Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra vụ án tham nhũng theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 75 - 78)

BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) và BLTTHS năm 2015 ra đời thay thế BLHS và BLTTHS cũ là một bước tiến vượt bậc của các

nhà làm luật nước ta. Những quy định mới của BLHS cũng như BLTTHS đã góp phần khắc phục được những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng. Tuy nhiên, do mới ban hành nên việc áp dụng nội dung theo các điều luật và các văn bản hướng dẫn còn hạn chế, vì vậy, cần ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất và có hiệu quả. Qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, bất cấp, vì vậy, tác giả xin đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng như sau:

Một là: Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi tham nhũng của Luật phòng chống tham nhũng để thống nhất, phù hợp với quy định của BLHS năm 2015;

BLHS và Luật phòng, chống tham nhũng, đã trải qua rất nhiều lần sửa đổi, bổ sung và cũng có nhiều quan điểm, ý kiến đưa ra về sự không thống nhất về quy định các hành vi tham nhũng. Lần sửa đổi mới đây BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định về tội phạm tham nhũng có 07 tội phạm tham nhũng tương ứng với 7 hành vi tham nhũng, trong khi đó Luật phòng, chống tham nhũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 vẫn quy định gồm 12 hành vi tham nhũng. Điều này đã gây nên những rắc rối, phức tạp, thiếu sự thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nói chung và CQĐT nói riêng. Có nhũng hành vi được xác định là hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay nhưng không có chế tài hình sự và cũng không có chế tài hành chính cụ thể, riêng biệt nào để xử lý. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cũng không có thống kê liên quan đến việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng này. Bởi vậy, cần sớm điều chỉnh lại các quy định về hành vi tham nhũng của Luật phòng chống tham nhũng cho thống nhất với quy định của BLHS năm 2015.

Hai là: Ban hành văn bản hướng dẫn một số quy định về tội phạm tham nhũng như: hướng dẫn cụ thể về lợi ích phi vật chất trong cấu thành tội phạm tham nhũng, hướng dẫn một số từ ngữ mang tính chấ định tính, khó xác định như “ lập công lớn” …để thuận tiện trong áp dụng pháp luật một cách thống nhất, bảo đảm

yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Góp phần xác định đúng tội phạm tham nhũng trong quá trình điều tra, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.

Ba là: Bổ sung thêm pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cho nhóm tội phạm tham nhũng.

BLHS năm 2015 chưa đặt ra trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với nhóm tội phạm tham nhũng. Đây sẽ là cản trở cho Việt Nam khi xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm tham nhũng, đặc biệt sẽ gây khó khăn cho hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Hiện nay, thực tiễn cho thấy đã xuất hiện ngày càng nhiều hành vi có dấu hiệu tham nhũng do pháp nhân thực hiện, vì vậy, việc đặt ra quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội tham nhũng là hết sức cần thiết, hơn nữa việc quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi tham nhũng còn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chính vì vậy, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cho nhóm tội phạm tham nhũng.

Bốn là: Sửa đổi tại khoản 1 Điều 183 BLTTHS năm 2015 về quy định hỏi

cung bị can từ: “hỏi cung bị can tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can” thành cụm từ “hỏi cung bị can tiến hành ngay sau khi quyết định khởi tố bị can

được VKS phê chuẩn”

Năm là: Cần thống nhất sửa đổi, bổ sung đối với các quy định trong lĩnh vực

Ngân hàng nhà nước và Luật báo chí để tranh trường hợp có mâu thuẫn với BLTTHS hiện hành về các quy định như: yêu cầu cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trong Ngân hàng nhà nước; điều chỉnh lại quy định tại khoản 1 Điều 5 Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về “không được điều tra bí mật đối với Đảng viên trước khi khởi tố bị can”; Đối với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật báo chí năm 2016 cần bỏ cụm từ “rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Sáu là: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp về thời hạn

giám định để phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2015; Cụ thể:

Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn giám

định tư pháp đối với các trường hợp khác trong hoạt động tố tụng tối đa là 3 tháng. Trong trường hợp vụ việc được giám định có quy mô lớn, phức tạp về nội dung chuyên môn hoặc liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau thì có thể dài hơn 3 tháng hoặc có thể gia hạn nhưng phải bảo đảm thời gian hoàn thành việc giám định phù hợp với thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn điều tra tối đa là 4 tháng và có thể gia hạn.

Trong trường hợp một vụ án nhưng có nhiều kết luận giám định khác nhau, gây khó khăn cho việc xử lý vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng. Thì cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong Luật giám định tư pháp để nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bảo đảm chặt chẽ trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp của các cơ quan tố tụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều tra vụ án tham nhũng theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam từ thực tiễn thành phố hà nội (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)