Thành tựu và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh bà rịa – vũng tàu (Trang 71 - 75)

2.3.1.1. Thành tựu

Tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, du lịch tỉnh BR-VT đã có những bước tiến mạnh mẽ trong giai đoạn 2013 – 2018, đạt được nhiều thành tựu và đang phấn đấu để trở thành trung tâm du lịch tầm châu lục.

Thứ nhất, về kinh tế, trong giai đoạn 2013 – 2018, mặc dù chịu ảnh hưởng từ biến động của nền kinh tế thế giới nhưng số lượt khách du lịch quốc tế đến BR-VT tăng trưởng bình quân 9% mỗi năm. Theo số liệu mới nhất của Sở Du lịch tỉnh BR- VT, năm 2018, số lượt khách quốc tế lưu trú là 425.000 lượt, tăng 17,08% so với năm 2017. Bên cạnh đó, doanh thu từ du lịch quốc tế đóng góp quan trọng vào sự chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hơn thế nữa, ngành du lịch tỉnh BR-VT đã thu hút được hàng trăm dự án trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, phát triển vào các KDL lớn, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế của BR-VT (phong cảnh, văn hóa, lịch sử, con người). Tính đến hết năm 2018, BR-VT thu hút được 153 dự án du lịch với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 48.197 tỉ đồng và 742,5 triệu USD. Trong đó, 51 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với các sản phẩm đa dạng, đặc thù, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như The Imperial, Sixsense Resort, The Grand – Hồ Tràm Strip,Vietsovpetro Resort, Carmelina Beach Resort, Lan Rừng Phước Hải Resort, Oceanami Villas & Beach Club, Pullman,....

Thứ hai, để khai thác tối đa tiềm năng của tài nguyên du lịch tự nhiên (bãi tắm, núi rừng, nguồn nước khoáng tự nhiên) và tài nguyên du lịch văn hóa (hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian gắn với phong tục tập quán của cư

dân miền biển), Sở Du lịch tỉnh BR-VT đã phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch, các công ty lữ hành đánh giá lại thực trạng sản phẩm du lịch của từng huyện, thành phố. Từ đó, cùng nghiên cứu, xây dựng, đa dạng hóa các loại hình du lịch đặc trưng cho tỉnh. Các sản phẩm du lịch của BR-VT đã dần tạo được sự khác biệt, có sức cạnh tranh cao so với các sản phẩm du lịch ở các địa phương biển đảo khác (Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên,...) như bãi tắm đẹp hoang sơ, du lịch sinh thái Côn Đảo, suối nước nóng Bình Châu, đua chó ở sân vận động Lam Sơn,... Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư tổ chức các lễ hội truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông, Lệ Cô, Lễ Miếu Bà,... cũng như các sự kiện văn hóa hiện đại như Festival Biển, Festival Diều quốc tế, Lễ hội âm nhạc EDM, các cuộc thi quốc gia,... Các sản phẩm du lịch kể trên đã tạo ấn tượng và thu hút sự quan tâm của khách du lịch quốc tế.

Thứ ba, về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy được tỉnh huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân để đầu tư, nâng cấp. Cảng biển chuyên dụng đón tàu du lịch đang được nghiên cứu xây dựng, nhằm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến BR-VT. Đồng thời, các tuyến bay Vũng Tàu – Côn Đảo, TP.HCM – Côn Đảo đang được nghiên cứu tăng tần suất hoạt động. Về cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ du lịch, hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn tỉnh BR-VT được đầu tư xây dựng bài bản, đạt tiêu chuẩn, sạch sẽ, tạo sự thuận tiện cho người dân địa phương và du khách. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến 2018, Sở Du lịch tỉnh BR-VT thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng và thẩm định phân loại sao cho các cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống và vui chơi giải trí. Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 khách sạn 5 sao với 1463 phòng (The Imperial, Sixsense Côn Đảo, Hồ Tràm Strip, Pullman), 16 khách sạn 4 sao với 2.100 phòng và 5 biệt thự, căn hộ cao cấp.

Thứ tư, về xã hội, ngành du lịch BR-VT đã tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho người dân địa phương với mức thu nhập ổn định; góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp cho lao động địa phương. Theo Sở Du lịch tỉnh BR-VT, lực lượng lao động trong ngành du lịch tỉnh năm 2018 là 9.363 lao động. Đồng thời, với mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, du lịch BR-VT tạo động lực cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh nâng cao nghiệp vụ, hoàn thiện khả năng ngoại ngữ, kỹ năng chuyên nghiệp để làm hài lòng du khách quốc tế. Theo điều tra

về trình độ lao động nghiệp vụ và ngoại ngữ năm 2018, tỉ lệ lao động có nghiệp vụ chiếm 57,4% và có trình độ ngoại ngữ chiếm 35,2%. Mặt khác, số lượng khách du lịch quốc tế đến BR-VT tăng lên cũng mở ra nhiều cơ hội giao lưu văn hóa, học hỏi lẫn nhau giữa khách du lịch quốc tế và người dân địa phương.

