Hiện trạng Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 32 - 40)

Hiện trạng của Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh hiện nay, bao gồm các yếu tố tạo thành như: hệ thống Giáo hội và cơ sở thờ tự, hệ thống Tăng đoàn và các hoạt động của Phật giáo.

2.1.1. Hệ thống Giáo hội và cơ sở thờ tự

Ban trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh có 11 ban gồm: 1. Ban tăng sự, 2. Ban giáo dục Tăng ni, 3. Ban nghi lễ, 4. Ban hoằng pháp, 5. Ban văn hóa, 6. Ban từ thiện xã hội, 7. Ban kinh tế tài chánh, 8. Ban kiểm soát, 9. Ban hướng dẫn Phật tử, 10. Ban pháp chế, 11. Ban thông tin và truyền thông.

Các Ban trị sự thành phố và huyện gồm có: 1. Ban trị sự GHPGVN TP. Trà Vinh, 2. Ban trị sự GHPGVN huyện Châu Thành, 3. Ban trị sự GHPGVN huyện Càng Long, 4. Ban trị sự GHPGVN huyện Cầu Kè, 5. Ban trị sự GHPGVN huyện Tiểu Cần, 6. Ban trị sự GHPGVN huyện Trà Cú, 7. Ban trị sự GHPGVN huyện Duyên Hải, 8. Ban trị sự GHPGVN huyện Cầu Ngang. Trực tiếp quản lý chư ni tu học có phân Ban đặt trách ni giới do Ni trưởng Thích nữ Bửu Lý làm trưởng phân ban.

Từ năm 1993 đến nay, các chùa chủ yếu được khôi phục lại do bị tàn phá trong chiến tranh như: Chùa An Thành, thị trấn Định An, Trà Cú tái lập 2010, chùa Long Hưng, xã Phước Hưng, Trà Cú tái lập năm 2013, chùa Long An, xã Tập Ngãi, Tiểu Cần tái thành lập 2011, chùa Long Vĩnh, thị xã Duyên Hải tái lập 2012, chùa Khánh Phước, xã Long Đức, Tp. Trà Vinh tái lập 2014, chùa Bình An, xã Tân Sơn, Trà Cú tái lập 2014, chùa Long Bửu, xã Nhị Long, Càng Long tái lập 2015, chùa Phước Hưng, xã Bình Phú, Càng Long tái lập 2016.

Theo thống kê của Ban trị sự tỉnh Trà Vinh, năm 2020 toàn tỉnh có 259 cơ sở tự viện. Trong đó có 143 tự viện thuộc Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Bắc tông có 106 tự viện, tịnh xá hệ phái Khất sĩ Việt Nam có 6 cơ sở, Nam tông Kinh có 4 tự viện.

Bảng 2.1 Bảng số lượng chùa tại tỉnh Trà Vinh lập năm 2020.

STT HỆ PHÁI SỐ LƯỢNG CHÙA TỈ LỆ

1 Nam tông Khmer 143 57,2%

2 Bắc tông 106 37,6%

3 Khất sĩ 6 3,6%

4 Nam tông Kinh 4 1,6%

Tổng số 259 100%

(Số liệu của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh năm 2020)

Đặc biệt, năm 2014 Đại tướng Phạm Văn Trà nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đã vận động mạnh thường quân xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh, trên mảnh đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp, tọa lạc tại Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Lễ khánh thành cuối năm 2016, Ban trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh bổ nhiệm ĐĐ. Thích Phước Nguyên làm trụ trì.

Từ khi GHPGVN tỉnh Trà Vinh được thành lập năm 1993 đến năm 2020, phần nhiều các chùa được khôi phục do bị tàn phá trong chiến tranh, các chùa xuống cấp thì trùng tu. Hầu hết các ngôi chùa Bắc tông tại Trà Vinh đều được trùng tu khang trang, theo kiến trúc hiện đại, không gian cao, rộng, thoáng mát,...

Chư tôn đức lãnh đạo Phật sự giai đoạn này có quý HT. Thích Nhựt Huệ, HT. Thích Lưu Đoan,... chư Ni có NT. Thích nữ Tịnh Hoa, NT. Thích nữ Nhựt Từ,...quý Ngài đã ổn định và phát triển GHPGVN tỉnh Trà Vinh ngày càng vững mạnh.

