Các giải pháp ổn định và phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 74 - 79)

Các giải pháp để Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh ổn định và phát triển bao gồm: Tăng cường vai trò của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh; phát huy vai trò của mỗi Tăng ni; chú trọng công tác hoằng pháp và thiện nguyện trong thời đại mới; phát huy vai trò của đồng bào Phật tử và các nhà hảo tâm.

3.3.1. Tăng cường vai trò của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh.

- Vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối đoàn kết hòa hợp Tăng đoàn, phải xây dựng được sự đoàn kết và hòa hợp trong Tăng đoàn cũng như trong Giáo hội. Thể hiện không đoàn kết qua sự bất đồng chánh kiến, không tuân phục, bất hợp tác, tạo nên bất hòa, dẫn đến bất ổn định,… tất cả đã tạo nên sự rời rạc thiếu sức sống trong Tăng đoàn cũng như trong Giáo hội. Yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển phải thực hiện đúng với phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra là “đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội.” sự đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể, nguồn lực mạnh mẽ về ý chí cũng như hành động, từ đó sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ cũng như mục tiêu Giáo hội đề ra. Ông cha ta đã rút ra bài học về sức mạnh của sự đoàn kết

qua câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Vì vậy cần tăng cường vai trò của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh trong đoàn kết hoà hợp Tăng đoàn là yếu tố then chốt để phát triển Phật giáo tỉnh.

- Vai trò trong đào tạo bồi dưỡng Tăng ni, phải đào tạo và xây dựng đội ngũ có trình độ, kiến thức cả phật học, thế học để lãnh đạo Giáo hội và truyền thừa chánh pháp. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, là một trong những quốc gia đang phát triển. Xã hội Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, sự hiểu biết và nhận thức của người sống ở nông thôn cũng như thành thị được nâng cao. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo nên mặt bằng về tri thức. Với sự phát triển mạnh của xã hội thì đòi hỏi vị Tăng sĩ cũng phải bắt kịp thời đại, phải là con người của hiện đại. Nên việc đào tạo thế hệ Tăng sĩ trẻ có trình độ khoa học để quản lý điều hành Giáo hội và truyền bá giáo pháp của đức Phật trong thời đại công nghiệp 4.0 là điều hết sức cần thiết, để ổn định và phát triển Giáo hội cũng như Phật giáo nói chung trong xã hội hiện đại

- Vai trò trong giáo hóa chúng sanh, tạo thuận duyên cho Phật tử tu tập. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng như các huyện thị cần chú trọng công tác hướng dẫn Phật tử, tạo các khoá tu với chủ đề nội dung và hình thức tổ chức phù hợp với thời cuộc, chú ý đến những thuận lợi, khó khăn để kịp thời hướng dẫn Phật tự tu tập, góp phần vào sự thành công chung của nhiệm vụ giáo hoá chúng sinh, tạo một đời sống tốt đạo ích đời.

- Vai trò trong phát huy du lịch tâm linh, với mục đích lan tỏa Phật pháp, giúp con người thư giãn trong cuộc sống đầy áp lực qua các hoạt động du lịch tâm linh, tạo duyên lành để họ được tìm hiểu đạo Phật và dần tu tập đạt đến an vui trong cuộc sống. Trong phát triển du lịch tôn giáo, tâm linh, cần lưu ý giữ gìn Phật pháp, không bị những lợi ích vật chất làm phai nhạt giá trị tôn giáo, du lịch tâm linh là để đồng bào tiếp cận Phật giáo, cảm nhận được những giờ phút an yên quý báu khi bước chân vào chốn thiền môn.

- Vai trò trong nhận diện và kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra trong Phật giáo tỉnh. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng để ổn định và phát triển, bởi nếu để các xung đột ngấm ngầm diễn ra quá lâu mà không được lưu ý giải quyết thì dẫn đến mất đoàn kết, không hoà hợp Tăng đoàn. Vì vậy Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các huyện thị trực thuộc phải luôn sâu sát để ổn định Tăng đoàn, làm cơ sở thực hiện các hoạt động Phật sự hiệu quả trong thời đại mới.

