Đặc điểm của pháp luật về thu bảo hiểm xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về thu bảo hiểm xã hội và thực tiễn áp dụng tại thị xã quảng yên tỉnh quảng ninh (Trang 26 - 31)

1.2. Khái niệm, đặc điểm và nội dung của pháp luật về thu bảo hiểm xã hội

1.2.2. Đặc điểm của pháp luật về thu bảo hiểm xã hội

Pháp luật về thu BHXH ngoài những đặc điểm chung của pháp luật như: Pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị; Pháp luật do điều kiện sinh hoạt vật chất (tức là kinh tế) quyết định (Nguyễn Văn Mạnh, 2010, tr. 106);pháp luật có tính cưỡng chếchung (Nguyễn Thị Mơ, 2005, tr. 14), còn có những đặc điểm riêng sau đây:

1.2.2.1. Đặc điểm về chủ thể

Chủ thể của pháp luật về thu BHXH được chia thành hai loại chủ yếu là chủ thể về nghĩa vụ và chủ thể về quyền trong việc thu BHXH

- Chủ thể về nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật về thu BHXH là các tổ chức cá nhân phải đóng (nộp BHXH). Vì phạm vi nghiên cứu của Luận văn là thu BHXH bắt buộc, do đó chủ thể phải đóng BHXH bắt buộc là các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ BHXH. Các chủ thể này bao gồm người lao động, người sử dụng lao động (thường là các tổ chức như doanh nghiệp hoặc cơ quan tuyển dụng người lao động) và Nhà nước.

+ Đối với cá nhân, theo quy định của Luật BHXH 2014, cá nhân có nghĩa vụ đóng BHXH là người lao động1. Người lao động phải đóng BHXH bắt buộc theo mức tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động (khoản 2 Điều 5 Luật BHXH 2014).

+ Đối với tổ chức, tổ chức là chủ thể nghĩa vụ phải đóng BHXH bắt buộc là người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc. Họ chính là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, và các tổ chức xã hội khác hoặc cơ quan tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Họ cũng bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác... có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH 2014).

- Chủ thể về quyền trong quan hệ pháp luật về thu BHXH là Nhà nước. Nhà nước thông qua hệ thống các cơ quan BHXH từ trung ương đến địa phương được quyền thu BHXH từ cá nhân, tổ chức phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật. Điều 33 Khoản 3 Luật BHXH 2014 ghi nhận quyền thu BHXH của cơ quan BHXH như sau “Cơ quan BHXH thực hiện thu, chi BHXH...theo quy định của pháp luật“. Điều này cũng có nghĩa là các cơ quan BHXH được quyền thu BHXH theo quy định của pháp luật.

Điều 93 Luật BHXH 2014 quy định rõ rằng cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH...; thanh tra việc đóng BHXH... theo quy định của Luật này (Khoản 1 Điều 93).

Với vai trò là chủ thể quyền trong quan hệ thu BHXH, cơ quan BHXH được thành lập thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm thực hiện quyền của Nhà nước (Chính Phủ) trong việc thu BHXH. Để thực hiện chức năng thu BHXH, Chính phủ thông qua hội đồng quản lý BHXH, thống nhất hoạt động thu BHXH trong phạm vi cả nước (Xem Hình 1.1).

1. Người lao động phải đóng BHXH là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2014.

CHÍNH PHỦ Hội đồng quản lý BHXH BHXHVN Bộ LĐTB& XH BHXH Tỉnh Quảng Ninh Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh BHXH thị xã Quảng Yên Phòng LĐTB&XH thị xã Quảng Yên

Hình 1.1: Hệ thống cơ quan từ TW đến thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh

(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp trên cơ sổ nghiên cứu quy định tại các Điều 93, 94, 95 Luật BHXH 2014)

Nhìn từ các cơ quan bên trái của Hình 1.1 có thể thấy cơ quan BHXH là cơ quan Nhà nước. Nhà nước thông qua cơ quan hành pháp là Chính phủ thành lập các cơ quan BHXH tại Việt Nam, từ BHXH Việt Nam đến cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có BHXH tỉnh Quảng Ninh) cho đến các cấp quận, huyện và thị xã (ví dụ BHXH Thị xã Quảng Yên). Các cơ quan BHXH này chính là chủ thể quyền: có quyền thu BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014.

