay, các tỉnh, huyện đều được quyền phân chia ngân sách được cấp cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế… trên địa bàn tỉnh. Ngân sách của huyện cho hoạt động phát triển cây dược liệu nằm một phần trong ngân sách kinh tế về phát triển ngành nông nghiệp, bởi vậy chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính về kinh phí cho các hoạt động quản lý nông nghiệp trên địa bàn lãnh thổ phụ trách. Nhằm phát huy vai trò tự chủ, năng động và sáng tạo trong quản lý các hoạt động về phát triển cây dược liệu, chính quyền địa phương được toàn quyền tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và chịu trách nhiệm về toàn bộ các vấn đề xảy ra.