3.3.2. Phát huy vai trò của mỗi vị Tăng ni

- Vai trò trong việc tự rèn luyện, tu tập hành trì mỗi ngày, mỗi giờ, không để tâm mình loạn động trước quá nhiều cám dỗ của nhân gian, đặc biệt là những vị Tăng trẻ. Mỗi Tăng ni phải xây dựng cho mình đạo đức lối sống. Tự thân mỗi người phải có giới đức, tức phải giữ gìn những giới điều mà đức Phật đã chế định cho Tỳ kheo. Phải khép mình trong khuôn phép và quy củ thiền môn, để hạn chế thấp nhất những cám dỗ của xã hội làm mất phẩm chất của một Tỳ kheo. Phải có sự tu tập từ nội tâm, có sự chuyển hóa từ tư duy và lời nói cho đến hành động, đời sống tối giản, hạn chế thấp nhất các nhu cầu, phải chế ngự hoặc triệt tiêu các dục vọng. Phải tu tập trở thành một Tỳ kheo vô ngã hoặc bản ngã thật nhỏ bé. Một Tỳ kheo sống thanh khiết hay ít tham sân si hoặc chế ngự được tham sân si, tâm luôn có giới định tuệ, thì hành động luôn có trí tuệ dẫn đường. Từ đó trở thành một Tỳ kheo đúng pháp, sẽ vô ngã vị tha, sẽ hành động vì lợi ích tập thể, Giáo hội và cộng đồng.

- Tự ý thức học tập không ngừng để nâng cao trình độ nhận thức và luôn tu tập để hoàn thiện nhân cách, để trở thành sứ giả Như Lai, tác Như Lai xứ hành Như Lai sự.

- Vai trò trong việc làm gương cho bạn đồng tu, và đồng bào Phật tử, gia tăng niềm tin của đại chúng đối với Phật pháp. Hiện nay trong thời đại có quá nhiều cám dỗ, điều kiện khách quan khiến cho quá trình tu tập, tịnh tu giới luật của Tăng ni, đặc biệt là Tăng ni trẻ cũng gặp khá nhiều khó khăn, do vậy nhiều

hình ảnh Tăng ni nếu không chuẩn theo đạo đức người tu sĩ thì dễ làm mất niềm tin trong Tăng đoàn và nhất là với đồng bào Phật tử. Vì vậy việc giữ gìn hình ảnh, trở thành tấm gương sáng để đại chúng tin tưởng, từ đó phát huy giá trị Phật pháp trong đời sống hiện đại là vô cùng quan trọng.

- Vai trò trong giáo hóa chúng sanh tại bổn tự, thường xuyên tổ chức các khóa tu ngắn hạn và giảng dạy Phật pháp cho đồng bào Phật tử, để họ hiểu lời Phật dạy ứng dụng trong đời sống hằng ngày, nhằm an lạc cho tự thân và gia đình, lan tỏa đến những người xung quanh. Về điều này thì vai trò của các vị Trụ trì là quan trọng nhất, các khoá tu tại bổn tự là hoạt động hoằng pháp thiết thực, gần gũi, tạo điều kiện cho Phật tử quanh vùng học Phật, làm theo những điều Phật dạy để tiến bộ trong đời sống đạo đức.

3.3.3. Chú trọng công tác hoằng pháp và thiện nguyện trong thời đại mới

Công tác hoằng pháp đặc biệt quan trọng trong thời đại hiện nay, khi thế giới ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề khiến con người rơi vào sự trầm luân mà đôi khi chính họ không nhận ra căn nguyên bể khổ, cũng như không biết cách tu tập để đạt đến trạng thái Niết bàn ngay trong đời sống hiện tại. Vì vậy, hoằng pháp cần thiết hơn bao giờ hết. Mỗi vị Tăng ni phải nhận thức rõ điều này và không ngừng có nhiều cách thức hoằng pháp phù hợp trong thời hiện đại để mang đến phúc lành cho tất cả chúng sanh. Tại Trà Vinh, vấn đề hoằng pháp còn nhiều bất cập, các đạo tràng chưa có sự kết nối với ban hoằng pháp, thường tự mời các vị giảng sư theo ý thích. Ban hoằng pháp chưa có kế hoạch hoạt động cụ thể, ban trị sự chưa tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Từ đó, ban hoằng pháp chưa phát huy hết vai trò trong hoằng dương chánh pháp. Để khắc phục những bất cập, trước tiên ban trị sự với vai trò lãnh đạo phải tạo điều kiện thuận lợi, ban hoằng pháp phải có kế hoạch cụ thể và kết nối với các đạo tràng.