Các cơ quan bên phải tại Hình 1.1 (như Bộ LĐTB&XH; sở; phòng LĐTB&XH) không phải là chủ thể thu BHXH mà chỉ là cơ quan tham gia quản lý hỗ trợ việc thu BHXH và đây chính là đặc điểm về chủ thể quyền của Pháp luật về thu BHXH.

1.2.2.2. Đặc điểm về nguồn luật

Nguồn luật của pháp luật về thu BHXH bao gồm hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh liên quan đến thu BHXH. Nhìn một cách tổng thể, các quy phạm pháp luật điều chỉnh thu BHXH được quy định trong các văn bản có liên quan như Hiến pháp, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể, tại Việt Nam, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản quy định về BHXH nói chung và thu BHXH nói riêng. Tại thời điểm hiện nay, dựa trên quy định tại Điều 38 Hiến pháp, 2013, theo đó “mọi người có quyền bảo vệ chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có quyền thực hiện các quy định về pháp luật khám, chữa bệnh”. Luật BHXH2014 đã quy định về chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại điện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH, đặc biệt là quy định về thu BHXH. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động số năm 2013 có quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng LĐ trong quan hệ về lao động; Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài ra còn có các văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 21/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/03/2016 quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH; Nghị định số 72/2018/NĐ–CP quy định về mức lương cơ sỏ đối với cán bộ, công chức, viên chức, và lực lượng vũ trang; Nghị định số 115/2015/ NĐ–CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động; Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; Thông tư 59/2015/TT–BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành …

Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trên đây tạo thành nguồn luật của pháp luật về thu BHXH. Vì vậy các vấn đề về thu BHXH, trong đó có cả việc thu BHXH tại thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh cũng phải tuân thủ các quy định có liên quan trong các văn bản trên đây.

1.2.2.3. Đặc điểm về chế tài xử lý vi phạm

Pháp luật ở nước ta quy định về các biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thu BHXH, các hình thức được áp dụng trước khi luật BHXH năm 2014 đó là phạt tiền. Tuy nhiên từ khi luật BHXH 2014 ra đời thì hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu cả trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 216quy định về chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN phải chịu các chế tài sau:

-Chế tài phạt hành chính và hình sự: Chế tài này được áp dụng đối với cá nhân: Bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Đối với pháp nhân thương mại: Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Luật này cũng quy định rất cụ thể là các chế tài trên sẽ được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thu BHXH như sau:

- Trốn đóng BHXH bắt buộc từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng - Trốn đóng BHXH cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Luật cũng quy định về chế tài hành chính và hình sự được áp dụng khi cá nhân và pháp nhân vi phạm với mức:

- Cá nhân: Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm

- Pháp nhân thương mại: Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

2 loại chế tài này được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: - Phạm tội 02 lần trở lên;

- Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; - Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ với mức trốn đóng từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Luật cũng gia tăng chế tài hành chính và hình sự đối với cá nhân và pháp nhân khi có hành vi vi phạm ở mức độ nặng. Cụ thể:

- Cá nhân: Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Pháp nhân thương mại: Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.

Các chế tài này được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: - Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên;

- Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động với mức trốn đóng từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc trốn đóng cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.

Ngoài ra, Luật BHXH 2014 cũng quy định chế tài hành chính bổ sung: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Tóm lại khi vi phạm luật BHXH liên quan đến thu BHXH các chế tài được áp dụng là 2 loại: chế tài vi phạm hành chính và chế tài hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về thu bảo hiểm xã hội và thực tiễn áp dụng tại thị xã quảng yên tỉnh quảng ninh (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)