Quy định về điều kiện kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ĐĂNG ký hộ KINH DOANH THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM từ THỰC TIỄN QUẬN HOÀNG MAI, THÀNH PHỐ hà nội (Trang 29 - 35)

Khi tham gia vào quan hệ kinh doanh, hộ kinh doanh là một loại hình chủ thể kinh doanh. Hộ kinh doanh phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ các quyền cũng như hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, hộ kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện về chủ thể; tên gọi; ngành nghề kinh doanh; quy mô lao động được sử dụng về thu nhập của hộ kinh doanh.

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể

Khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự ” là những chủ thể có quyền thành lập và đăng ký hộ kinh doanh. Quy định trên phù hợp với định nghĩa về hộ kinh doanh được nêu tại Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021 /NĐ-CP. Theo đó, đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì cá nhân này phải là công dân Việt Nam, đáp ứng điều kiện về độ tuổi (từ đủ 18 tuổi); về điều kiện năng lực pháp luật (không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định); về điều kiện năng lực hành vi dân sự (không phải là người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự…). Với quy định tại Điều 80 Nghị định số Nghị định 01/2021/NĐ-CP, pháp luật về hộ kinh doanh cũng

cấm những đối tượng theo quy định của pháp luật có liên quan như trong Luật doanh nghiệp 2014, pháp luật phá sản được phép thành lập hộ kinh doanh. Điều này có nghĩa là những người bị cấm thành lập doanh nghiệp như cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không có quyền đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Đồng thời theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì các cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Khoản 2, Khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Cá nhân, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

Đối với trường hợp hộ kinh doanh do một hộ gia đình làm chủ, các cá nhân trong hộ gia đình này đều phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi và năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự nêu trên. Kể từ khi Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP, đã giải quyết được vướng mắc trong quy định về điều kiện chủ thể đối với hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh. Trước đây, có một số ý kiến cho rằng quy định về điều kiện chủ thể được phép thành lập hộ kinh doanh của Nghị định 88/2006/NĐ-CP sẽ dẫn đến khó khăn áp dụng đối với hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh. Bởi trong trường hợp các cá nhân góp vốn để thành lập hộ kinh doanh, các cá nhân này đều không thuộc diện bị pháp luật cấm kinh doanh, người đại diện cho hộ gia đình đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền là công dân Việt Nam thì có nhất thiết những người còn lại phải bắt buộc là công dân Việt Nam không? Tuy nhiên, khi Nghị định số

78/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 01/12/2015 có hiệu lực từ ngày 15/01/2016, có thể khẳng định các cá nhân trong nhóm người thuộc hộ kinh doanh đều bắt buộc là công dân Việt Nam. Bởi một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là “hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập” (điểm đ khoản 1 Điều 78 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP). Đây là nội dung tiếp tục được ghi nhận tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang có hiệu lực pháp luật.

Pháp luật hiện hành không đặt điều kiện về chủ thể cho từng thành viên đối với trường hợp hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc nếu trong hộ gia đình có thể có thành viên chưa đủ 18 tuổi (chưa thành niên) thì hộ gia đình đó vẫn có quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Sở dĩ pháp luật không đặt ra điều kiện chủ thể đối với từng thành viên trong hộ gia đình khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh là bởi: bản thân hộ gia đình đã từng được pháp luật Việt Nam công nhận là một chủ thể độc lập trong quan hệ dân sự nói chung và các quan hệ kinh tế nói riêng. Bộ luật dân sự 2015 không thừa nhận tư cách chủ thể độc lập của hộ kinh doanh nhưng vẫn điều chỉnh các giao dịch mà hộ kinh doanh tham gia quy về trách nhiệm của chủ hộ và các thành viên của hộ gia đình.

Khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng đặt ra điều kiện khác đối với các chủ thể được quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh, đó là các chủ thể nêu trên chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.