2.1.2. Hệ thống Tăng đoàn

Tăng sĩ tại tỉnh Trà Vinh có 3.452 vị, trong đó Nam tông Khmer có 3.093 vị, Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông Kinh có 359 vị. Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Tăng đoàn được chia làm hai cấp là hàng Giáo phẩm có Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng và Ni sư, hàng đại chúng có Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni. Hàng Giáo phẩm của Phật giáo Nam tông Khmer gồm có 22 Hòa thượng và 57 Thượng tọa, Đại chúng có 1465 Tỳ kheo và 1548 Sa di. Hàng Giáo phẩm Phật giáo Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông Kinh có 72 vị, trong đó có 6 Hòa thượng, 12 Thượng tọa, 11 Ni trưởng và 43 Ni sư, còn lại là hàng đại chúng.

Bảng 2.2.Bảng số lượng tu sĩ của các hệ phái Phật giáo tỉnh Trà Vinh lập năm 2020

STT HỆ PHÁI SỐ LƯỢNG TU SĨ TỈ LỆ

1 Nam tông Khmer 3.093 89,9%

2 Bắc tông 343 9,5%

3 Khất sĩ 17 0,5%

4 Nam tông Kinh 5 0,1 %

(Số liệu của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh năm 2020)

Về phương pháp tu tậptại Việt Nam nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, pháp môn hành trì phổ biến vẫn là Thiền – Tịnh – Mật.

Thời khóa của các tự viện vẫn có hai thời chính: Thời 4h sáng là trì chú Lăng Nghiêm và thập chú, do chư Tăng ni trì tụng để tiêu trừ nghiệp chướng, không có Phật tử tham gia. Thời 18h30 phút gọi là Tịnh độ, khóa lễ tụng kinh Pháp Hoa, hoặc kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư, kinh Mục Liên Sám Pháp,...thời kinh này có Phật tử đến cùng tham gia với quý Tăng ni trong chùa.

Các tự viện theo Thiền tông lúc 18h30 phút có thời kinh ngắn sau đó tọa Thiền, Thiền chủ yếu là sổ tức hoặc tri vọng. Tại Trà Vinh, tu Thiền chủ yếu là giới tu sĩ, thường theo Thiền của HT. Thích Thanh Từ hoặc HT. Thích Nhất Hạnh. Tu Mật tông hình thức phổ biến là trì thần chú cả tu sĩ và Phật tử đều hành trì, thường trì chú Đại Bi hoặc chú Dược Sư, Chuẩn Đề,...

Pháp tu phổ biến và thịnh hành nhất hiện nay vẫn là pháp môn niệm Phật, cả Tăng ni Phật tử đều hành trì. Các đạo tràng đều niệm Phật hiệu A Di Đà, thường có lối kết hợp các pháp môn, Thiền – Tịnh – Mật, hoặc Tịnh – Mật, hoặc Thiền – Tịnh, sự kết hợp dựa vào thời gian phù hợp để hành trì.

Vấn đề dòng phái tại miền Tây Nam bộ nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng không được chú trọng. Vì lẽ đó mà phân biệt dòng phái tìm các thế hệ trước cùng dòng cũng gặp khó khăn. Do hoàn cảnh đất nước bị hai cuộc chiến tranh tàn phá, tại Trà Vinh các chùa đều bị bom đạn tàn phá nặng nề, bia tháp và long vị còn rất ít. Căn cứ vào long vị cũng rất khó phân biệt dòng phái truyền thừa của các chùa với các lý do sau:

Thứ nhất, các chùa đa phần do các địa chủ giàu có lập nên rồi thỉnh các sư về trụ trì với tư cách người giữ chùa, không có quyền như vị trụ trì thật sự, từ đó không vị nào trụ lâu một chùa.

Thứ hai, khi các sư về trụ trì đều có làm long vị thờ thầy tổ, nhưng chỉ trụ được thời gian ngắn rồi ra đi bỏ lại long vị. Tiếp theo sau đó có nhiều vị khác về trụ cũng trình trạng như trên, từ đó một chùa có sự hiện diện của nhiều dòng phái. Vì thế, để tìm hiểu dòng truyền thừa của Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh cần phải có nhiều thời gian để khảo sát toàn diện. Tại Tây Nam bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng, dòng truyền thừa phổ biến là Lâm Tế Chánh Tông. Cụ thể là dòng của thiền sư Tổ Định - Tuyết Phong đời thứ 22 tông Lâm Tế, Ngài xuất kệ:

Tổ đạo giới định tông

Phương quảng chứng viên thông Hạnh siêu minh thiệt tế

Liễu đạt ngộ chơn không.