Bên cạnh đó, thiện nguyện vốn là cái gốc để con người nhanh chóng cảm nhận tình yêu thương vô bờ bến của đức Phật dành cho chúng sanh trong cõi thế này. Vì vậy, công tác thiện nguyện cần được chú trọng và lan tỏa để Phật tử cảm

nhận và nhanh chóng hòa nhập cộng tu. Công tác thiện nguyện tại địa phương chưa có sự đồng bộ, có yếu tố tự phát tại các chùa. Việc thiện nguyện như xây cầu nông thôn mới chủ yếu ở chùa Long Bửu xây hơn 50 cây cầu. Chùa Phước An xây gần 50 nhà tình thương và giúp đỡ an táng nhiều hoàn cảnh khó khăn. Các công tác thiện nguyện chỉ tập trung nhiều ở 2 ngôi chùa trên. Ngoài ra, thiện nguyện còn thể hiện qua các công tác như: dạy học, dạy nghề miễn phí, giúp các em dụng cụ học tập và xe đạp đến trường, khám bệnh Đông Tây y phát thuốc miễn phí, phát quà đến các hoàn cảnh khó khăn, phát cơm những hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện,…Ban trị sự cũng như các chùa cần quan tâm nhiều hơn nữa về công tác thiện nguyện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

3.3.4. Phát huy vai trò của đồng bào Phật tử và các nhà hảo tâm

Đồng bào Phật tử và các nhà hảo tâm có vai trò đặc biệt trong hộ pháp, giúp cho công tác hoằng dương chánh pháp được nhiều thành tựu, tập trung một số điểm như sau:

- Vai trò trong lan tỏa đạo pháp đến những người xung quanh. Phật tử cũng là những hoằng pháp viên, dễ tiếp cận các thành phần trong xã hội. Từ đó, bằng những hiểu biết và thực hành về Phật pháp của mình, lan tỏa đến những cộng sự và những người xung quanh một cách dễ dàng. Một Phật tử hiểu đạo sẽ dễ dàng tiếp cận những người xung quanh, với gia đình, thân tộc, truyền bá chánh pháp để nhiều người cùng hiểu về đạo đức Phật giáo.

- Vai trò trong trợ duyên cho những người xung quanh tu tập theo chánh pháp. Trợ duyên trên hai phương diện vật chất và tinh thần. Về vật chất, có thể tạo thuận lợi cho họ trong việc ăn ở và những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống để họ an tâm tu học. Về tinh thần thì khích lệ, khuyên nhủ, tạo động lực cho những người xung quanh siêng năng, duy trì sự tu tập, sống và làm việc luôn thực hiện lời đức Phật dạy.

- Vai trò cúng dường tạo phước là việc quan trọng của người Phật tử. Cúng dường là cung dưỡng hay cung cấp những nhu cầu thiết yếu đến chư tăng hay Tăng đoàn, chư tăng nhờ sự cúng dường để làm phương tiện trong cuộc sống và tiếp nối đức Phật đem đạo vào đời. Phật tử nhờ sự cúng dường sẽ được mở lòng, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người xung quanh, sẽ gặp những thuận duyên và may mắn trong đời sống. Phật tử có những điểm tạo sự khác biệt làm nên những giai đoạn lịch sử rạng ngời cho Phật giáo Bắt tông tại Trà Vinh như: Phát tâm cúng dường mạnh mẽ, cộng tác góp công sức làm Phật sự, hết lòng học hỏi giáo lý và tu tập, nhiệt thành hoằng dương chánh pháp. Quy tụ được nhiều thành phần Phật tử trong xã hội, đủ tài đức, uy tín, trí thức, giàu có, sẵn sàng vì đạo pháp. Những yếu tố đó đã tạo nên hội Phật học Lưỡng Xuyên vang bóng một thời. Gắn liền với những tên tuổi như: cụ huyện hàm Huỳnh Thái Cửu, trưởng tòa Phạm Văn Liêu, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, nhà giáo Nguyễn Văn Thọ, thương gia Thái Phước, địa chủ gia đình cô hai Lâm Thị Sáng, bà Dương Thị Liễu, cô hai hiệu buôn Hòa Thái hơn 50 năm công quả tại chùa Lưỡng Xuyên,…

Hiện nay, sự quy tụ và đồng lòng như thời kỳ Lưỡng Xuyên đã không còn, nhưng sự phát tâm và cộng tác làm Phật sự của Phật tử tại Trà Vinh vẫn còn tinh thần mạnh mẽ tuy đã vơi đi phần nào. Tinh thần đó thể hiện qua các công tác như: Đóng góp xây chùa khang trang, góp tài chánh và công sức cho công tác từ thiện, an sinh xã hội, quỹ hoạt động Giáo hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)