Các xu thế biến đổi và biểu hiện biến đổi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 68 - 74)

3.2.1. Các xu thế biến đổi

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bắc tông Trà Vinh nói riêng, đều có sự biến đổi theo các xu thế như: Xu thế thế tục hóa, xu thế hiện đại hóa và xu thế nhập thế mạnh mẽ.

Xu thế thế tục hóa là làm giảm bớt tư tưởng quyền năng và huyền bí về đức Phật, chư vị Bồ Tát, các bậc Tổ sư và chư vị tiền bối, thánh hóa kinh điển hay các pháp khí sử dụng thường ngày,…hiểu lời Phật, thực hành và giảng giải lời Phật dạy trong kinh điển một cách cụ thể, rõ ràng thực tế trong đời sống thực tại. Diễn giải lời Phật dạy bằng ngôn ngữ đời thường, tránh và hạn chế thuật ngữ chuyên môn mang đậm chất tôn giáo. Tất cả lời Phật dạy phải được hiểu và thực hành trong đời sống thế tục này.

Trước đây Phật giáo Bắc tông chỉ dựa vào các bộ kinh Hán tạng của Trung Quốc để học tập là chính. Trong xu thế hiện nay có sự chuyển biến là dựa vào các bộ kinh Nguyên thủy để học và tu tập, bao gồm năm bộ Nikaya và bốn bộ A Hàm. Vì đây là những bài kinh đức Phật dạy thực tế trong đời sống. Bài kinh đầu tiên mà đức Phật dạy là kinh Tứ đế gồm khổ, tập, diệt, đạo. Khổ là thực trạng của con người trong đời sống, tập là nguyên nhân dẫn đến khổ, diệt là trạng thái khổ không còn, tức khổ được chấm dứt, đạo là con đường diệt khổ, phương pháp để chấm dứt khổ đau. Như trên vừa nêu, là thực trạng của kiếp sống con người trong bất kỳ xã hội nào. Khi khổ không còn thì cuộc sống con người cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, thảnh thơi,…trong cuộc sống thực tại này.

Để thuyết phục người khác, Phật giáo có Tứ nhiếp pháp, tức là bốn phương pháp nhiếp phục đó là; bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Ý nghĩa diễn giảng theo Phật giáo thì bố thí là ban cho, thí cho, ái ngữ là lời nói yêu thương, lợi hành là làm việc có lợi ích, đồng sự là cùng làm.

Để không mang màu sắc tôn giáo, sử dụng ngôn ngữ đời thường thì đó là bốn nghệ thuật sống. Nghệ thuật thứ nhất là sống biết quan tâm và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hay khi người khác cần sự giúp đỡ. Nghệ thuật thứ hai là phải biết dùng lời an ủi, động viên, khuyên nhủ khi họ gặp bất an, sợ hãi, bế tắc trong cuộc sống. Thứ ba là hợp tác cùng nhau có lợi. Thứ tư là cùng nhau làm chung công việc thể hiện sự chia sẻ và đồng cảm. Như trên vừa trình

bày, là xu thế thế tục hóa từ tư tưởng đến thực hành lời đức Phật trong cuộc sống hiện tại.

Xu thế hiện đại hóa của Phật giáo thể hiện tinh thần tùy duyên bất biến mà đức Phật đã dạy. Do xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đã dẫn đến hiện đại hóa Phật giáo Việt Nam là xu thế tất yếu. Hiện đại hóa là xu hướng hành đạo và hoằng pháp tùy thuộc vào xã hội, xã hội hiện đại thì Phật giáo phải hiện đại, gọi là tùy thuận chúng sanh.

Hiện đại hóa Phật giáo là hiện đại về sinh hoạt và những hoạt động, nhưng về bản chất thì không thay đổi. Thể hiện đặc tính Phật pháp bất ly thế gian giác. Trong mười hạnh của Bồ tát Phổ Hiền có hạnh thứ chín là cửu giả hằng thuận chúng sanh có nghĩa là tùy thuộc chúng sanh hay tùy thuộc vào thời đại hay thời cuộc mà hành đạo cũng như truyền giáo.

Chính đặc tính này đã tạo cho Phật giáo có những đặc trưng riêng của từng quốc gia, nhưng về bản chất từ bi, giác ngộ, giải thoát…vẫn không thay đổi. Hiện đại hóa là biến đổi theo thời đại để tồn tại thích nghi và phát triển trong xã hội hiện đại. Hiện đại hóa cần phải có con người hiện đại, con người hiện đại cần phải có trình độ và kiến thức hiện đại, với lực lượng Tăng ni trẻ hiện nay, Phật giáo sẽ hiện đại hóa mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Xã hội hiện đại là xã hội phức tạp đa màu đa diện, khi đối diện với xã hội hiện đại Phật giáo phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua như: Các thế lực chống phá sử dụng công nghệ cao, các cám dỗ về vật chất, địa vị danh vọng, các thông tin và hình ảnh bẩn…

Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh trong quá trình hiện đại hóa tương đối chậm. Những cái trông thấy là những ngôi chùa được xây hiện đại, chư Tăng sử dụng những công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, mạng 4G, Facebook, Youtube… về mặt tổ chức quản lý Giáo hội chưa có thành tựu gì đặc biệt.

