Các yếu tố ảnh hưởng quá trình biến đổi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 59 - 68)

Sự biến đổi luôn có các yếu tố của xã hội tác động và tự thân vận động, hay nói cách khác, sự biến đổi luôn mang yếu tố khách quan tác động và chủ quan vận động.

3.1.1. Yếu tố khách quan

- Bối cảnh xã hội thay đổi

Từ năm 1986, khi đất nước mở cửa hội nhập đến nay, với xu thế toàn cầu hóa nhanh chóng, đất nước đã hội nhập và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục,…. ảnh hưởng xu hướng đó, Phật giáo Việt Nam đã từng bước hội nhập với Phật giáo khu vực và thế giới, đã tạo được uy tín trên trường thế giới. Phật giáo Việt Nam là thành viên của tổ chức Phật giáo thế giới, đã ba lần tổ chức thành công đại lễ Vesak, tham gia hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới…

Sự biến đổi của Phật giáo Việt Nam nói chung tại Trà Vinh nói riêng tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự tác động từ bên ngoài do quá trình hội nhập thế giới. Sự tác động đó mang tính tích cực lẫn tiêu cực, nên sự biến đổi của Phật giáo cũng diễn ra như vậy. Theo PGS.TS. Trần Hồng Liên đã nhận định rằng: “Đứng trước các thách thức ảnh hưởng từ quá

trình mở cửa hội nhập, để có thể bảo tồn được nét tinh túy trong văn hóa truyền thống, Phật giáo Việt Nam phải chuyển đổi. Ngược lại, trước yêu cầu thiết lập mối quan hệ tương giao trên nhiều lĩnh vực với các nước có liên quan đến hoạt động Phật giáo, Phật giáo Việt Nam buộc phải thay đổi. Như vậy, có thể thấy, những chuyển biến của Phật giáo luôn chịu tác động từ hai phía, yếu tố nội tại và năng lực ngoại sinh tác động vào”[51, 275].

Như vậy, sự tác động của hội nhập thế giới và tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam thì Phật giáo Việt Nam phải biến đổi cho phù hợp để tồn tại và phát triển theo thời đại. Sự biến đổi đó thể hiện trong quá trình tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Giáo hội và Tăng ni. Về bản chất, giáo lý và lý tưởng của người xuất gia thì không thay đổi, vì đó là chân lý được đức Phật chỉ dạy, nó là quy luật của tự nhiên, phù hợp với mọi thời đại.

Tại Trà Vinh, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ngày càng cao và đô thị hóa phát triển mạnh. Các khu công nghiệp được hình thành như khu công nghiệp Long Đức, khu công nghiệp Định An,… nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, các khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao huyện Duyên Hải,… thị xã Trà Vinh lên thành phố Trà Vinh đã mở rộng địa lý ra vùng ven, huyện Duyên Hải tách ra thêm đơn vị hành chánh là thị xã Duyên Hải,…

Đời sống người dân ngày càng nâng cao về mọi mặt, tỉ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo là 13,23% đến năm 2019 còn 3,22%.

Do tình hình kinh tế, xã hội tại Trà Vinh phát triển, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến đổi của Phật giáo Trà Vinh. Theo cục thống kê GDP sáu tháng đầu năm 2020 tỉnh Trà Vinh đạt 3,35%, đây là tỉ lệ tăng thấp nhất trong sáu năm qua kể từ năm 2014, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Năm 2019 được ghi nhận tăng cao nhất trong các năm với 17,00%. Tỉ lệ tăng trưởng được thể hiện dưới biểu đồ sau:

Bảng 3.1.Biểu đồ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm tỉnh Trà Vinh qua các năm

Nguồn của sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Trà Vinh

Các chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vấn đề công tác tôn giáo và cho rằng công tác tôn giáo là công tác của cả hệ thống chính trị. Từ đó, các chính sách về tôn giáo như các nghị quyết, nghị định và pháp lệnh về tôn giáo, luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển. Đặc biệt, năm 2016, luật tín ngưỡng và tôn giáo đã được ban hành, góp phần thay đổi tích cực trong việc quản lý hành chánh Giáo hội.