Thứ hai, điều kiện về tên gọi của hộ kinh doanh

Việc đặt tên cho một hộ kinh doanh cũng phải tuân thủ những quy định bắt buộc tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, tên gọi của hộ kinh doanh sẽ bao gồm hai thành tố bắt buộc: “hộ kinh doanh” và tên riêng của hộ

kinh doanh. Việc sử dụng tên riêng của hộ kinh doanh có thể có hoặc không. Trường hợp dùng tên riêng, thì tên này không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện; không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ ba, điều kiện về ngành nghề kinh doanh

Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định điều kiện về ngành nghề đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh, theo đó:

- Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

- Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Để được đăng ký thành lập hộ kinh doanh, các chủ thể đăng ký cần phải đáp ứng điều kiện về quy mô lao động. Trước đây, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP tại khoản 3 Điều 66 quy định “hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định”. Như vậy theo quy định này, có thể coi quy mô lao động sử dụng trong hộ kinh doanh là một điều kiện bắt buộc cơ quan có thẩm quyền xem xét khi tiến hành cấp giấy phép thành lập hộ kinh doanh. Có thể nhận thấy số lượng lao động được sử dụng ở hộ kinh doanh mà pháp luật quy định cũng được xem là “ranh giới” để phân biệt loại hình kinh doanh giữa hộ gia đình với các loại hình doanh nghiệp hiện nay. Trường hợp hộ kinh doanh không đáp ứng được điều kiện về quy mô lao động (tức là hộ kinh doanh đó sử dụng hơn 10 lao động) thì sẽ không tuân theo điều kiện đăng ký thành lập và không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp giấy đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi một nhóm có hơn mười cá nhân cùng tham gia các hoạt động kinh doanh; trong nhóm có sự phân công công việc cụ thể cho từng thành viên và họ cùng nhau đăng ký để thành lập hộ kinh doanh nhằm được pháp luật bảo hộ các hoạt động của mình trong quan hệ kinh doanh thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có tiến hành xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho nhóm người đó không? Pháp luật hiện nay chỉ đưa ra quy định về “nhóm người” được đăng ký thành lập hộ kinh doanh mà không quy định về số lượng thành viên thuộc nhóm người đó. Tất nhiên, theo nguyên tắc, quy định sử dụng lao động có nghĩa là giữa hộ kinh doanh và số lao động đó phải có quan hệ lao động và Luật lao động sẽ điều chỉnh quan hệ này; nhưng đối với trường hợp nhóm người nêu trên, họ đã có sự phân công chuyên môn hóa công việc, mỗi thành viên đều tham gia vào một quá trình của hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh và không cần thuê thêm lao động thì liệu họ có được thành lập hộ kinh doanh không?

Do đó, để khắc phục những hạn chế đó, tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 78/2015/NĐ-CP đã không còn quy định giới hạn số lượng lao động đối với hộ kinh doanh, đáp ứng những vấn đề thực tế công tác thi hành pháp luật đặt ra.

Thứ năm, điều kiện về thu nhập

Pháp luật hiện hành điều chỉnh các vấn đề của hộ kinh doanh không có điều khoản riêng biệt quy định thu nhập từ hoạt động kinh doanh là một trong những điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho các chủ thể khi đăng ký. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, “hộ gia đình sản xuất nông,

lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”. Như vậy, vấn đề thu nhập từ hoạt động

kinh doanh là một trong những căn cứ phân biệt chủ thể nào bắt buộc phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh, chủ thể nào không phải đăng ký. Điều kiện này cũng tương tự như quy định về quy mô lao động của hộ kinh doanh. Nếu như quy mô lao động được sử dụng trong hộ kinh doanh là một căn cứ để xác định chủ thể đó có được tiếp tục hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh hay phải tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp; thì vấn đề thu nhập từ hoạt động kinh doanh là một căn cứ để xác định chủ thể đó có được tiếp tục hoạt động tự do hay phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Tương tự nội dung được ghi nhận tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 01/2021/NĐ-CP không đưa ra chuẩn cố định về thu nhập từ hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc mà mức thu nhập này sẽ được “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp

áp dụng trên phạm vi địa phương”. So với Nghị định số 88/2006/NĐ-CP, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bỏ quy định “mức thu nhập thấp được quy định không được vượt quá mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế”. Việc bỏ quy định này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn bởi ở mỗi địa phương có sự phát triển kinh tế xã hội khác nhau và có sự chênh lệch giữa các thành phố lớn với các tỉnh thành miền núi; mỗi địa phương có sự phát triển kinh tế xã hội khác nhau. Điều này tạo điều kiện cho việc áp dụng quy định của pháp luật được linh hoạt và thuận tiện hơn trên thực tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ĐĂNG ký hộ KINH DOANH THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM từ THỰC TIỄN QUẬN HOÀNG MAI, THÀNH PHỐ hà nội (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)