Phổ biến nhất là dòng Lâm Tế theo kệ Tổ Đạo Mân - Mộc Trần (thuộc Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 31). Tổ xuất kệ sau:

Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên

Minh như kiểu (hồng) nhật lệ trung thiên Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền

Đa phần các chùa tại Trà Vinh truyền thừa dòng Lâm Tế Gia Phổ của tổ Đạo Mân, như các chùa; chùa Long Thành huyện Trà Cú, chùa Liên Quang huyện Châu Thành, chùa Phổ Minh Tp. Trà Vinh, chùa Vinh Sơn huyện Trà Cú, chùa Thiên Phước huyện Trà Cú, chùa Long Hòa huyện Tiểu Cần,... chư Tổ truyền pháp nhánh Lâm Tế Gia Phổ tại Trà Vinh như HT. Thiện Trí, HT. Huệ Quang, HT. Thiện Ngôn, HT. Thiện Tâm,... hiện nay, hầu hết các chùa tại Trà Vinh đều thuộc truyền thừa này.

Bên cạnh đó, Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh cũng đón nhận sự truyền thừa của dòng Lâm Tế Liễu Quán. Tổ sư Liễu Quán thuộc tông Lâm Tế Chánh Tông, thế hệ thứ 35, thọ Sa Di giới với Hòa thượng Thạch Liêm, sau đó thọ Cụ Túc giới với Hòa thượng Từ Lâm, và là đệ tử của thiền sư Minh Hoằng-Tử Dung. Đây là dòng phái được Thiền sư Liễu Quán người Việt Nam xuất kệ, bài kệ có 48 chữ:

Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng Tâm Nguyên Quảng Nhuận Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ Thể Dụng Viên Thông Vĩnh Siêu Trí Quả Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý Diễn Xướng Chánh Tông Hạnh Giải Tương Ưng

Đạt Ngộ Chân Không [51, 32].

Chùa Như Pháp huyện Tiểu Cần và chùa Như Thành huyện Châu Thành truyền thừa dòng thiền Liễu Quán này. Người truyền thừa dòng Liễu Quán từ miền Trung vào Trà Vinh là HT. Thích Lưu Đoan, húy là Nguyên Chơn, thọ pháp với HT. Tâm Hương - Mật Hiển trụ trì Tổ đình Trúc Lâm thành phố Huế.

Ngoài ra, Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh còn tiếp nhận sự truyền thừa dòng của thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo thế hệ thứ 34 Lâm Tế Chánh Tông lập ra, đó là Lâm Tế Chúc Thánh, truyền thừa theo bài kệ sau:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương Ấn Chơn Như Thị Đồng

Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu Kỳ Quốc Tộ Địa Trường Đắc Chánh Luật Vi Tông Tổ Đạo Giải Hạnh Thông Giác Hoa Bồ Đề Thọ

Sung Mãn Nhơn Thiên Trung [55, 34].

Dòng thiền này được truyền thừa tại chùa Phước Long huyện Trà Cú, với sự truyền giáo của HT. Ấn Tham và HT. Chơn Vị.

Hiện nay, Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh không còn chú trọng vấn đề truyền thừa theo dòng phái, nên khi đặt pháp danh cho đệ tử rất tùy ý. Vì thế, cần có sự thống nhất và nghiêm túc trong vấn này, hoặc tổ chức các hội thảo, thảo luận sâu rộng về dòng phái truyền thừa tại địa phương.

2.1.3. Hoạt động của Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh

Các hoạt động của Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh được ghi nhận qua các công tác Phật sự sau:

Hoạt động của Ban tăng sự đã thống kê số lượng Tăng ni và tự viện trình đại hội trong các nhiệm kỳ. Tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì và nghiệp vụ hành chánh Giáo hội có 195 Tăng ni theo học. Năm 2008, tổ chức đại giới đàn Huệ Quang đã truyền giới pháp cho 130 giới tử. Năm 2010, tổ chức đại giới đàn Khánh Hòa truyền giới pháp cho 547 Tăng ni và 243 giới tử Bồ Tát tại gia. Hằng năm đều tổ chức an cư kiết hạ theo luật Phật chế định, chư Tăng tập trung tại chùa Lưỡng Xuyên, trụ sở tỉnh hội, chư Ni tập trung chùa Liên Hoa, Liên Quan Thiền Viện và Liên Thanh.

Hoạt động giáo dục hiện nay, Ban giáo dục Tăng ni đã mở được năm khóa Trung cấp Phật học (khóa V đang học năm nhất), đã tốt nghiệp bốn khóa. Đào tạo gần 200 Tăng ni trong và ngoài tỉnh, có 07 vị theo học Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, 11 vị học Cao đẳng Phật học tại các trường Cao đẳng, 05 vị học Cao, Trung cấp giảng sư, 02 vị học Đại học Dân tộc Tôn giáo. TT. Thích Chơn Minh (chùa Phước Long, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú) đã bảo vệ Tiến sĩ Ấn Độ, ĐĐ. Thích Huệ Chiếu (chùa Long Khánh, phường 3, Tp. Trà Vinh) vừa hoàn thành luận án Tiến sĩ Ấn Độ.

