Thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế định ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp năm 2014 (Trang 46 - 52)

7. Bố cục luận văn

2.4 Thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần

Theo quy định tại Điều 164 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên Ban kiểm soát công ty cổ phần phải thoả mãn được các điều kiện và tiêu chuẩn sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh."

- Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;

- Không được giữ các chức vụ quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

Ngoài ra, kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.

Khoản 2 Điều 163 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên Ban kiểm soát sẽ bầu một người bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn. Luật Doanh nghiệp 2014 đã áp đặt quy dịnh cứng về tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát nhằm tăng cường kinh nghiệm về chuyên môn đến hoạt động tài chính (một vấn đề quan trọng nhất của công ty), đồng thời yêu cầu Trưởng Ban kiểm soát làm việc chuyên trách tại công ty để tập trung cho công việc, góp phần đảm bảo hiệu quả công việc cao. Quy định về chất lượng Trưởng Ban kiểm soát nhằm tăng cường hơn nữa về chuyên môn của Ban kiểm soát, đảm bảo cho Ban kiểm soát thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Về cơ bản Luật Doanh nghiệp năm 2014 kế thừa các điều kiện và tiêu chuẩn về thành viên Ban kiểm soát được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp năm 2014 có điểm mới là không cấm thành viên Ban kiểm soát là người lao động của công ty nên khả năng một người lao động đồng thời là cổ đông sẽ được Đại hội đồng cổ đông bầu làm thành viên Ban kiểm soát. Trên thực tế, thành viên Ban kiểm soát được bầu từ những người được cổ đông lớn đề cử và có quan hệ thân quen với các thành viên Hội đồng quản trị bởi vậy hoạt động giám sát dễ bị chi phối bởi quan hệ quan hệ phụ thuộc sẽ có khả năng làm giảm tính khách quan trong hoạt động của Ban kiểm soát. Pháp luật cũng quy định "thành viên Ban

kiểm soát không được giữ chức vụ quản lý công ty" (Điều 164 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Quy định trên chưa hoàn toàn phù hợp bởi nếu thành viên Ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty nghĩa là thành viên Ban kiểm soát chỉ là một người lao động bình thường, một nhân viên cấp thấp trong công ty. Trong vai trò kiểm soát, họ cần độc lập với Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, còn trong vai trò người lao động, họ chịu sự quản lý của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc. Chính điều này khiến Ban kiểm soát khó độc lập kiểm soát hoạt động trong công ty cổ phần bởi sự mâu thuẫn giữa hai vai trò vừa giám sát hoạt động vừa chịu sự quản lý của những người mình giám sát khiến cho Ban kiểm soát chịu nhiều áp lực.

* Biểu quyết bầu thành viên Ban kiểm soát.

Việc bầu thành viên Ban kiểm soát theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì chỉ có cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khá nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty mới được quyền đề cử một hoặc một số người làm ứng cử viên vào Ban kiểm soát, trường hợp số ứng cử viên được đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định việc bầu thành viên Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu mà có thể chọn phương thức bầu khác. Quy định cũ theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, thành viên Ban kiểm soát được bầu theo phương thức bầu dồn phiếu, hình thức bầu dồn phiếu góp phần bảo vệ quyền lợi của nhóm cổ đông thiểu số. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc thay đổi quy định bầu dồn phiếu như sau: quan điểm thứ nhất, đồng tình với sự thay đổi của luật vì việc quy định bắt buộc bầu dồn phiếu có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng để lựa chọn phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty cổ phần; quan điểm thứ hai, không đồng tình với sự thay đổi này bởi như vậy sẽ tước bỏ một công cụ quan trọng để bảo vệ nhóm cổ đông thiểu số. Theo quan điểm cá nhân, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, cần xem xét điều chỉnh quy định

việc bầu thành viên Ban kiểm soát để góp phần bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần.

* Miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban kiểm soát.

Luật Doanh nghiệp 2005 gộp chung miễn nhiệm, bãi nhiệm vào Điều 127, có thể hiểu rằng việc miễn nhiệm và bãi nhiệm là một và dẫn đến các điều kiện kiểm soát viên bị miễn nhiệm và bãi nhiệm là một. Quy định như vậy chưa phù hợp bởi miễn nhiệm và bãi nhiệm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Miễn nhiệm là cho thôi chức vụ do không hoàn thành nhiệm vụ, do thiếu trách nhiệm, do nhu cầu của nhiệm vụ hoặc theo đề nghị của người bị miễn nhiệm vì lí do sức khoẻ hoặc lí do khác. Còn bã nhiệm là một chế tài kỷ luật buộc thôi giữ chức vụ do bầu trước khi hết nhiệm kỳ đối với người đang được giao giữ chức vụ có hành vi vi phạm pháp luật hay Điều lệ công ty. Do vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 các nhà làm luật đã tách bạch rõ hai phạm trù miễn nhiệm và bãi nhiệm thể hiện qua quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 169.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên Ban kiểm soát bị miễn nhiệm trong các trường hợp:

- Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 164 của Luật này;

- Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

- Có đơn từ chức và được chấp thuận;

- Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Cũng tại Điều 169, khoản 2 quy định các trường hợp thành viên Ban kiểm soát bị bãi nhiệm gồm:

- Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công;

- Vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần nghĩa vụ của Kiểm soát viên quy định của Luật này và Điều lệ công ty;

* Trách nhiệm của Kiểm soát viên

Quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của Kiểm sát viên theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 kế thừa các quy định Luật Doanh nghiệp năm 2005. Điều 168 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định trách nhiệm mà kiểm sát viên phải tuân thủ khi thực hiện nhiệm vụ của mình bao gồm: Tuân thủ đúng pháp luật, Điều lệ công ty, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao; Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây thiệt hại cho công ty hoặc người khác thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó. Mọi thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên có được phải hoàn trả cho công ty. Trách nhiệm vật chất của kiểm soát viên khi vi phạm nghĩa vụ của mình đã được Luật quy định rất cụ thể, tuỳ vào mức độ và sự tham gia của thành viên Ban kiểm soát trong việc gây thiệt hại cho công ty mà có sự phân hoá trách nhiệm khác nhau, đó có thể là trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm liên đới.

Trường hợp phát hiện có Kiểm soát viên vi phạm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì Hội đồng quản trị phải thông báo bằng văn bản đến Ban kiểm soát; yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

* Chế độ thù lao và lợi ích khác của Kiểm soát viên.

Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về tiền lương và quyền lợi khác của Kiểm soát viên. Theo đó, trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, thì tiền lương và quyền lợi khác của Kiểm soát viên được thực hiện theo quy định sau đây:

- Kiểm soát viên được trả tiền lương hoặc thù lao và được hưởng các quyền lợi khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông quyết định tổng mức lương, thù lao và ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát;

- Kiểm soát viên được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại, chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập với mức hợp lý. Tổng mức thù lao và chi phí này không vượt quá tổng ngân sách hoạt động hằng năm của Ban kiểm soát đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có quyết định khác;

- Tiền lương và chi phí hoạt động của Ban kiểm soát được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.

Bên cạnh những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên Ban kiểm soát thì quy định về chế độ thù lao và quyền lợi khác mà Ban kiểm soát được hưởng là điều hợp lý, chế định Ban kiểm soát trong công ty cổ phần sẽ hoàn thiện hơn.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định chế độ thù lao của Ban kiểm soát theo công việc, dựa trên số ngày làm việc, số lượng và tính chát công việc mà không quy định về hiệu quả trong công việc. Quy định như vậy gián tiếp thừa nhận hoạt động của Ban kiểm soát mang tính bán chuyên trách gây nên sự thiếu chuyên nghiệp, thành viên Ban kiểm soát chưa nâng cao trình độ chuyên môn và chưa hết lòng với công việc được giao. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã khắc phục được thiếu sót và hạn chế trên, Luật quy định thành viên Ban kiểm soát được trả lương hoặc thù lao cũng như ngân sách hoạt động của Ban kiểm soát sẽ do Đại hội đồng cổ đông quyết định mà không cần căn cứ vào những tiêu chí cụ thể như Luật Doanh nghiệp 2005.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chế định ban kiểm soát trong công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp năm 2014 (Trang 46 - 52)