Trà Vinh là tỉnh có nhiều tôn giáo cùng hoạt động như: Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa,…có sự ảnh hưởng nhất định trong sự biến đổi về số lượng tín đồ.

Trình độ dân trí cũng được nâng cao, các trường chuyên môn cao ra đời như: Trường Cao đẳng cộng đồng, trường Trung cấp y dược, trường Đại học Trà Vinh,… đã ảnh hưởng đến sự thay đổi nhận thức Phật giáo về niềm tin cũng như thực hành.

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được gọi tắt là công nghiệp 4.0. Công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kĩ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng. Công nghiệp 4.0 cung cấp một cách tiếp cận toàn diện hơn, liên kết và toàn diện hơn cho sản xuất. Nó kết nối vật lý với kĩ thuật số, cho phép cộng tác và truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp, sản phẩm và con người.... Trong phạm vi của bài viết, chúng ta chỉ đề cập về khái niệm công nghiệp 4.0, mà không trình bày từ những phát minh gọi là 0.0 cho đến thành tựu 4.0 .

Ngày nay, nhân loại đang chứng kiến sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lên hầu hết tất cả mọi mặt trong cuộc sống xã hội và hiện đang tiến đến cách mạng công nghiệp 5.0. Công nghiệp 4.0 tạo sự kết nối toàn cầu, đã thúc đẩy việc toàn cầu hóa một cách nhanh chóng. Nó đem lại sự thịnh vượng và tiện nghi cho nhân loại về mọi mặt trong cuộc sống, nhưng nó cũng tạo ra tác hại không nhỏ và có thể lớn hơn nhiều mà lợi ích nó đã tạo ra.

Tại Việt Nam, công nghiệp 4.0 đã chi phối xã hội mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội…phát triển mạnh, đặc biệt là công nghệ thông tin và viễn thông. Bước qua thế kỷ XXI, xã hội Việt Nam đã chứng kiến các dịch vụ cung cấp mạng internet như: VNPT, FPT, VIETTEL, MOBLE,…và các mạng di động như 4G, 5G các mạng xã hội như; Facebook, Zalo, Wechat,…đã xâm nhập và phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam, gần đây nhất là sự trổi dậy mạnh mẽ của Tiktok và Youtube. Các dòng điện thoại thông minh giờ không còn là những món đồ xa xỉ của người dân, mà hầu hết ai cũng có thể mua và sử dụng như những món đồ dùng bình thường. Từ đó, ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng những tiện ích mà công nghiệp 4.0 tạo ra. Theo nhận định của TT. Thích Nhật Từ trong bài phát biểu tham luận, tại hội thảo Phật giáo và cách mạng công

nghiệp 4.0 với nội dung mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: “(…) cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần cải thiện cuộc sống vật chất. Ai thích ứng trên nền tảng chuyên môn hóa kiến thức kĩ thuật thì người đó có cơ hội nhận lương cao. Dĩ nhiên, tình trạng này sẽ dẫn đến sự loại trừ theo biểu đồ kim tự tháp, chỉ một số kĩ sư lỗi lạc được giữ lại, số còn lại bị sa thải hoặc không được trọng dụng, … như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra thị trường mới, mở cửa nền kinh tế mới và thay đổi tác động toàn diện mọi phương diện của cuộc sống nhân sinh”[36, 06]. Thượng tọa cũng cho rằng, công nghiệp 4.0 đem lại những lợi ích và cơ hội cho con người, nhưng nó cũng tạo ra nhiều khó khăn thách thức như: Nạn thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội, tạo khoảng cách lớn giữa giàu nghèo, suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, mất cân đối xã hội,…

Đối với Phật giáo Việt Nam, công nghiệp 4.0 tác động như thế nào? Hiển nhiên có sự tác động theo hướng lợi ích và tiêu cực. Trước hết là lợi ích; về công nghệ thông tin, Phật giáo đã tạo các kênh như: Phật sự Online TV là kênh truyền thông của Trung ương Giáo hội, kênh truyền hình An Viên, tạp chí Văn hóa online, Giác ngộ online, kênh Đạo Phật Ngày nay của chùa Giác Ngộ, các trang web như Trang Nhà Quảng Đức, Thư viện Hoa Sen, Phật tử Việt Nam, các buổi thuyết pháp online, các buổi họp trực tuyến,…các chùa còn tạo kênh Youtube để phục vụ trong hoằng pháp và từ thiện,…sử dụng Facebook hay Zalo để kết nối và tạo nhóm để trao đổi và nhóm họp các công tác Phật sự một cách nhanh chóng.