Nguyên nhân chính là yếu tố chủ quan, thứ nhất là ở năng lực con người, lực lượng quản lý Giáo hội năng lực và trình độ chưa cao, chưa bắt kịp với trình

độ của hiện đại hóa. Thứ hai là sự đoàn kết và thống nhất chưa cao trong Giáo hội cũng như Tăng đoàn, còn xen lẫn lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, người có trình độ và năng lực đôi khi chậm được sử dụng đúng mức trong cơ cấu của Giáo hội. Điều này, tạo nên sự bất hòa hợp trong Tăng đoàn. Đây cũng được xem là sự biến đổi trong nhiệm kỳ này của Phật giáo tại Trà Vinh. Không có những con người hiện đại trong giới lãnh đạo Giáo hội tại Trà Vinh thì Phật giáo Trà Vinh khó có thể phát triển mạnh mẽ trong xã hội hiện đại.

Xu thế nhập thế, trong Pháp Bảo Đàn Kinh tổ Huệ Năng có bài kệ như sau: “… Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, cáp như cầu thố giác…”[49, 21], có nghĩa là Phật pháp tại thế gian, chẳng rời thế gian giác, lìa thế tìm bồ đề, cũng như tìm sừng thỏ, bài kệ nói lên tinh thần nhập thế xuyên suốt, tích cực của Phật giáo.

Khi đức Phật còn tại thế suốt 49 năm hoằng dương chánh pháp là tinh thần nhập thế không ngừng, mặc dù tuổi già sức yếu ở tuổi gần 80, Ngài vẫn hóa độ chúng sanh cho đến ngày nhập Niết bàn. Nối tiếp tinh thần nhập thế chư vị Tổ sư đã truyền bá Phật giáo đến các nước lân cận như Srilanca, Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,…khi Phật giáo được truyền đến Việt Nam vào thời đại nhà Trần, tinh thần nhập thế được thể hiện mạnh mẽ qua tư tưởng

hòa quang đồng trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đem ánh sáng Phật pháp đi vào đời, cho mọi người thấm nhuần ánh sáng trí tuệ của đạo Phật, tâm từ bi chan hòa yêu thương đến mọi loài, năng lực giải thoát tâm hồn ra khỏi mọi vướng bận ràng buộc.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có xu hướng nhập thế mạnh mẽ được thể hiện qua các ban trực thuộc như Ban hướng dẫn Phật tử, Ban hoằng pháp, Ban từ thiện xã hội,…

Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh thể hiện tinh thần nhập thế từ thời kỳ Phật giáo chấn hưng, qua những hoạt động của Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Hội có Ban cứu thế phương lương, tức khám chữa bệnh theo Đông y và Tây y thời bấy

giờ, Hội cũng quyên góp cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt. Năm 1945 kháng chiến nổ ra, học Tăng của Hội xuất ly tham gia kháng chiến, Hòa thượng Huệ Quang tham gia Hội Phật giáo cứu quốc, cùng với các Ngài Hoàn Tâm, Hoàn Thông, Hoàn Phú… năm 1963, chư Tăng và Phật tử xuống đường biểu tình phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Từ năm 1993, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh được thành lập cho đến nay, quá trình nhập thế ngày càng phát triển mạnh. Hầu hết các chùa đều có khóa tu, tổ chức thuyết giảng để truyền bá Phật pháp đến mọi người. Tổ chức từ thiện và an sinh xã hội đến với những hoàn cảnh khó khăn không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Tổ chức khám bệnh phát thuốc miễn phí định kỳ theo phương pháp Đông Tây y. Tổ chức các khóa tu mùa hè ngắn hạn cho các thanh thiếu niên tham gia, tại chùa Long Bửu huyện Càng Long, Đại đức Thích Minh Trí đã mở lớp dạy tiếng Anh hàng tuần, dạy võ và lớp hướng nghiệp cho các thanh thiếu niên,…

3.2.2. Các biểu hiện biến đổi

Các biểu hiện biến đổi của Phật giáo được ghi nhận trên nhiều lãnh vực, từ khâu tổ chức Giáo hội cho đến những sinh hoạt và hoạt động của Tăng đoàn.