Thứ năm, Sở Du lịch BR-VT và các đơn vị kinh doanh du lịch tích cực thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vào các thị trường tiềm năng như Đông Âu, Đông Á, Bắc Mỹ, ASEAN, Úc thông qua Ngày hội Du lịch BR-VT, các hội thảo xúc tiến thị trường du lịch trong giai đoạn 2013 – 2018. Đồng thời, ở trong nước thì xây dựng các tour du lịch liên kết giữa BR-VT với TP.HCM, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cần Thơ nhằm tận dụng lượng khách du lịch quốc tế trong vùng, khai thác tối đa đặc trưng du lịch của từng địa phương. Ngoài ra, Sở Du lịch tỉnh BR-VT còn phối hợp với VNPT để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch BR-VT đến du khách. Các bài viết quảng bá du lịch BR- VT được cập nhật liên tục trên website du lịch của tỉnh, trên báo chí, mạng xã hội và Internet. Những hoạt động trên giúp BR-VT trở thành trung tâm du lịch hiện đại, thông minh theo đúng xu hướng của du lịch quốc tế.

Thứ sáu, về môi trường du lịch và an ninh trật tự, tình trạng rác thải và ô nhiễm môi trường tại các bãi biển, nơi công cộng và KDL được cải thiện rõ rệt, đem lại hình ảnh đẹp và tạo thiện cảm cho du khách. Môi trường du lịch được chính quyền các huyện, thành phố tổ chức đợt ra quân xử lý: cấm xả rác, quản lý vệ sinh bãi tắm, cấm buôn bán hàng trong, chèo kéo khách, cấm ăn uống trên bãi biển và khu vực công cộng. Hơn thế nữa, các đội công an cơ động ở các điểm du lịch được thành lập để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch khi đến tỉnh. Bằng những giải pháp tích cực và quyết liệt, du lịch BR-VT dần xây dựng được hình ảnh trung tâm du lịch thân thiện, an toàn, lấy lại được uy tín và nâng cao đẳng cấp.

2.3.1.2. Nguyên nhân

Thứ nhất, với vị trí địa lý đắc địa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, BR-VT có tiềm năng phát triển kinh tế và thu hút đầu tư rất lớn. Là cửa ngõ thông ra biển của vùng Đông Nam Bộ, BR-VT có hệ thống giao thông đường biển,

đường bộ rất thuận lợi. Bên cạnh đó, BR-VT nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, không có mùa đông và được thiên nhiên ưu ái ban tặng các bãi biển đẹp trải dài hơn 300 km, địa hình đầy đủ núi – rừng, biển – đảo, hệ thống suối khoáng nóng, rừng ngập mặn sinh thái, vườn quốc gia,... cùng với các giá trị tài nguyên du lịch nhân văn như di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống. BR-VT có đầy đủ nền tảng để phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch độc đáo như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch khám phá, du lịch văn hóa...

Thứ hai, thương hiệu du lịch BR-VT đã được biết đến trong và ngoài nước khoảng 200 năm qua. Bởi thế, lãnh đạo tỉnh, Sở Du lịch tỉnh BR-VT và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lí, khai thác tiềm năng du lịch xúc tiến, quảng bá hỉnh ảnh du lịch. Hơn thế nữa, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh các cấp ngành đã ra sức phấn đấu xây dựng môi trường du lịch văn minh, lành mạnh với mục tiêu đưa BR-VT trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực.

Thứ ba, ngành du lịch tỉnh BR-VT được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chính quyền, Sở Du lịch và các cơ quan hữu quan tỉnh BR-VT xây dựng và hỗ trợ triển khai các chính sách phát triển du lịch tỉnh như

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Bộ tiêu chí về cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh BR-VT; Quy chế quản lý điểm đến du lịch, Kế hoạch lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch, Đề án phát triển thị trường du lịch của tỉnh,.. Đặc biệt, Sở Du lịch tỉnh BR-VT được tái thành lập vào năm 2017 để tập trung xây dựng hình ảnh du lịch BR-VT xanh – sạch – đẹp – thân thiện – văn minh với kết cấu hạ tầng du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được nâng cao.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Sở Du lịch tỉnh BR-VT, cơ quan hữu quan các cấp, ban quản lý các KDL và lực lượng lao động trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực, nâng cao nhận thức, kiến thức và trách nhiệm về chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch tỉnh nhà.

Thứ năm, tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn BR-VT được duy trì ổn định, đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Điều này giúp khắc phục tâm lý lo ngại, tạo ra sự an tâm cho du khách khi đến BR-VT tham quan, du lịch nghỉ dưỡng và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh bà rịa – vũng tàu (Trang 71 - 75)