Trung ương Giáo hội và một số tỉnh, thành đang thực hiện văn phòng điện tử trong lĩnh vực thực hiện hành chánh Giáo hội, nhằm giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp tiết kiệm kinh phí, thời gian và công sức. Tuy nhiên, TT. Thích Nhật Từ cũng đã cảnh báo sự hai mặt của công nghệ kĩ thuật số như sau: “(…) khi chúng ta lạm dụng kĩ thuật số thì rủi ro phá hoại an ninh cảm xúc và an ninh tâm trí bằng các trang web, hình ảnh bẩn, sẽ làm

chúng ta rất khó làm chủ sáu giác quan để trở thành chân nhân cho đến thánh nhân. Cân nhắc giữa mặt hại và lợi thì người sử dụng truyền thông kĩ thuật số cần phải làm chủ chính mình để dùng các phương diện tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.”[36, 21]

Bên cạnh những lợi ích, thì công nghiệp 4.0 để lại những hạn chế không nhỏ mà Giáo hội phải mất nhiều thời gian để cải thiện. Trước hết là lối sống của Tăng ni trẻ đang trên đà xã hội hóa mạnh mẽ, bị cuốn theo lối sống thiên về vật chất, xao lãng phần nào theo lối sống quy củ thiền môn. Tăng ni trẻ tập trung nhiều về đô thị lớn, nhất là thành phố Hồ Chí Minh vì nhu cầu học tập, từ đó khó kiểm soát về số lượng và lối sống, vì có một bộ phận thuê phòng trọ ở đi học, không chịu sự ràng buộc bởi các thời khóa tụng niệm ở các chùa,…

Một bộ phận các vị tôn túc lớn tuổi không chấp nhận thay đổi theo đà phát triển của xã hội, hoặc không bắt kịp thời đại công nghiệp 4.0, chỉ chấp nhận sống theo lối xưa, theo đường mòn lối cũ. Từ đó, có phần hạn chế trong sinh hoạt cũng như truyền bá chánh pháp, sẽ có ít cơ hội phát huy tự thân và Tăng chúng của chùa sẽ hạn chế tiếp cận với công nghệ của thời đại.

Bên cạnh những hạn chế chủ quan, Phật giáo còn chịu sự tác động của những khó khăn khách quan mà công nghiệp 4.0 đã tạo ra như: Các clip được đưa lên mạng xã hội facebook hay các youtuber, đã tạo ra những hình ảnh và những phát ngôn gây mất niềm tin cho tín đồ, mất thiện cảm với công chúng. Từ đó, có những nhìn nhận, đánh giá lệch lạc về đạo Phật. Điển hình như vụ chùa Ba Vàng, những phát ngôn của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, các clip của các youtuber về tu sĩ giả Thích Tâm Phúc,…

Phật giáo Trà Vinh hiện nay cũng chịu sự ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của công nghiệp 4.0 trong sinh hoạt cũng như các hoạt động. Các mặt tích cực như: Tỉnh hội đã tạo được trang website đăng các thông tin hoạt động của Ban trị sự, phân Ban Ni giới cũng tạo một website để sinh hoạt riêng cho Ni giới trong tỉnh. Các Ban trị sự huyện cũng tạo email để tiện vận hành công tác hành

chánh của Giáo hội. Thường trực Ban trị sự tỉnh, các ban ngành và các Ban trị sự huyện đều có group zalo để tiện việc trao đổi thông tin và liên lạc. Một số chùa tạo kênh youtube để đăng các clip về sinh hoạt và hoạt động của chùa như các khóa tu và các buổi thuyết pháp, kêu gọi từ thiện, cứu trợ lũ lụt,…đã đạt những hiệu quả khả quan, điển hình như chùa Long Bửu huyện Càng Long, chùa Phước Thanh huyện Cầu Ngang, chùa Long Khánh thành phố Trà Vinh,…

