hiện nay
Theo pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam, trừ các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty, cổ đông trong công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho một cổ đông khác hoặc cho bất kỳ người nào. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông cụ thể như sau:
Điều 110, khoản 1, điểm d, quy định: “d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 119 và khoản 1, Điều 126 của Luật này”;
Điều 114, Khoản 1, Điểm d quy định về quyền của cổ đông phổ thông:
“d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 119 và khoản 1, Điều 126 của Luật này”;
Điều 126, Khoản 1, quy định: “1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty
có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Như vậy, với vốn đã bỏ ra để mua cổ phần mà công ty cổ phần chào bán, cổ đông không nhất thiết phải gắn bó lâu dài với công ty, nếu họ không muốn. Quyền tự do chuyển nhượng cổ phần đem lại cho công ty cổ phần lợi thế hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Đối với công ty cổ phần, quyền chuyển nhượng cổ phần bao gồm cả quyền tặng, cho, để thừa kế… cổ phần. Điều đó có nghĩa là khái niệm “chuyển nhượng cổ phần” trong công ty cổ phần không phải chỉ được hiểu theo nghĩa là việc mua, bán, trao đổi cổ phần.
Một trong những ưu điểm nổi bật của công ty cổ phần là mặc dù cổ đông “không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần” theo khoản 1, điều 115, Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhưng cổ đông vẫn có quyền
“được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác và cho người không phải là cổ đông” (điểm d khoản 1 điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014). Do xuất phát từ quan điểm xem công ty cổ phần là mô hình doanh nghiệp có tính chất đối vốn, có tính chất đại chúng khác với mô hình doanh nghiệp có tính chất đối nhân, nên việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần dễ dàng hơn so với trong công ty trách nhiện hữu hạn và công ty hợp danh.
Cũng chính vì điều đó, việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần không phải là một vấn đề gì quá phức tạp và khó khăn. Các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác một cách công khai trên thị trường chứng khoán theo những điều kiện mà pháp luật cũng như Điều lệ của công ty cổ phần quy định. Các nhà làm luật quy định quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông xuất phát từ quan niệm xem công ty cổ phần là
mô hình tổ chức theo hình thức đối vốn, có tính chất đại chúng. Quyền này phản ánh cấu trúc vốn linh hoạt của công ty cổ phần và khả năng chuyển đổi dễ dàng mà không làm mất đi tính ổn định trong cấu trúc vốn. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của công ty cổ phần và là điểm khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác theo pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay.
Chuyển nhượng cổ phần phổ thông: cổphần phổ thông có thể được coi là nền tảng cơ bản về vốn của công ty cổ phần, tổng giá trị của loại cổ phần này chiếm tỷ lệ chủ yếu trong công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, một cổ phần phổ thông sẽ có một phiếu biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng đến tổ chức, hoạt động của công ty cổ phần. Khi không còn nhu cầu đầu tư vào công ty cổ phần, cổ đông phổ thông có thể chuyển quyền sở hữu của mình đối với công ty cổ phần cho người khác thông qua việc chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần. Các điều kiện về chào bán, chuyển nhượng loại cổ phần này thường do Điều lệ công ty cổ phần quy định.
Chuyển nhượng các loại cổ phần ưu đãi: Bên cạnh các cổ phần phổ thông, các công ty cổ phần có thể quyết định việc phát hành thêm một số loại cổ phần ưu đãi. Các loại cổ phần ưu đãi bao gồm: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và một số cổ phần ưu đãi khác (nếu có) do Điều lệ công ty cổ phần quy định. Cũng như các cổ đông phổ thông, các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại đều là những người đầu tư vào công ty cổ phần bằng cách mua cổ phần trong công ty cổ phần và hoàn toàn có quyền tự do chuyển nhượng các loại cổ phần này. Nhưng điểm khác nhau cơ bản giữa các loại cổ phần này là: các cổ đông phổ thông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết, còn các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết. Đối với các loại cổ phần ưu đãi
(trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết), việc chuyển nhượng chúng như thế nào hoàn toàn mang tính chất tùy nghi và do Điều lệ công ty cổ phần quy định. Nếu Điều lệ công ty cổ phần không cụ thể hóa vấn đề này, các cổ đông sở hữu chúng sẽ tự do chuyển nhượng theo quy định Luật doanh nghiệp 2014.
