Xuất phát từ những hạn chế, tồn tại của nguồn nhân lực hiện tại của đơn vị, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng thủ tục HQĐT và nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ cho các DN, Chi cục cần chú trọng đến việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Nhìn chung, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn lực là rất rộng lớn. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của đề tài này, người viết chỉ xin đề xuất 3 nội dung chủ yếu trong giải pháp này như sau:
3.2.3.1. Đào tạo cán bộ công chức
- Đào tạo để phù hợp với tiêu chuẩn quy định cho từng chức danh: Đối với cán bộ lãnh đạo từ cấp đội trở lên hoặc là công chức dự nguồn phát triển cán bộ, cần phải đào tạo về lý luận chính trị, kiến thức quản lý hành chính Nhà nước, ngoại ngữ,
tin học các trình độ phù hợp cho từng chức danh, đảm bảo cho việc bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại.
- Đào tạo nghiệp vụ chuyên môn phục vụ cho công tác:
Đào tạo đại học đối với cán bộ công chức có trình độ Trung học phổ thông, Trung cấp, Cao đẳng và đào tạo Trung học phổ thông (bổ túc) đối với công chức chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đào tạo về nghiệp vụ HQ tổng hợp đối với cán bộ công chức chưa qua đào tạo nghiệp vụ HQ.
Tổ chức các lớp chuyên đề ngắn hạn như giá tính thuế, mã số hàng hóa, kiểm soát chống buôn lậu, KTSTQ, QLRR, phòng chống ma túy, thương phẩm học v.v... cho cán bộ công chức.
Khuyến khích cán bộ công chức đã có trình độ đại học, học bằng 2 các chuyên ngành mà ngành HQ cần như kế toán, tài chính, ngoại ngữ, CNTT và đào tạo sau đại học.
Khuyến khích cán bộ công chức học tập ngoại ngữ, tin học ngoài giờ.
Đào tạo chuyên gia các lĩnh vực như giá tính thuế, mã số hàng hóa, kiểm soát chống buôn lậu, KTSTQ, QLRR v.v... nhằm phục vụ cho nhu cầu hội nhập và hiện đại hóa ngành HQ.
- Ngoài nội dung kế hoạch đào tạo tổng thể trên đây, để việc thực hiện thủ tục HQĐT đạt kết quả tốt cần chú ý đào tạo cho cán bộ công chức tham gia quy trình thủ tục HQĐT các nội dung sau:
Về tin học: những kiến thức tổng quát về tin học, cách sử dụng các hệ thống chương trình đối với từng khâu công tác. Ví dụ: Đăng ký, kiểm tra xác định giá, kiểm hóa, GS, KTSTQ, QLRR.
Về nghiệp vụ chuyên môn: giá tính thuế, mã số hàng hóa, kiểm soát chống buôn lậu, KTSTQ, QLRR, ma túy, thương phẩm học, nghiệp vụ ngoại thương, vận tải bảo hiểm, thanh toán quốc tế, nghiệp vụ kế toán, kiểm toán v.v...
Về ngoại ngữ: đào tạo sử dụng ngoại ngữ Anh và tập trung vào 2 chuyên ngành chủ yếu là ngoại thương và hải quan.
- Kinh phí đào tạo các nội dung trên đây được lấy từ nguồn kinh phí đào tạo hàng năm do TCHQ cấp theo dự toán.
3.2.3.2. Sử dụng cán bộ công chức
- Sử dụng cán bộ công chức đúng, phù hợp với trình độ năng lực chuyên môn được đào tạo.
- Có chính sách tiền lương cao và những ưu đãi hợp lý đối với từng công việc chuyên môn đặc thù để thu hút chất xám, người có trình độ chuyên môn cao.
- Thay thế việc luân chuyển theo định kỳ bằng việc sử dụng chuyên sâu. Tất cả các vị trí công tác đều phải qua thi tuyển công khai, theo những tiêu chuẩn quy định bắt buộc, ai cũng có thể tham gia thi tuyển.
- Kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp cán bộ công chức sai phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và ngành (buộc thôi việc).
3.2.3.3. Tiền lương và chính sách đãi ngộ cán bộ công chức
- Để hỗ trợ cho CBCC đang công tác tại một số đơn vị bộ phận đặc thù thường xuyên tiếp xúc môi trường làm việc độc hại như lưu trữ hồ sơ, sử dụng máy vi tính, máy soi Xray; làm việc ngoài giờ; bắt vụ v.v... ngành HQ và BTC có hỗ trợ thêm một số tiền hàng tháng cho các bộ phận này (từ 150.000 đến 300.000 ngàn đồng/người; riêng bắt vụ thưởng 50.000 đồng/người, mỗi tháng thưởng không quá 2 lần). Tuy nhiên, số tiền này là quá nhỏ so với thực tế công sức CBCC HQ đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng năm
- Theo kết quả khảo sát các DN về các giải pháp để cải tiến thủ tục HQ thì có đến 34,1 % DN đề nghị thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Theo bản thân người viết, đây là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết vì nó có thể giải quyết tận gốc của vấn nạn tiêu cực, tham nhũng trong một số bộ phận CBCC. Mức lương tối thiểu đề nghị là từ 5 đến 7 triệu đồng tháng/người. Để làm được điều này, trong khi nguồn thu ngân sách hạn chế, Nhà nước cần thực hiện thí điểm tại một số đơn vị và có sự theo dõi đánh giá hiệu quả của việc cải cách tiền lương. Song song với việc tăng lương, Nhà nước cần thực hiện việc tinh giảm biên chế, sắp xếp lại các cơ quan tổ chức Nhà nước, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nguồn chi ngân sách, tránh tình trạng thất thoát nghiêm trọng như trong thời gian qua.