Hoạt động Ban hoằng pháp đã tổ chức hoàn tất khóa giáo lý Thiện Hoa và cấp chứng nhận cho 35 Phật tử theo học. Toàn tỉnh có 62 đạo tràng tu học và sinh hoạt thường xuyên tại các tự viện, số Phật tử tham gia mỗi đạo tràng từ 70 đến 300 vị. Đạo tràng niệm Phật có 11 đạo tràng, hằng tháng có 1.520 Phật tử tham dự. Đạo tràng Bát quan trai có 44 đạo tràng, hằng tháng có 4.330 Phật tử tham dự. Đạo tràng tu Phật thất có 03 đạo tràng, hằng tháng có 320 Phật tử tham dự. Đạo tràng Pháp Hoa có 01, sinh hoạt tại nhiều chùa trong tỉnh, hằng tuần có trên 150 Phật tử tham dự. Tổng số Phật tử tham dự các khóa tu gần 7.000 Phật tử, số Phật tử đến chùa tu học và sinh hoạt thường xuyên trên 10.000 vị.

Ban hướng dẫn Phật tử đã mở 03 lớp giáo lý có trên 300 Phật tử theo học. Tổ chức được 02 gia đình Phật tử Báo Ân và Chánh An sinh hoạt tại chùa Như Thành và chùa Bình Phước. Hè hằng năm có tổ chức sinh hoạt và lớp giáo lý

cho thanh thiếu niên Phật tử như chùa Như Thành, chùa Liên Thanh, chùa Phước Thanh, chùa Long Vĩnh,...

Hoạt động Ban văn hóa, toàn tỉnh có 02 thư viện và một điểm phát hành kinh sách tại chùa Lưỡng Xuyên, có 44 tủ sách Phật học tại các tự viện để Phật tử tìm hiểu giáo lý. Trên 50 cơ sở tự viện được trùng tu, sửa chữa khang trang tôn nghiêm thanh tịnh, kiến trúc cổ lầu mái cong, trang trí vật tứ linh, mang nét truyền thống văn hóa dân tộc.

Hoạt động Ban nghi lễ là thực hiện các nghi thức cúng cầu an, cầu siêu, ma chay,...đây cũng là hoạt động phương tiện truyền bá đạo pháp, dĩ huyễn độ chơn, dẫn dắt người sơ cơ vào đạo. Ban trị sự tỉnh hội đã tổ chức lễ hiệp kỵ chư vị tiền bối hữu công như: Tổ Khánh Hòa, Tổ Huệ Quang, Tổ Khánh Anh, Tổ Pháp Hải,...tổ chức lễ tang quý Hòa thượng như: HT. Thích Lưu Đoan, HT. Trần Dạnh,...lễ tưởng niệm HT. Thích Trí Tịnh, HT. Thích Thanh Tứ, HT. Thích Minh Châu,...

Hoạt động Ban kinh tế tài chánh, Giáo hội vận động các chùa tạo nguồn kinh tế tự túc như: trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, sản xuất thực phẩm chay,...

Hoạt động Ban từ thiện xã hội, đây là hoạt động nổi bật nhất của Phật giáo Trà Vinh trong những năm qua. Toàn tỉnh có trên 06 phòng khám bệnh và phát thuốc từ thiện hoạt động hiệu quả, hằng năm khám và phát thuốc hàng nghìn lượt người.

Toàn tỉnh có 02 nhà dưỡng lão tại chùa Liên Bửu, huyện Châu Thành do NT. Thích nữ Bửu Lý trưởng Phân Ban đặc trách Ni giới tỉnh thành lập, hiện đang cấp dưỡng cho 33 cụ chi phí mỗi tháng 15 triệu đồng và chùa Long Hòa, huyện Trà Cú do TT. Thích Nguyên Ngọc thành lập. Công tác cứu trợ đồng bào nghèo, gặp khó khăn, thiên tai, lũ lụt, xây nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết, xây cầu, làm đường, làm giếng nước sạch, cho xe lăn, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học,... trong nhiệm kỳ qua chi phí toàn tỉnh trên 55 tỷ đồng. [63, 05]

Nhìn chung, công tác Phật sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh hoạt động tương đối thành công. Các ban ngành, các ban trị sự thành phố, huyện hoạt động tương đối ổn định, Tăng ni Phật tử sinh hoạt tu học có chiều hướng phát triển. Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để Phật giáo tỉnh nhà phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 32 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)