Để đẩy mạnh hoạt động điều tra, xử lý các tội phạm tham nhũng có hiệu quả cao, cũng như góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tác giả xin đưa ra một số quan điểm trong điều tra, xử lý tội phạm các tội phạm tham nhũng như sau:
Một là: Việc điều tra, xử lý các tội phạm tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
Việc phát hiện, điều tra, xử lý các tội phạm tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng một cách tuyệt đối, toàn diện; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng ở các cấp địa phương. Tích cực tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội trong công tác phát hiện, tố giác tội phạm tham nhũng.
Do tính chất phức tạp, nhạy cảm của các vụ án tham nhũng nên việc xin ý kiến chỉ đạo của các cấp Đảng ủy về biện pháp giải quyết, đường lối xử lý, đảm bảo yêu cầu về mặt chính trị, đúng pháp luật và kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, phức tạp trong công tác điều tra xử lý tội phạm tham nhũng, cũng như sự huy động vào cuộc của các cơ quan liên quan là yếu tố quyết định cho kết quả phòng ngừa, phát hiện và điều tra các vụ án tham nhũng. Hơn nữa, có sự tham gia sát sao của các cấp Đảng ủy trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng sẽ khắc phục được những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong các quy định của pháp luật cũng như khắc phục được những khó khăn đối với các ĐTV trong quá trình tham gia hoạt động điều tra vụ án tham nhũng, làm cho lực lượng điều tra chủ động trong công tác của mình. Thực tiễn còn cho thấy, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, mà trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng nói chung và điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng nói riêng với quyết tâm chính trị cao, tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ là chỗ dựa
vững chắc cho các cơ quan tư pháp nói chung và CQĐT trong hoạt động điều tra nói riêng.
Hai là: Thực hiện chế định “bình đẳng” trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng
Hoạt động điều tra xử lý tội phạm tham nhũng những vụ án lớn vừa qua trên cả nước nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đã thể hiện được những kết quả ban đầu của công cuộc cải cách tư pháp của nước ta. Qua đó một số nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp năm 2013 đã được vận dụng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng như: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, nguyên tắc “suy đoán vô tội” … cùng với các nguyên tắc trong điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong thời gian qua đối với đấu tranh tội phạm tham nhũng là: “ không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng” [47] đã được các cơ quan tư pháp cương quyết áp dụng. Qua đó, không phân biệt đối tượng có hành vi phạm tội có địa vị, chức vụ ở vị trí nào, nếu đã phạm tội thì phải được xử lý nghiêm trước pháp luật, công bằng và chịu sự điều chỉnh của pháp luật là như nhau. Trong thời gian vừa qua cũng đã có nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, nhất là vào đầu năm 2018 lần đầu tiên trong tiền lệ đưa ra xét xử nguyên Ủy viên Bộ chính trị về những sai phạm kinh tế đó là vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm, một Ủy viên Bộ chính trị. Có thể nói, đây là một minh chứng điển hình có quyết tâm xử lý các cán bộ Đảng có sai phạm, quyết tâm phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm”, không loại trừ bất kỳ ai của Đảng, “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” [47] . Về việc xử lý ông Đinh La Thăng cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cán bộ Đảng.
Việc điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng nói chung không có vùng cấm có ý nghĩa răn đe với những cán bộ quan chức, và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Việc Đảng nhận diện đúng những vấn đề lớn của tham nhũng và chống tham nhũng không có vùng cấm sẽ tạo tiền đề cho công cuộc phòng chống tham nhũng trong những năm tới hiệu quả hơn nữa, quyết liệt hơn nữa… Đối với nguyên tắc này, các đối tượng tham nhũng đã nghỉ hưu hay điều chuyển công tác
khi bị phát hiện cũng phải được xử lý nghiêm và tránh trường hợp điều chuyển công tác hay bổ nhiệm chức vụ đối với những cán bộ có nghi vấn tham nhũng.
Ba là: Điều tra, xử lý nhanh chóng, kịp thời hiệu quả các vụ án tham nhũng và kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát
Điều tra xử lý nhanh chóng, kịp thời hiệu quả các vụ án tham nhũng thì CQĐT cần xây dựng kế hoạch điều tra cụ thể cho từng vụ án, xây dựng các giải pháp, phù hợp với phương châm đặt ra. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đặt ra phương châm chỉ đạo đối với việc điều tra, xử lý tham nhũng đó là: “Làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”. “Không vì lý do vướng mắc về áp dụng pháp luật và phối hợp trong hoạt động tư pháp mà để vụ án kéo dài hoặc gây dư luận phức tạp” [47].
Đối với những vụ án phức tạp cần tập trung lực lượng để thu thập, cũng cố tài liệu chứng cứ, thực hiện kế hoạch tiến độ điều tra cụ thể. Mặt khác, CQĐT cần đổi mới trong tư duy, phương thức, cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình mới của tội phạm tham nhũng cũng như đặc điểm của từng vụ án. Làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, rà soát những khó khăn, bất cập về mặt pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp. CQĐT cũng cần xây dựng các quy trình, quy chế trong công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng và thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác để đẩy nhanh tiến độ điều tra.
Thu hồi tài sản tham nhũng được hiểu là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi tài sản do người có hành vi tham nhũng chiếm đoạt, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng, tài sản phát sinh từ hành vi tham nhũng hoặc tài sản thu được từ việc áp dụng các chế tài đối với người có hành vi tham nhũng trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc sung quỹ Nhà nước.
Để thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được kết quả cao thì cơ quan có thẩm quyền nói chung và CQĐT vụ án tham nhũng nói riêng trước mắt cần nắm chắc các thông tin, hồ sơ tài liệu thống kê đối với các tài sản trong diện thu hồi, nghiên cứu các biện pháp tạm thời như: phong tỏa tài khoản, niêm phong và
tạm giữ tài sản … nhằm ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng, tiêu hủy tài sản thuộc diện bị tịch thu. Cần thực hiện nghiêm túc, khẩn trương công tác kiểm tra nghiệp vụ liên quan nhằm đánh giá đúng tình hình thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng; làm rõ những hạn chế, khó khăn vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Từ đó, tìm ra những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới. Thông qua công tác kiểm tra để tìm ra những sơ hở, bất cập trong chính sách pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ký các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Bốn là: Phát hiện, xử lý tham nhũng từ địa phương, cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”
CQĐT cần có sự tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đảng, Nhà nước cần có sự tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cần có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, sau đó sai phạm này lại được phát hiện bởi các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán khác. Có các giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn để khuyến khích và kịp thời xử lý thông tin do người dân phát hiện, phản ánh, tố cáo tội phạm tham nhũng; bên cạnh đó cần có biện pháp bảo vệ an toàn những người tin báo, tố giác tội phạm.