Pháp luật quốc tế về thỏa ước lao động tập thể

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ký kết thỏa ước lao động tập thể theo pháp luật lao động việt nam từ thực tiễn các doanh nghiệp tại huyện đơn dương, tỉnh lâm đồng (Trang 30 - 34)

1.5.1. Thỏa ước lao động tập thể trong các công ước của ILO

Thỏa ước lao động được xem xét dưới góc độ pháp lý trong các công ước quốc tế và khuyến nghị của các tổ chức lao động quốc tế về các vấn đề như việc làm, phát triển nguồn lực, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động… Đặc biệt Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) luôn quan tâm đến vấn đề Thỏa ước lao động tập thể vì điều đó thể hiện sự phát triển mối quan hệ lao động doanh nghiệp của mỗi quốc gia. Trong nhiều năm qua, tổ chức lao động quốc tế thúc đẩy nhiều quốc gia tham gia vào việc ký kết thỏa ước lao động tập thể để giữ gìn hòa bình ổn định mối quan hệ lao động. Nhiệm vụ này được thể hiện trong tuyên bố Philadenphia năm 1944: “Nghĩa vụ chính thức của ILO là thúc đẩy các nước trên thế giới thực hiện các chương trình nhằm đạt được … thừa nhận thực sự quyền được thương lượng tập thể (phần III, điểm e). Đúng vậy, việc thỏa thuận và thương lượng trong thỏa ước lao động tập thể trong

quan hệ lao động mang tính chất toàn cầu và việc áp dụng thỏa ước lao động tập thể được phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Bên cạnh đó, Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể được phê duyệt sau 5 năm sau, vào năm 1994 và được áp dụng rộng rãi trên nhiều nước. Trong đó phải kể đến các công ước quan trong sau: Công ước 98 năm 1949, Công ước 151 năm 1978, Công ước 154 năm 1981 và các khuyến nghị số 91 năm 1951, khuyến nghị 163 năm 1981. Khuyến nghị số 91, tổ chức lao động quốc tế đã đưa ra định nghĩa về thỏa ước lao động tập thể như sau: Mọi thỏa thuận viết có liên quan đến các điều kiện lao động và sử dụng lao động được ký kết giữa một bên là người sử dụng lao động, một nhóm người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức sử dụng lao động với một bên là người lao động hoặc đại diện của người lao động được bầu ra, ủy quyền theo quy định của pháp luật quốc gia [23, tr.720]. Tại Điều 2 của Công ước số 154, khái niệm về Thỏa ước lao động tập thể được Tổ chức lao động quốc tế giải thích rõ hơn: thỏa ước lao động tập thể là mục đích mong đạt đến của các bên trong quan hệ lao động: 1. Quy định những điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động. 2. Điều chỉnh mối quan hệ giữa những người sử dụng lao động và những người lao động. 3. Điều chỉnh mối quan hệ giữa những người sử dụng lao động hoặc các tổ chức của người sử dụng lao động với một hay nhiều tổ chức người lao động [24, tr.360].

Qua đó ta thấy quan điểm của pháp luật Việt Nam về thỏa ước lao động tập thể cũng tương đồng với quan điểm của Tổ chức Lao động quốc tế.

1.5.2. Thỏa ước lao động tập thể trong pháp luật của một số nước khác Thỏa ước lao động tập thể là mục đích đạt được của các bên trong mối quan hệ lao động chính vì vậy pháp luật lao động của các quốc ra trên thế giới cũng quy định cụ thể để điều chỉnh mối quan hệ này.

Theo Điều 2 Luật thỏa ước lao động tập thể, đình công và bế xưởng của

Thổ Nhĩ Kỳ (Luật số 2822 ngày 05 tháng 5 năm 1983) quy định: Thỏa ước

lao động tập thể và sự thỏa thuận giữa tập thể, là sự thỏa thuận giữa công đoàn của người lao động với công đoàn của người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động mà không phải là thành viên của bất cứ công đoàn nào nhằm mục đích điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc ký kết, nội dung và chấm dứt hợp đồng lao động. Thỏa ước lao động tập thể cũng có thể bao gồm những điều khoản khác về quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan, việc thực thi và giám sát việc thực hiện thỏa thuận và những biện pháp được sử dụng để giải quyết tranh chấp [18, tr.3].

Tại Liên Bang Nga, Bộ Luật lao động tháng 2 năm 2002 có quy định tại Điều 45: Thỏa ước là văn bản pháp lý quy định những nguyên tắc chung về điều chỉnh các quan hệ lao động – xã hội và các quan hệ kinh tế liên quan đến quan hệ lao động – xã hội, được ký kết giữa những đại diện được ủy quyền của người lao động và người sử dụng lao động ở cấp liên bang, khu vực, ngành (liên ngành) và lãnh thổ trong giới hạn thẩm quyền của các cấp [19, tr.330].

Theo pháp luật Trung Quốc thì Thỏa ước lao động tập thể được hiểu là hợp đồng tập thể. Hợp đồng tập thể là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết thông qua thương lượng tập thể giữa bên tổ chức sử dụng lao động và những người lao động của tổ chức đó, phù hợp với quy định của các luật, các quy định và các nguyên tắc có liên quan đến các vấn đề tiền lương, giờ làm việc, nghỉ ngơi và ngày lễ, an toàn lao động và sức khỏe, dạy nghề, bảo hiểm và phúc lợi.

Tại Malaysia, Đạo luật về Quan hệ công nghiệp năm 1967 (Luật số 177, đã được sửa đổi, bổ sung năm 1975 và năm 2005) trong phần II có định nghĩa Thỏa ước lao động tập thể là một thỏa thuận bằng văn bản được ký kết

giữa một bên là một người sử dụng lao động hoặc nghiệp đoàn của người lao động về những điều kiện sử dụng lao động và việc làm của người lao động hoặc về mối quan hệ giữa hai bên [14, tr.38].

Như vậy, quy định về thỏa ước lao động tập thể của Việt Nam khá tương đồng với quy định về thỏa ước lao động tập thể của các nước khác. Nó đều là văn bản được ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động về các điều kiện lao động nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên trong mối quan hệ lao động tại Doanh nghiệp, tại các Doanh nghiệp trong cùng vùng, ngành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ký kết thỏa ước lao động tập thể theo pháp luật lao động việt nam từ thực tiễn các doanh nghiệp tại huyện đơn dương, tỉnh lâm đồng (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)