dân thành phố Hạ Long trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.
3.2.5. Hoàn thiện công tác đào tạo cán bộ trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thương mại
Trong quá trình tố tụng các tranh chấp kinh doanh, thương mại nói riêng và các tranh chấp khác được giải quyết tại tòa án nói chung, luôn cần đến sự hiểu biết, công tâm của những người tham gia tiến hành giải quyết. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp là điều mà các cán bộ của Tòa án luôn quan tâm và không ngừng hướng đến để hoàn thiện bản thân. Vì vậy, trong công tác đào tạo cán bộ của Tòa kinh tế để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại; cần tuân thủ một số vấn đề sau:
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý cán bộ và kỷ luật ngành; thực hiện chặt chẽ công tác quản lý bộ máy và công tác cán bộ, công chức Tòa án trong sạch vững mạnh, có phẩm chất, đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, kỹ năng tác nghiệp được nâng cao; nhạy bén, linh hoạt, có sáng kiến cải tiến trong các lĩnh vực công tác.
Tăng cường đào tạo công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án, Hội thẩm nhân dân, nhất là tập trung đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong diện đã quy hoạch, bảo đảm đội ngũ kế thừa. Khuyến khích công chức học ngoại ngữ, tin học, để nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt, nhất là cán bộ trẻ có khả năng phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ sung quy hoạch định kỳ và quản lý quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Tòa án nhân dân Quảng Ninh. Tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển, biệt phái, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ trong ngành theo nhu cầu và đặc điểm của từng Tòa án.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với tập thể và cá nhân cán bộ, công chức trong ngành Tòa án có vi phạm, lợi dụng nghề nghiệp, chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để tham nhũng, hối lộ, tiêu cực, lãng phí, móc ngoặc để trục lợi, cũng như các biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi pham quy tắc ứng xử cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân. Kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ, công chức vi phạm Quy chế hoạt động của ngành.
Việc quản lý, sử dụng công sở, tài chính, công sản phải đúng quy định, đúng mục đích, đúng chế độ, hiệu quả, tiết kiệm và công khai, minh bạch. Thực hiện kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, công chức; có kế hoạch điều hành tiết kiệm chi trong kinh phí, thực hiện tự chủ để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, tạo động lực để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nếu thẩm phán được giao giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại nhưng do chủ quan, thiếu trách nhiệm, do trình độ nghiệp vụ yếu kém, để án bị hủy từ 1,16% trở lên hoặc để án bị sửa từ 4,2% trở lên, hoặc để án quá hạn luật định 3% trở lên phải kiểm điểm, giải trình. Thẩm phán đã phải kiểm điểm liên tiếp từ 3 năm trở lên phải tự nguyện thôi làm Thẩm phán, hoặc tự nguyện để điều động đến các huyện miền núi ít án, phù hợp với năng lực bản thân. Nếu không tự nguyện thì sẽ áp dụng biện pháp tổ chức giải quyết nghỉ theo Nghị định của Chính phủ quy định chính sách tinh giản biên chế với lý do là nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ. Tiêu chí này cũng được áp dụng với Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân hai cấp; Chánh tòa, Phó Chánh tòa các Tòa chuyên trách.
Đối với thẩm phán
Thẩm phán là một chức danh tư pháp quan trọng không thể thiếu trong tổ chức Tòa án nói riêng và trong bộ máy nhà nước nói chung. Thẩm phán giữ vị trí quan trọng trong việc xét xử - giai đoạn trung tâm của hoạt động tố tụng, vì thế số lượng, chất lượng của đội ngũ thẩm phán cũng như cách thức tổ chức, cơ chế vận hành đối với đội ngũ thẩm phán là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Pháp luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa về tính chuyên nghiệp của thẩm phán trên tất cả các lĩnh vực như: cơ chế bảo đảm, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nhiệp, kỹ năng xét xử... để có thể xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp.
Việc đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động xét xử của thẩm phán và xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng mang tính tiên quyết để nâng cao địa vị của Thẩm phán trong hoạt động tư pháp và đối với xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử.
Pháp luật đã có những quy định về quyền và nghĩa vụ cho Thẩm phán trong các văn bản như Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân, … Vì vậy, cần phải nghiên cứu xem xét điều chỉnh chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm phán trong hoạt động xét xử nhằm đảm bào cho việc ra bản án khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Địa vị và chất lượng xét xử của thẩm phán chỉ được nâng cao khi đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc xét xử của Tòa án phải dựa trên cơ sở pháp luật mới bảo đảm tính khách quan, vô tư không bị phụ thuộc bởi bất kỳ tác động khách quan hay chủ quan nào. Số lượng và chất lượng thẩm phán là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả xét xử cũng như địa vị của thẩm phán. Ngành Tòa án cần có chiến lược quy hoạch đào tạo nguồn thẩm phán. Quy hoạch thẩm phán vừa là căn cứ để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán vừa là cơ sở để tiến hành chuẩn bị nhân sự tuyển chọn bổ nhiệm thẩm phán. Đối với các Thẩm phán trước khi được bổ nhiệm mới đều phải được học lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lương đội ngũ thẩm phán. Việc quy hoạch thẩm phán phải có lộ trình cụ thể đảm bảo hài hòa giữa tỷ lệ thẩm, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử thì đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán cần được chú trọng. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người Thẩm phán phải có trách nhiệm tự hoàn thiện mình, luôn hướng tới chân, thiện, mỹ; thấu hiểu được hoàn cảnh của các đương sự, của những người liên quan trong vụ án để giải quyết. Việc tự rèn luyện để nâng cao đạo đức, nghề nghiệp của người thẩm phán phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình công tác của người thẩm phán. Xuất phát từ công việc hàng ngày, thông qua mối quan hệ xã hội, quan hệ với các đồng nghiệp, tiếp xúc với đương sự, thông qua các phiên tòa xét xử giúp cho người thẩm phán nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để khắc phục những khuyết điểm, xây dựng và hoàn thiện những ưu điểm, những phẩm chất tốt đẹp của chính bản thân mình, cá nhân thẩm phán phải có tinh thần tự giác, ý thức được trách nhiệm trước công việc, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng mọi người, khắc phục
mọi khó khăn, mọi cám dỗ đời thường. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho thẩm phán là việc làm thường xuyên mà trước hết thuộc về trách nhiệm của mỗi thẩm phán và của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ, giám sát của nhân dân.
Đối với Hội thẩm nhân dân
Hội thẩm là một chế định quan trọng thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án, chế định hội thẩm đã được quyết định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Các Hội thẩm nhân dân đa số là cán bộ chủ chốt hoặc đại diện các Ban, ngành đoàn thể ở cấp tỉnh và cấp huyện, phần lớn các Hội thẩm nhân dân có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành khác và đều đã được Tòa án nhân dân các cấp tập huấn về công tác xét xử, công tác hội thẩm. Để đội ngũ Hội thẩm ngày càng lớn mạnh và không phải là “chậu cảnh” trong mỗi phiên tòa, họ rất cần được bồi dưỡng pháp luật, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới. Bên cạnh đó là việc nâng cao mức thù lao cho Hội thẩm nhân dân để động viên, khuyến khích họ làm việc tốt hơn.