TMĐT đã và đang góp phần đẩy mạnh các quá trình thương mại thông thường, mở ra nhiều cơ hội về tổ chức và mô hình kinh doanh mới; đồng thời giúp phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ trong việc cạnh tranh. Lợi ích của TMĐT có thể được thể hiện ở một số điểm sau:
1.1.5.1 Lợi ích của TMĐT đối với nền kinh tế, xã hội
TMĐT ngày nay đã trở thành một hiện tượng của nền kinh tế, là bộ phận của một quá trình cải biến xã hội rộng lớn hơn trên nền tảng của toàn cầu hóa, của quá trình dịch chuyển đến nền kinh tế dựa trên cơ sở trí thức và thông tin kết hợp với công nghệ cao. Những lợi ích của TMĐT cho nền kinh tế và xã hội, phải kể đến như sau:
TMĐT tạo ra môi trường trực tuyến, thông tin liên lạc được cải thiện, từ đó mọi người có thể làm việc, giao dịch, mua sắm ngay tại nhà, giảm thiểu việc đi lại tới công sở, cửa hàng trực tiếp, giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm không khí…
b) Tạo ra mức sống cao hơn
TMĐT giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí bán hàng, đồng thời với nguồn cung đa dạng từ nhiều nhà cung cấp tạo ra áp lực giảm giá, cho phép những người thu nhập thấp mua được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, nhờ vậy nâng cao được mức sống. Bên cạnh đó, TMĐT giúp người dân ở những vùng nông thôn, thu nhập thấp được tiếp cận nhiều loại hàng hóa và dịch vụ mà chưa thể có ở nơi họ ở; đặc biệt là các loại dịch vụ mang tính giáo dục, đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản, chuyên nghiệp cho người dân.
c) Tiếp cận các dịch vụ công được dễ dàng hơn
Các dịch vụ công cộng của chính phủ như: giáo dục, y tế, chăm sóc chính phủ, các dịch vụ hành chính của chính phủ có thể được thực hiện dễ dàng thông qua Internet và TMĐT với chi phí thấp, chất lượng được cải thiện. Tại Việt Nam các dịch vụ hành chính công như: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, làm chứng minh thư, căn cước công dân…được thực hiện trực tuyến giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí cũng như thời gian đi lại.
d) Là điều kiện để tiếp cận kinh tế tri thức
Thông qua sự phát triển của Internet nói chung và TMĐT nói riêng, đây sẽ là sự kích thích cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế tri thức. Lợi ích này có ý nghĩa đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; việc nhanh chóng tiếp cận nền kinh tế tri thức giúp các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển; là động lực cho lớp trẻ thực hiện các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp; cũng như động lực cho các nhà hoạch định ban hành các chiến lược và chính sách phát triển công nghệ phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa đất nước.
1.15.2 Lợi ích của TMĐT đối với các Công ty
TMĐT mang lại những giá trị to lớn cho các doanh nghiệp, được xem là công cụ hỗ trợ thương mại truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trong thương mại toàn cầu. Một số lợi ích của TMĐT đối với các Công ty như sau:
a) Tăng trưởng doanh thu:
Với TMĐT, khách hàng của doanh nghiệp giờ đây sẽ không bị hạn chế về mặt không gian địa lý và thời gian làm việc. Doanh nghiệp giờ đây có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. Việc tự động hóa các giao dịch thông qua Internet sẽ giúp việc kinh doanh có thể thực hiện được 24/7. Vì thế, số lượng khách hàng sẽ tăng lên dẫn đến tăng doanh thu của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được yếu tố này trên thị trường cạnh tranh ngày nay, việc chất lượng và giá cả sản phẩm hay dịch vụ tốt là một trong những điều tất yếu phải có.
b) Giảm thiểu chi phí
Thông qua việc xây dựng các website bán hàng hoạt động 24/7, TMĐT giúp doanh nghiệp giảm thiểu được những chi phí lớn như: thuê văn phòng, cửa hàng, nhà kho chứa sản phẩm, các chi phí liên quan đến giấy tờ, in ấn, gửi văn bản truyền thống... Ngoài ra TMĐT là giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí bán hàng và marketing. Thông qua phương tiện Internet, giờ đây chỉ cần một số lượng ít nhân viên bán hàng là có thể giao dịch được với rất nhiều khách hàng, việc xử lý đơn hàng và quản trị đơn hàng từ đó cũng được thực hiện hiệu quả hơn theo cấu trúc đã xây dựng cho website bán hàng.
c) Các lợi ích khác:
Các lợi ích khác của TMĐT có thể kể đến như: cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp, cải thiện dịch vụ khách hàng, dễ dàng tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát hiện những điểm yếu kém, tốn nhiều chi phí như tồn kho quá mức, sự chậm trễ trong phân phối sản phẩm, từ đó giúp đơn giản hóa quá trình kinh doanh, rút ngắn thời gian xử lý thông tin thời gian giao nhận hàng hóa, tăng năng suất, loại bỏ giấy tờ, tăng tính linh hoạt trong kinh doanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng của khách hàng.
1.1.5.3 Lợi ích của TMĐT đối với người tiêu dùng/khách hàng a) Tính rộng khắp trong mua hàng:
Thông qua TMĐT, khách hàng được mua sắm và thực hiện các giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tất cả các ngày trong năm và không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý, đồng thời mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn, có thể lựa chọn từ nhiều nhà cung cấp hơn, từ máy bán hàng tự động cho đến siêu thị, lựa chọn các
loại sản phẩm khác nhau, từ hàng điện tử lâu bền đến một món quà tặng. Thông tin so sánh giữa các nhà cung cấp được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng, do đó người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm hàng hóa dịch vụ với giá cả phù hợp nhất.
b) Phân phối, giao hàng nhanh chóng:
Với việc đặt hàng thông qua TMĐT, khách hàng có thể nhận được các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhanh chóng thông qua các hãng vận tải, logistics với chi phí phù hợp. Đặc biệt đối với các sản phẩm số hóa như: phim ảnh, sách, nhạc, phần mềm ứng dụng…ngay lập tức khách hàng có thể nhận được hàng thông qua Internet.
c) Xây dựng cộng đồng người tiêu dùng:
TMĐT cho phép người tiêu dùng có thể tương tác với nhau thông qua cộng đồng điện tử, từ đó có thể chia sẻ các trải nghiệm về các hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng. Đây là một trong những nguồn thông tin tham khảo rất hữu ích để có thể đánh giá được uy tín của các nhà cung cấp, tránh mua phải hàng hóa dịch vụ của các nhà cung cấp chộp giật, lừa đảo.