Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là tất yếu, là động lực phát triển của thị trường và đã có một thời kỳ nguyên tắc tự do cạnh tranh được tôn trọng tuyệt đối nên nhà nước không can thiệp vào hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Điều này lý giải vì sao cạnh tranh xuất hiện cùng với sự ra đời của nền kinh tế thị trường nhưng pháp luật để điều tiết cạnh tranh đã xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và xu hướng hội nhập toàn cầu, hành vi cạnh tranh dần bị biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, tác động xấu đến môi trường kinh doanh; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Do vậy, đòi hỏi cần phải có sự can thiệp và điều tiết của nhà nước đối với môi trường cạnh tranh và các hành vi cạnh tranh trên thị trường. Đó chính là lý do có sự xuất hiện của pháp luật cạnh tranh với tư cách là công cụ chủ yếu và hữu hiệu của Nhà nước, trước mắt quản lý các hành vi cạnh tranh, mà mở rộng ra là điều tiết sự phát triển của nền kinh tế. (Nhà pháp luật Việt-Pháp và Cục quản lí cạnh tranh, tài liệu hội
thảo: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Từ hai góc nhìn Á – Âu”, Hà Nội, ngày 27 – 28/9/2010).
Cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện và bảo đảm cho cạnh tranh tồn tại là các quy định về tự do kinh doanh và quyền được tồn tại bình đẳng của các doanh nghiệp. Chỉ khi nào được tự do gia nhập thị trường, tự do giao kết và bảo đảm quyền sở hữu thì lúc đó các chủ thể tham gia thị trường mới có đủ năng lực để quyết định phương thức kinh doanh. Và chỉ khi đó, cạnh tranh mới có đất để tồn tại và phát huy tác dụng. Với tư cách là lĩnh vực pháp luật đặc thù của nền kinh tế thị trường, pháp luật cạnh tranh bảo vệ cạnh tranh bằng cách chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và loại bỏ mọi hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
Pháp luật cạnh tranh bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường, đồng thời bao gồm cả các quy định đảm bảo thực thi luật cạnh tranh trên thực tế. Đó là các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước thi hành luật cạnh tranh; trình tự thủ tục xử lý vụ việc cạnh tranh; các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển và có hệ thống pháp luật phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… thì nguồn của pháp luật cạnh tranh còn bao gồm cả thực tiễn xét xử của Tòa án, của các cơ quan cạnh tranh và các báo cáo, luận chứng trong quá trình xây dựng pháp luật, các lý thuyết trong lĩnh vực cạnh tranh được công nhận rộng rãi (Nguyễn Thị Vân Anh, Giáo trình luật cạnh tranh (2016), Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội).
Theo nghĩa kinh điển, pháp luật cạnh tranh chỉ bao hàm các quy định ngăn cấm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Sở dĩ như vậy là vì trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản tự do, con người chưa biết đến hiện tượng độc quyền và những tác hại của nó. ( Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật (2001), Cạnh tranh và xây dựng pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội). Đến cuối thế kỷ XIX, pháp luật cạnh tranh đã được mở rộng và có những thay đổi rất cơ bản về nội dung cũng như phương pháp điều chỉnh. Đặc biệt, sự ra đời của luật Batman năm 1890 đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của pháp luật
cạnh tranh. Theo đó, nội dung của pháp luật được mở rộng hơn, nhà nước đã thực sự nhận thức và giành quyền quản lý thị trường, điều tiết cạnh tranh không chỉ bằng cách loại bỏ các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh mà còn tạo ra các thiết chế pháp lý ngăn chặn và loại bỏ các rào cản nhân tạo cũng như tự nhiên để bảo vệ cho thị trường cạnh tranh.
Mặc dù cách làm luật và kỹ thuật điều chỉnh có khác nhau qua các thời kì nhưng nhận thức về khái niệm pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh về cơ bản là thống nhất. Theo đó, có thể định nghĩa pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hệ thống các quy tắc xử sự, những nguyên tắc pháp luật do nhà nước ban hành, nhằm đảm bảo quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ lợi ích của mọi chủ thể sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ tham gia cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của toàn xã hội. Mục đích của pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh là bảo đảm và lợi ích hợp pháp cho chủ thể kinh doanh, người tiêu dùng mà cao hơn là nhằm răn đe, ngăn cấm mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ xâm hại và làm vẩn đục môi trường cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế.