mại bằng Tòa án
Khi tham gia các quan hệ kinh tế, việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Các bên trong tranh chấp đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên là thấp nhất, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng. Các phương thức giải quyết gồm có: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Trong bốn phương thức nêu trên thì giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực của nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả sức mạnh cưỡng chế. Trong quá trình giải quyết các tranh chấp, Tòa án phải tuân theo một trình tự, thủ tục tố tụng nhất định mà pháp luật đã quy định, cụ thể đó là những nguyên tắc cơ bản, trình tự, thủ tục nhất định mà pháp luật đã quy định trong việc khởi kiện; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án, thi hành bản án, quyết định của Tòa án; quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cũng như của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Trình tự, thủ tục này được quy định tại pháp luật tố tụng, được áp dụng để giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án. (Đặng Quang Phương, 2002)
Ở hầu hết các quốc gia, cùng với việc ban hành những đạo luật về nội dung, Nhà nước cũng ban hành những quy định về thủ tục tố tụng để Tòa án giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Thủ tục tố tụng Tòa án áp dụng khi giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được dựa trên nền tảng thủ tục TTDS cùng với một số quy định đặc thù cho phù hợp với hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như về hội đồng xét xử, về thời gian của các trình tự tố tụng. Do vậy, ở các quốc gia này người ta không hình thành pháp luật tố tụng riêng cho các tranh chấp trong kinh doanh thương mại mà thường chỉ có pháp luật về TTDS. Ví dụ: Ở
Pháp, Anh và Mỹ các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đều được áp dụng theo thủ tục TTDS.
Theo quy định của BLTTDS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc giải quyết các vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại bao gồm: giải quyết các tranh chấp về kinh doanh thương mại (quy định tại Điều 30) và giải quyết các yêu cầu về kinh doanh thương mại (quy định tại Điều 31).
Từ phân tích trên, có thể định nghĩa: “Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định và bản án hay quyết định của Tòa án về vụ tranh chấp có thể được nhà nước cưỡng chế thi hành nếu có yêu cầu.”
Xuất phát từ đặc trưng của hoạt động kinh doanh thương mại, khi xảy ra tranh chấp, các bên luôn muốn giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Vì thế, việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại cần đáp ứng yêu cầu: Nhanh chóng, thuận lợi, dứt điểm, không làm cản trở hoạt động kinh doanh; Duy trì các quan hệ hợp tác, sự tín nhiệm giữa các bên trong kinh doanh; Giữ bí mật kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bên trên thương trường; Giải quyết tranh chấp ít tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức.
Bản chất của việc giải quyết tranh chấp trong thương mại là đưa ra các giải pháp hoặc chế tài nhằm hóa giải tranh chấp giữa các bên. Các giải pháp và chế tài này rất đa dạng và các bên có thể thỏa thuận lựa chọn cách thực phù hợp nhất với mục đích của mình.
Khác với tranh chấp dân sự, các bên trong tranh chấp kinh doanh thương mại không phải lúc nào cũng khởi kiện với mục đích đi tìm công lý thông qua việc chứng minh bên mình đúng, bên kia sai mà đôi khi các bên trong tranh chấp với mục đích mong muốn bên kia tiếp tục thực hiện hợp đồng, bù đắp một khoản vật chất do việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện hợp đồng của bên kia gây ra. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh, thương mại cần được diễn ra liên tục, nhanh chóng
và không gián đoạn trong một khoảng thời gian nhất định. Việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng có thể gây ra hậu quả rất lớn về mặt kinh tế.
Tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh trong rất nhiều lĩnh vực, nội dung tranh chấp cũng vô cùng phức tạp, đặc biệt là trong quá trình phát triển và hội nhập như hiện nay của đất nước, đòi hỏi Tòa án phải tăng cường kỹ năng để giải quyết các tranh chấp một cách hợp lý, vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại ở Việt Nam.