Bên cạnh những lợi ích mà công nghiệp 4.0 đem lại, đã tồn tại những mặt trái của nó, tác động mạnh mẽ đến lối sống thiền môn. Vào thập niên tám mươi chín mươi của thế kỷ XX, người mới vào chùa xuất gia tu tập với ý chí mạnh mẽ, tinh tấn công quả và công phu. Tức siêng năng làm công tác của chùa như: Làm ruộng, trồng hoa màu, chẻ củi, gánh nước, làm đậu hủ,… nhằm góp phần cải thiện về kinh tế tự túc nhà chùa. Về công phu tu tập thì tham gia đầy đủ các thời khóa tụng niệm, tọa thiền,… khi sang những năm đầu thế kỷ XXI đến nay việc công phu công quả của người mới xuất gia có phần xao lãng, thiếu sự kiên trì, do sự phát triển của xã hội vật chất đã tác động trực tiếp. Điển hình như: Chỉ cần điện thoại thông minh đăng ký 3G hay 4G là cứ dành rất nhiều thời gian cho lướt các mạng xã hội, hoặc xem phim hay chơi game,…sẽ mất nhiều thời gian và sức khỏe, không đảm bảo thời khóa hành trì và các công tác hàng ngày. Đây là tình hình chung của các tu sĩ trẻ mới xuất gia. Công phu tu tập không nhiều, ảnh hưởng đến lối sống đạo đức tự thân của người tu sĩ, thiếu sự nhẫn nại, chịu khó. Từ đó, dẫn đến lối sống tha hóa, chạy theo danh vọng vật chất của đời thường, hoặc sẽ trở về đời làm người thế tục. Các tu sĩ trẻ, lập trường chưa vững, dễ bị cám dỗ bởi vật chất và những hình ảnh bẩn trên mạng, những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác,…ảnh hưởng đến lý tưởng và đời sống phạm hạnh của người xuất gia.

3.1.2. Yếu tố chủ quan

Với chủ trương hội nhập và phát triển của Việt Nam, xu hướng toàn cầu hóa nhanh chóng. Nền giáo dục Việt Nam cũng ảnh hưởng quốc tế hóa, ngày càng phát triển, giáo dục Phật giáo cũng từ đó chịu tác động và phát triển hơn.

Hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam ngày càng được hoàn thiện hơn. Các cấp giáo dục bao gồm Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng và Cử nhân. Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh được chính phủ cấp phép đào tạo Sau đại học. Theo báo cáo công tác đào tạo của Ban giáo dục Phật giáo Trung ương năm 2019 như sau: Tại học viện Hà Nội chương trình Thạc sĩ khóa I có 59 học viên, Tiến sĩ có 4 nghiên cứu sinh, đang đào tạo 429 học viên Cử nhân, tại Huế có 55 học viên Thạc sĩ, đang đào tạo 320 học viên Cử nhân, học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh có 48 học viên Thạc sĩ, có 8 nghiên cứu sinh, đang đào tạo 2.348 học viên Cử nhân. Cả nước có 35 trường Trung cấp Phật học, có khoảng 3000 Tăng ni sinh theo học Sơ cấp Phật học. Có khoảng 250 Tăng ni du học chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ tại nước ngoài như: Ấn Độ, Srilanca, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,…

Ngoài ra, Tăng ni trẻ còn theo học các chương trình đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ của các trường Đại học trong nước như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Sư phạm, Học viện Khoa học Xã hội,…

Hiện nay, Tăng ni trẻ được đào tạo một cách bài bản, vừa chuyên sâu về Phật học lẫn thế học, chương trình đào tạo phong phú nhiều chuyên ngành. Từ đó, kiến thức về Phật học và thế học được nâng cao, là lực lượng nồng cốt lãnh đạo Giáo hội và hoằng dương chánh pháp của Phật giáo hiện tại và tương lai.

Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh, Ban giáo dục Phật giáo đã đào tạo được sáu khóa Trung cấp Phật học, khoảng 200 Tăng ni trong và ngoài tỉnh theo học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 59 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)