Ban kiểm soát và vị trí của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế định ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp năm 2014 (Trang 26 - 28)

7. Bố cục luận văn

1.2.1 Ban kiểm soát và vị trí của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Khái niệm Ban kiểm soát không được định nghĩa trong Luật. Trong giới Luật học, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm Ban kiểm soát. Có quan điểm cho rằng, Ban kiểm soát trong công ty nói chung và trong công ty cổ phần nói riêng được hiểu là một cơ quan quản trị nội bộ trong công ty. (Nguyễn Thị Lan Hương, Về hoạt

động giám sát của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần, Tạp chí khoa học ĐHQGHN,

Luật học 27/2011, tr.246-251). Cũng có quan điểm cho rằng, Ban kiểm soát của một công ty có nhiệm vụ giống như các cơ quan tư pháp trong mô hình tam quyền phân lập nhằm giúp các cổ đông kiểm soát hoạt động quản trị và quản lý điều hành công ty.

Thực tế cho thấy, Ban kiểm soát trong công ty cổ phần ở Việt Nam được "thiết kế" là một cơ quan riêng trong cơ cấu Hội đồng quản trị nội bộ của Công ty cổ phần, cơ quan này có nhiệm vụ chuyên trách giám sát và đánh giá Hội đồng quản trị và những người quản lý điều hành nhân danh cổ đông vì lợi ích của cổ đông của Công ty cổ phần.

Cách hiểu đơn giản nhất này có thể giúp chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò của Ban Kiểm soát trong mối quan hệ với các bộ phận khác trong Công ty cổ phần như Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, nhất là trong hoạt động của Công ty cổ phần thì Ban Kiểm soát trong vai trò kiểm tra, giám sát và kiềm chế, đối trọng với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc để các hoạt động của Công ty được hoạt động minh bạch vì lợi ích của các cổ đông Công ty.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Ban Kiểm soát, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu đó là:

Thứ nhất, sự phức tạp trong quá trình quản lý công ty và quan hệ giữa các cổ đông. Thực tế cho thấy trong Công ty cổ phần thì sự phức tạp trong quá trình quản lý, đan xen giữa lợi ích của các cổ đông, người chủ sở hữu thực sự và người điều hành các hoạt động hàng ngày của Công ty, vì trên thực tế mô hình các Công ty lớn thì chủ sở hữu là các cổ đông và người quản lý công ty nhiều khi khác nhau về lợi ích, nhiều

công ty có thể thuê Giám đốc điều hành và trả lương theo một mức nhất định. Còn về phía cổ đông do có nhiều thành phần cổ đông cũng như số lượng các cổ đông của Công ty cổ phần, có những công ty cổ phần có hàng trăm cổ đông với các thành phần khác nhau như trí thức, người buôn bán, người lao động…

Thứ hai, sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp Công ty cổ phần. Sự tách bạch này để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cổ đông, cơ quan thực hiện là Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc nhiều lúc không vì lợi ích của các cổ đông nên cần có sự tách bạch, giám sát để làm rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người điều hành, trong nhiều trường hợp, người điều hành có thể không phải là chủ sở hữu và ngược lại chủ sở hữu có thể không phải là người điều hành.Khi quy mô các Công ty cổ phần nhỏ, số lượng cổ đông ít, có công ty cổ phần chỉ có 3 cổ đông thì thường không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp, mà các cổ đông thường đồng thời là người điều hành công ty, tức là Đại hội cổ đông sẽ đồng thời là thành viên của Hội đồng quản trị. Ví dụ, hiện nay ở Việt Nam có nhiều Công ty cổ phần chỉ có 3 cổ đông, 3 người này cũng là 3 thành viên Hội đồng quản trị, 1 người là Chủ tịch Hội đồng quản trị và thường kiêm luôn Giám đốc, người kia là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và còn 1 người nữa thường là cổ đông cho đủ số lượng để thành lập mô hình công ty cổ phần và thường những Công ty này mô hình hoạt động vẫn là các thành viên trong gia đình.Tuy nhiên, khi quy mô công ty lớn hơn, số lượng cổ đông nhiều hơn, có những công ty có hàng chục cổ đông, cá biệt có những Công ty cổ phần lớn trên thế giới có hàng ngàn cổ đông thì sự điều hành và quản lý công ty trở nên phức tạp và do đó, cần có một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Từ đây, người điều hành trực tiếp công ty có thể không đồng thời là chủ sở hữu công ty nữa.

Từ hai nguyên nhân trên ta thấy được vị trí của Ban kiểm soát trong mối liên hệ với các thiết chế khác như Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và các cổ đông trong công ty cổ phần:

- Trong mối liên hệ với Đại hội đồng cổ đông: Ban kiểm soát trong công ty cổ phần trực thuộc Đại hội đồng cổ đông, do Đại hội đồng cổ đông bầu ra. Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong việc thực hiện chức năng

kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.

- Trong mối quan hệ với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc: Ban kiểm soát hoạt động độc lập và bình đẳng với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Có thể nói Ban kiểm soát có vị trí đối trọng với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Trong quá trình làm việc với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát phối hợp chặt chẽ, không gây cản trở lẫn nhau. Ban kiểm soát có quyền tham dự các cuộc họp Hội đồng quản trị và Họp giao Ban để qua đó Ban kiểm soát nắm được chủ trương, định hướng phát triển, tình hình hoạt động trên mọi mặt của công ty để thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao.

- Trong mối quan hệ với các cổ đông: Ban kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông bầu ra và đại diện cho quyền lợi của cổ đông trong quá trình thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ của mình. Ban kiểm soát có trách nhiệm bảo mật thông tin, xem xét, đánh giá tính hợp lý, hợp pháp trên cơ sở tài liệu đã được kiểm tra. Ban kiểm soát có trách nhiệm báo cáo các cổ đông thông qua Đại hội đồng cổ đông một cách trung thực, chính xác về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ban kiểm soát cũng có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị của cổ đông theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của các cổ đông trong công ty cổ phần.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế định ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp năm 2014 (Trang 26 - 28)