1.3.3. Pháp luật về thu bảo hiểm xã hội ở Đức và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam Việt Nam
Hệ thống Luật ASXH của Cộng hòa Liên bang Đức được coi là hệ thống pháp luật đặt nền móng đầu tiên cho nền ASXH thế giới (Mạc Tiến Anh, năm 2005). Luật ASXH của Đức rất phong phú, được chia ra thành nhiều nhiều đạo luật như: Luật Bảo hiểm hưu trí năm 2002, Luật Thai sản năm 1924, Luật Ốm đau năm 1988, Luật Chăm sóc sức khỏe năm 1994, Luật Bảo hiểm tai nạn năm 1996, Luật khuyến khích lao động năm 1997 và Luật Trợ cấp thất nghiệp cơ bản năm 2010. Phần lớn các đạo luật trên đều được áp dụng cho đại đa số người dân, được liệt kê bao gồm: Người lao động đang làm việc; người lao động học nghề và nhóm lao động tự do. Người sử dụng lao động và các ông chủ đầu tư cũng có trách nhiệm tham gia đóng góp các loại hình bảo hiểm cho người làm công của mình. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đứng ra tài trợ đối với một số trợ cấp không được đóng góp hoặc đóng góp ít. Mức đóng góp vào các loại quỹ bảo hiểm được quy định riêng rẽ theo từng đạo luật và có sự quy định chi tiết đối với từng nhóm đối tượng.
Hiện nay, Đức nằm trong nhóm những quốc gia có chất lượng ASXH tốt nhất thế giới. Hệ thống BHXH của Đức hiện nay bao gồm năm lĩnh vực, được gọi là “Năm trụ cột của bảo hiểm xã hội” (ICOEURO, 2018).Đơn vị chủ quản của
BHXH không phải là cơ quan nhà nước, mà là tổ chức công cộng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm giảm tải gánh nặng cho Nhà nước, đồng thời tạo ra sự công khai minh bạch và chủ động trong chế độ ASXH nói chung và thu BHXH nói riêng.
Các quy định này của Đức là kinh nghiệm tốt để Việt Nam tham khảo và áp dụng.Là một quốc gia có lịch sử lâu đời về chế độ ASXH, Đức đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm thông qua hàng trăm năm lịch sử phát triển của chế độ an sinh xã hội tại đây. Việc chia mức đóng và tỷ lệ đóng theo nhóm đối tượng và theo từng mức thu nhập khác nhau tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho người tham gia BHXH cũng như chủ sử dụng lao động, từ đó tạo ra sự tự giác tham gia đóng nộp của các bên tham gia BHXH. Ở Việt Nam, việc thu BHXH đang trở nên ngày càng khó khăn do tỷ lệ đóng ngày càng tăng cao đồng loạt với tất cả các đối tượng, phương thức đóng còn nhiều cứng nhắc dẫn đến việc thu BHXH khó, do vậy Nhà nước ta cần có cơ chế đổi mới kịp thời linh hoạt nhằm thúc đẩy việc tham gia BHXH và tình trạng thu BHXH không còn nan giải như hiện nay.Kinh nghiệm của Đức là BHXH không thuộc Nhà nước mà là thuộc một tổ chức công cộng, tổ chức xã hội.
Kết luận chương 1
Chương 1 của luận văn đã nghiên cứu cơ sở lý luận về thu BHXH bắt buộc. Có thể khẳng định rằng thu BHXH bắt buộc đó chính là sự tạo lập một nguồn quỹ để trợ cấp cho những người tham gia khi chẳng may xảy ra rủi ro trong lao động hay khi về già không còn khả năng lao động. Luận văn đã phân tích khung pháp luật về thu BHXH bắt buộc. Khung pháp luật làm cơ sở cho nghiên cứu ở các chương sau. Các yếu tố ảnh hưởng đến thu BHXH bắt buộc bao gồm yếu tố pháp luật, kinh tế và thực thi. Sự phù hợp pháp luật với thực tiễn về chế độ tiền lương, phương thức quản lý, ý thức thực hiện của các chủ thể là vấn đề cần nghiên cứu trên cơ sở tham khảo từ thực tiễn, tham khảo quy định tiến bộ một số nước tương đồng để xây dựng chính sách BHXH trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI TẠI BẢO HIỂM XÃ HỘI THỊ XÃ QUẢNG YÊN TỈNH QUẢNG NINH