Do tình hình kinh tế xã hội phát triển, cuộc sống người dân được nâng cao về mọi mặt, từ đó cuộc sống của Tăng ni cũng được cải thiện hơn nhờ sự phát tâm của tín đồ Phật tử. Các phương tiện đi lại và nhu cầu phục vụ học tập cũng được cải thiện và đầy đủ hơn. Hầu hết các chùa tại Trà Vinh được tu sửa và xây dựng mới lớn hơn và khang trang hơn trước đây, nhằm phục vụ nhu cầu tu học của Phật tử ngày càng đông. Bên cạnh kiến trúc truyền thống của các chùa là mái cong có rồng uốn lượn, thì cách bày trí và thờ phụng mang tính hiện đại hơn, đơn giản, thoáng mát, rộng rãi.

Hầu hết các chùa đều có khóa tu một ngày an lạc, khóa tu niệm Phật một ngày, khóa tu Phật thất, khóa tu Bát quan trai giới,…một số nơi có lớp giáo lý cho Phật tử học tập như: Lớp giáo lý tại chùa Long Bửu, huyện Càng

Long, chùa Hậu Tây An, huyện Càng Long, khóa sinh hoạt hè ngắn hạn cho thanh thiếu niên Phật tử tại chùa Phước Thanh, huyện Cầu Ngang, Thiền viện Trúc Lâm Ba Động, thị xã Duyên Hải.

Về cơ cấu tổ chức Giáo hội thực hiện theo quy định của Giáo hội Trung ương, Ban trị sự tỉnh và quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh có thêm Ban thông tin truyền thông, nhằm thông tin các công tác Phật sự và các sự kiện quan trọng trong năm của Giáo hội đến Tăng ni và Phật tử nhanh chóng. Bên cạnh đó, thành lập Ban pháp chế, nhằm xử lý các tình huống tranh chấp, có liên quan đến pháp luật nhà nước và hiến chương Giáo hội, nội quy Ban tăng sự,…

Biến đổi số lượng về Tăng ni trong tỉnh chưa được thống kê cụ thể, biên độ cao diễn ra hàng năm chỉ xảy ra ở Phật giáo Nam tông Khmer, vì họ có truyền thống tu trả hiếu ba tháng, sáu tháng, một năm, ba năm,… đối với Phật giáo Bắc tông chỉ số dao động là không đáng kể, nhưng số lượng Tăng ni trẻ như Đại đức và Thượng tọa, Ni sư vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Ban trị sự tỉnh chưa có số liệu thống kê cụ thể về Phật tử trong tỉnh, qua phỏng vấn trụ trì một số chùa, có chùa số lượng Phật tử ít hơn trước đây như chùa Giác Long Duyên Hải, chùa Pháp Hoa, Càng Long, chùa Phước Hòa, Tp. Trà Vinh, chùa Phật Tâm, Châu Thành,… số chùa có Phật tử tham gia sinh hoạt đông hơn trước đây như chùa Phước Thanh, Cầu Ngang, chùa Long Bửu, Càng Long, chùa Long Vĩnh, thị xã Duyên Hải,…một số chùa thì bão hòa như: Chùa Phước Nguyên, Tp. Trà Vinh, chùa Phước Minh, Cầu Ngang, chùa Liên Bửu, huyện Châu Thành,… vậy như, có thể kết luận rằng; số lượng Phật tử Phật giáo Bắc tông tại Trà Vinh tăng giảm không đáng kể, có sự bão hòa. Sự tăng giảm sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau: Trụ trì chùa là vị Tăng trẻ, năng động, thường xuyên tổ chức các khóa sinh hoạt hay tu tập cho Phật tử thì số lượng Phật tử tăng, ngược lại thì giảm. Bên cạnh đó, nếu chùa có tạo phương tiện đi lại thuận tiện và đường đi thuận tiện thì số lượng

Phật tử cũng tăng và ngược lại. Vấn đề cải đạo không diễn ra ở Phật giáo Bắc tông, chỉ diễn ra số ít ở Phật tử Nam tông Khmer theo đạo Tin Lành, nhưng về số lượng vẫn không đáng kể.

Vấn đề nhận thức và trình độ của Tăng ni trong tỉnh ngày càng được nâng cao hơn trước đây, hầu hết Tăng ni đều tốt nghiệp Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, các lớp Trung cấp và Cao cấp giảng sư, Cử nhân Phật học và thế học, Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Về phương thức kêu gọi quyên góp kinh phí xây dựng chùa hay quỹ từ thiện an sinh xã hội của Tăng ni trong tỉnh, có phương thức mới là sử dụng công nghệ thông tin như kêu gọi trên facebook, zalo, hay trên web,…tiêu biểu như Đại đức Thích Minh Trí trụ trì chùa Long Bửu, Đại đức Thích Như Phước trụ trì chùa Vạn An sử dụng phương thức này rất thành công.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) PHẬT GIÁO bắc TÔNG tại TRÀ VINH HIỆN NAY (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)