Giải pháp về tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh bà rịa – vũng tàu (Trang 88 - 90)

Cơ sở đề xuất: Từ thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế, có thể thấy BR- VT đang sở hữu tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn hóa) vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tài nguyên du lịch chưa được đánh giá đúng mức: nhiều bãi biển tuyệt đẹp bị ô nhiễm vì nạn xả thải, xả rác; cảnh quan thiên nhiên bị tổn hại do tác động của con người. Tài nguyên du lịch văn hóa phong phú nhưng chưa được khai thác triệt để, chủ yếu dựa vào tài nguyên du lịch thiên nhiên như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao... Một số di tích lịch sử, làng nghề và văn hóa đặc sắc của người dân địa phương không được đầu tư, định hướng nên dần bị mai một. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa gặp khó khăn vì sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng và tác động của con người.

Mục tiêu: Các doanh nghiệp trong ngành du lịch tỉnh BR-VT khai thác đi đôi

với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, quan tâm hơn đến môi trường. Các tài nguyên du lịch văn hóa mang nét đặc trưng của từng làng nghề, từng địa phương được các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch chú trọng phát triển thành các sản phẩm du lịch độc đáo. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm tăng chi tiêu, kéo dài ngày lưu trú của du khách quốc tế khi đến tỉnh BR-VT.

Đối với tài nguyên du lịch tự nhiên

Nhân viên, hướng dẫn viên du lịch của các công ty nhắc nhở du khách về ý thức bảo vệ môi trường khi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh BR-VT; không tổ chức ăn uống, hát hò, xả rác tại các bãi biển, công viên và nơi công cộng theo quy định của chính quyền địa phương.

Các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, Sở Du lịch tổ chức hoặc tài trợ tài chính, hiện vật cho các cuộc thi tìm hiểu môi trường, lễ phát động đạp xe hưởng ứng chiến dịch “Xây dựng TP.Vũng Tàu xanh – sạch – đẹp, văn minh, thân thiện, ấn tượng” để tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng (người dân và du khách) về tác hại của ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ biển đảo; không xả rác, chất thải bừa bãi ra biển; không bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất cảnh quan...

Các công ty du lịch khai thác hiệu quả các bãi tắm, các khu vực vui chơi thể thao trên biển, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Duy trì và mở rộng các hoạt động thể thao trên bờ như bóng đá bãi biển, bóng chuyền... Phát triển các loại hình thể thao mới mẻ như lướt ván, đua thuyền buồm, dù lượn, lái cano,...

Trang bị thùng rác ở cơ sở kinh doanh, hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương để trang bị thùng rác công cộng, các băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đối với tài nguyên du lịch văn hóa

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù và khai thác các điểm du lịch mới như KDL Hồ Mây, Bến thuyền Marina, Bảo tàng vũ khí cổ,... Bên cạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, cần phát huy thế mạnh của du lịch tham quan di tích kết hợp văn hóa dựa trên các di tích lịch sử cấp quốc gia như Nhà tù Côn Đảo, Khu căn cứ Minh Đạm, Nhà tưởng niệm Võ Thị Sáu,... và các danh thắng nổi tiếng như Tượng chúa Kito Vua, Bạch Dinh, Thích Ca Phật Đài, Đình Thần Thắng Tam,...Về du lịch sinh thái, cần tận dụng lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên hoang dã của 2 vườn quốc gia Côn Đảo và Phước Bửu. Cụ thể, các công ty du lịch mở các phiên chợ quê đậm chất Nam Bộ tại các KDL sinh thái để du

khách nước ngoài được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân Việt Nam thông qua các hoạt động tát mương bắt cá, câu cá, tham quan trang trại, vườn trái cây, chèo thuyền tham quan hồ sen, đạp xe dưới nước và thưởng thức ẩm thực. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cần tạo điều kiện phát triển du lịch MICE vì đây là đối tượng khách du lịch có mức chi tiêu cao bằng cách xây dựng, nâng cấp các trung tâm hội nghị, cơ sở lưu trú với dịch vụ cao cấp.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của các doanh nghiệp giới thiệu, thuyết minh về các lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa miền biển như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Dinh Cô,... đến du khách quốc tế. Mở các tour tham quan làng nghề truyền thống, các vườn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như làng bánh tráng An Ngãi, làng bún Long Kiên, nấu rượu ở chợ Hòa Long, làng nghề Đúc Đồng, làng cá Phước Hải,... giúp du khách trải nghiệm làm bánh tráng, bún, làm muối, đúc đồng, quan sát cách nấu và uống rượu,... để duy trì và bảo tồn văn hóa địa phương.

Hỗ trợ tài chính cho ban quản lý di tích để họ tôn tạo các di tích lịch sử, cơ sở văn hóa phục vụ du lịch. Các di tích, công trình kiến trúc nổi tiếng cần được bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cơ sở đảm bảo tính nguyên gốc, giữ nguyên được hình thái kiến trúc, cấu trúc hạ tầng.

Lợi ích dự kiến: Hình ảnh du lịch tỉnh BR-VT trở nên đẹp hơn và tạo thiện cảm cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế về một BR-VT xanh, sạch, thân thiện, không còn rác thải. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch văn hóa sẽ giúp tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ, mang tính đặc trưng. BR-VT không còn là một điểm đến đơn điệu, nhàm chán với các loại hình du lịch nghèo nàn nữa. Đồng thời, những lễ hội truyền thống, làng nghề đậm nét văn hóa địa phương không bị mai một. Thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể nhờ kinh doanh các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh bà rịa – vũng tàu (Trang 88 - 90)