Việc đảm bảo quyền tự do chuyển nhượng cổ phần có ý nghĩa rất quan trọng đối với cổ đông và cả nhà đầu tư. Bởi mục đích chính của việc góp vốn đầu tư vào công ty cổ phần là mục đích tìm kiếm lợi nhuận do được hưởng cổ tức hàng năm hoặc hưởng chênh lệch giá từ chuyển nhượng cổ phần. Khi công ty cổ phần làm ăn thuận lợi, phát triển thì giá cổ phiếu của công ty cổ phần trên thị trường chứng khoán tăng. Chính vì vậy, khi cảm thấy có khoản lợi nhuận lớn hơn từ chênh lệch giá cổ phiếu, cổ đông sẽ bán đi để thu lợi nhuận. Trong trường hợp công ty cổ phần hoạt động kém hiệu quả, giá cổ phiếu giảm, cổ đông muốn hạn chế rủi ro, thua lỗ do đầu tư vào cổ phiếu, thì họ có quyền bán cổ phiếu cho những nhà đầu tư có nhu cầu. Điều này cũng tạo ra cơ hội tái cấu trúc lại công ty cổ phần đối với những công ty làm ăn kém hiệu quả, khi có các nhà đầu tư mong muốn mua lại phần lớn cổ phần để thiết lập lại bộ máy quản lý cũng như chiến lược hoạt động của công ty cổ phần. Đối với nhà đầu tư, quyền tự do chuyển nhượng cổ phần tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện chiến lược đầu tư mua cổ phần của công ty cổ phần nhằm giành quyền quản lý, sau đó cải tạo và sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành của công ty cổ phần. Cơ chế này buộc các nhà quản trị công ty cổ phần phải tìm mọi phương án hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty cổ phần, nếu không muốn mất quyền quản lý và để công ty cổ phần rơi vào tay nhà đầu tư khác.
Pháp luật Việt Nam thừa nhận tính tự do chuyển nhượng của cổ phần như một nguyên tắc, song cũng có một số giới hạn nhất định như: Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập: Theo Điều 119, khoản 3, Luật Doanh
nghiệp năm 2014 thì: “Trong thời hạn ba năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”. Tuy nhiên, không phải tất cả số cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông sáng lập đều chịu sự hạn chế chuyển nhượng này mà chỉ có “số cổ phần đăng ký tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu đã góp trong 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” mới bị hạn chế chuyển nhượng theo Điều 119, khoản 3. Hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập sẽ được bãi bỏ sau 3 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Pháp luật quy định như vậy một mặt là nhằm ràng buộc và đề cao trách nhiệm của cổ đông sáng lập trong giai đoạn đầu thành lập công ty cổ phần. Mặt khác, điều này có tác dụng ngăn chặn tình trạng các sáng lập viên thành lập công ty cổ phần nhằm mục đích không trong sáng (như để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sản của người góp vốn…) và khi đạt được mục đích của mình, họ bán cổ phần của mình và bỏ mặc số phận của công ty cổ phần cũng như của các cổ đông khác.
Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết tại khoản 3 điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”. Việc không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cho người khác có nghĩa là tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết mà mình nắm giữ cho người khác. Tuy nhiên, sau thời hạn ba năm, kể từ khi công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành
cổ phần phổ thông. Pháp luật đưa ra những hạn chế như vậy cũng nhằm đảm bảo và duy trì tính ổn định trong hoạt động của công ty cổ phần. Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ, đương nhiên việc chuyển nhượng sẽ bị hạn chế bởi đây là cơ quan đại diện cho sự quản lý của Nhà nước trong hoạt động của công ty cổ phần, nhằm điều tiết hoạt động của công ty cổ phần cho phù hợp với định hướng của Nhà nước, vì vậy cổ đông được Chính phủ ủy quyền nắm giữ không được phép chuyển nhượng. Với cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, việc chuyển nhượng này cũng bị hạn chế trong khoảng thời gian ba năm nhằm duy trì sự ổn định trong cơ cấu và bảo đảm định hướng phát triển của công ty cổ phần, khi những cổ đông này là người đầu tiên đứng ra thành lập và định hình sự phát triển của công ty cổ phần thì họ phải có trách nhiệm đối với công ty. Đây là quy định hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn có thể gặp trường hợp đặc biệt, khi một cổ đông có quyền ưu đãi biểu quyết mất tích, chết hay mất năng lực hành vi dân sự... thì số cổ phần ưu đãi biểu quyết đó sẽ được giải quyết như thế nào? Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về sự chuyển đổi của cổ phần ưu đãi biểu quyết của tổ chức được Chính phủ ủy quyền.
Ngoài hai trường hợp pháp luật hạn chế chuyển nhượng cổ phần như trên, thực tế tại một số công ty cổ phần, Hội đồng quản trị không cho phép cổ đông công khai chuyển nhượng cổ phần hoặc chỉ cho phép chuyển nhượng cổ phần trong nội bộ công ty cổ phần. Điều này đã dẫn đến tình trạng chuyển nhượng ngầm. Cổ đông thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần chỉ thông qua giấy viết tay mà không làm thủ tục chuyển nhượng tại công ty cổ phần. Một số công ty cổ phần khác, tuy không hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần nhưng lại gây khó khăn cho cổ đông trong việc hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích
của cổ đông được pháp luật bảo vệ.