Thứ nhất, trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật hiện
hành của Việt Nam, so sánh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Liên bang Nga, có thể thấy các hành vi như bán hàng đa cấp bất chính hay phân biệt đối xử của hiệp hội về bản chất những quy định này không thực sự đáp ứng các dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và có thể được xem xét bỏ các hành vi này khi tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Cạnh tranh.
Thứ hai, chế định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh vừa là công cụ
bổ sung vừa là công cụ độc lập nhằm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại có quyền lựa chọn phương thức khôi phục theo quy định của pháp luật về bảo vệ cạnh tranh hoặc theo quy định của các văn bản pháp luật trong từng
lĩnh vực chuyên ngành cụ thể nếu hành vi xâm phạm được điều chỉnh trong cả loại hình pháp luật này. Cũng như ở Liên bang Nga, hiện tại, trong pháp luật Việt Nam về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang có sự giao thoa giữa quy định liên quan trong pháp Luật Cạnh tranh và pháp luật khác như pháp luật về giá, pháp luật về quảng cáo, pháp luật về sở hữu trí tuệ. Có thể thấy trên thực tế, các chủ thể kinh doanh rất khó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo các văn bản pháp luật chuyên ngành, vì pháp luật trong từng lĩnh vực kinh doanh chưa quy định về hành vi này nên chủ thể bị xâm hại thường có thể sử dụng quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo pháp Luật Cạnh tranh. Vấn đề cần giải quyết là có thể bổ sung vào pháp Luật Cạnh tranh các quy định về hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp mang tính cạnh tranh vào nhóm hành vi vi phạm chỉ dẫn gây nhầm lẫn; làm rõ các dấu hiệu nhận dạng đối với biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh. Việc đưa ra một nguyên tắc chung, rõ ràng về cách áp dụng pháp luật như kinh nghiệm của Liên bang Nga quy định về hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo hợp nhất hóa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong một văn bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc áp dụng, điều chỉnh trongthực tiễn.
Ngoài ra, có thể quy định cụ thể các yếu tố nhận dạng của hành vi gièm pha doanh nghiệp khác để từ đó có cơ sở phân định rõ ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận, tự do phê bình với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác và có thể bổ sung quy định về bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm cạnh tranh không lành mạnh vào nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo pháp Luật Cạnh tranh.
Thứ ba, trong tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh, mặc dù Luật Cạnh tranh
năm 2004 đã xây dựng về cơ bản cơ chế và hệ thống cơ quan thực thi nhưng việc tổ chức và vận hành chúng trong thực tiễn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, cơ chế phân chia thẩm quyền giữa Hội đồng cạnh tranh và Cơ quan quản lý cạnh tranh còn nhiều điểm bất hợp lý. Trong một vụ việc về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, cơ quan có thẩm quyền xử lý là Hội đồng cạnh tranh song gần như tất cả các hoạt động tố tụng đều do Cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành. Theo Điều 3
Nghị định 05/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006, Hội đồng cạnh tranh có thẩm quyền tổ chức xử lý vụviệc cạnh tranh, ra quyết định xử lý vụ việc, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Như vậy, dù là cơ quan có thẩm quyền cao nhất nhưng kết quả xử lý vụ việc của Hội đồng cạnh tranh gần như lệ thuộc vào kết quả hoạt động tố tụng trước đó của cơ quan quản lý cạnh tranh. Rõ ràng cách thiết kế phân quyền theo quy định hiện hành đảm bảo sự chuyên môn hoá cao độnhưng có thể làm mờ nhạt vai trò của Hội đồng cạnh tranh là cơ quan xử lý vụ việc ( Phạm Trí Hùng (2012), Pháp luật cạnh tranh Liên bang Nga và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Đề tài NCKH cấp trường, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh ).
Từ các phân tích về quy định của pháp Luật Cạnh tranh Liên bang Nga về cơ quan quản lý cạnh tranh nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
- Lĩnh vực quản lý cạnh tranh rất rộng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế của một quốc gia: từ sản xuất cho đến cung cấp các dịch vụ, tài chính,… Việc tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh cần tính hết đặc thù của các lĩnh vực để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của cơ quan này, nhất là tránh việc thay đổi cơ cấu, tổ chức nhiều lần làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Đồng thời, cơ quan quản lý cạnh tranh không nhất thiết phải quản lý trực tiếp mọi hoạt động cạnh tranh trong nền kinh tế.
- Cần xem xét thấu đáo các lĩnh vực đặc thù mà sự độc quyền ở đó có tính tự nhiên, mặc dù bản chất thực của vấn đề chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định nhưng nếu thận trọng nghiên cứu để thực hiện việc quản lý cạnh tranh cho phù hợp thì hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh sẽ được nâng cao hơn bao giờ hết.
- Cạnh tranh và độc quyền là vấn đề mang tính liên ngành, có quan hệ với hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Việc thực hiện quản lý lĩnh vực này ở một Bộ sẽ có nhiều điểm hạn chế. Chính vì vậy, cần tính đến khả năng xây
dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh có quyền hạn cao, đủ để thực hiện chức năng của mình, ví dụ như thiết lập cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Chính phủ.
- Hoạt động quản lý cạnh tranh đòi hỏi sự quản lý thống nhất từ trung ương đến cơ sở để có sự hoạt động chặt chẽ, tránh sự tác động thái quá từ phía các cơ quan quản lý chung ở địa phương. Để đảm bảo điều này, có thể trao quyền tối đa cho người đứng đầu cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc được bổ nhiệm cấp trưởng và cấp phó của cơ quan quản lý cạnh tranh ở địa phương.
- Cần có sự nghiên cứu sâu sắc và toàn diện các thị trường ở Việt Nam, xác định các thị trường có tính ưu tiên nhằm xây dựng bộ máy hoạt động và các hướng hoạt động ưu tiên nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.
- Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng của mình, cơ quan quản lý cạnh tranh phải đặc biệt chú trọng nghiên cứu các vấn đề phát sinh từ hoạt động cạnh tranh, nhất là khả năng thành lập các đơn vị nghiên cứu trực thuộc, ví dụ như Ủy ban phân tích các thị trường hàng hóa hoạt động trên cơ sở thường xuyên của Cơ quan quản lý cạnh tranh Liên bang Nga.
- Hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh cần được tổ chức sao cho có đủ năng lực đấu tranh được với các hoạt động can thiệp có thể có của các cơ quan quyền lực Nhà nước làm hạn chế hoặc loại bỏ cạnh tranh lành mạnh, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.