Trên thực tiễn, để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại phát sinh, Tòa án căn cứ vào những quy định của pháp luật cụ thể là BLTTDS và một số Luật chuyên ngành khác như Luật Thương mại, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản… Tuy nhiên, trong các quy định về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại hiện nay trong pháp luật kinh doanh ở nước ta, vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn trong việc xác định các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Xác định đâu là tranh chấp kinh doanh thương mại hiện đang có nhiều quan điểm do việc không thống nhất trong các văn bản pháp luật và khiến không ít bản án sơ thẩm bị sửa, hủy.
Khoản 1 Điều 29 BLTTDS quy định rõ rằng những tranh chấp về kinh doanh thương mại là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Theo quy định này thì điều kiện có đăng ký kinh doanh và mục đích lợi nhuận giữa các chủ thể tham gia là điều kiện bắt buộc. Nếu chỉ có một bên có đăng ký kinh doanh hoặc chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận thì là tranh chấp về dân sự.
Theo hướng dẫn, “Tòa Kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại… mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.
Với những quy định như vậy, chúng ta có thể hiểu; hoặc những tranh chấp giữa một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận là tranh chấp về dân sự nhưng giao cho Tòa Kinh tế giải quyết, hoặc những tranh chấp đó là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế. Việc hướng dẫn của Nghị định đã mở rộng ra khá nhiều so với quy định của Luật.
Tòa án muốn xác định tranh chấp nào là tranh chấp về dân sự và tranh chấp nào là tranh chấp về kinh doanh thương mại thì phải căn cứ vào những quy định của BLTTDS. Điều này cũng có nghĩa là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán đã thiếu sót trong cách dùng từ nên gây ra nhiều cách hiểu nhầm khác nhau. Nếu xác định các tranh chấp mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thì sẽ mâu thuẫn hoàn toàn với quy định của BLTTDS.
Thống nhất giữa các quy định trong văn bản luật và các văn bản hướng dẫn của pháp luật kinh doanh là điều cần thiết; giúp cho việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại được mau chóng và dễ dàng hơn; tạo điều kiện cho Tòa có thể đưa ra những quyết định đúng đắn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong quá trình tham gia tố tụng kinh doanh thương mại.
Cùng với diễn biến ngày càng phức tạp của đời sống kinh tế - xã hội, các tranh trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại không ngừng gia tăng về số lượng và sự đa dạng; mà để giải quyết ổn thỏa các tranh chấp đó, đảm bảo quyền lợi cho các bên là một công việc không phải đơn giản.
Ngoài mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật, thì hiện nay tình trạng chồng chéo giữa các văn bản trong pháp luật kinh doanh vẫn còn tồn tại. Cụ thể đó là những quy định về cơ sở pháp lý được áp dụng để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Theo quy định tại điều 29 BLTTDS thì tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án rất đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều
lĩnh vực kinh tế, trong đó có tranh chấp vừa được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật Dân sự, vừa được điều chỉnh bởi Luật chuyên ngành.
Chính vì lý do này mà việc xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án còn một số lúng túng, vướng mắc hoặc sai lầm khi áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và quy định của Luật chuyên ngành như Luật Thương mại (thường xảy ra khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng mua bán hàng hóa (được quy định trong Luật Thương mại), về hợp đồng dịch vụ (quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng cung ứng dịch vụ (được quy định trong Luật Thương mại), hợp đồng liên kết, liên doanh hợp đồng hợp tác kinh doanh... theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hợp đồng bảo hiểm (được quy định trong Bộ luật Dân sự), hợp đồng bảo hiểm (quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm)...
Một là cần có hướng dẫn rõ ràng trường hợp nào thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp nào thì áp dụng quy định của Luật chuyên ngành? Vì vậy, trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng quy định của Luật chuyên ngành, của Bộ luật Dân sự để giải quyết vụ án của một số Tòa án chưa thống nhất như: có Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự; có Tòa án áp dụng quy định của Luật chuyên ngành; có Tòa án áp dụng đồng thời quy định của Bộ luật Dân sự và quy định của Luật chuyên ngành... Xác định đâu là tranh chấp kinh doanh thương mại hiện đang có nhiều quan điểm do việc trước đây Hội đồng thẩm phán TAND Tối cáo có ban hành Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 hướng dẫn việc áp dụng Bộ luật TTDS 2004 theo đó các tranh chấp về kinh doanh thương mại là các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015 quy định rõ rằng những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
Quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật TTDS 2015 không khác gì quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS 2004. Nên khi áp dụng Bộ luật TTDS 2015 thì có nên vận dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội
đồng thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết án kinh doanh, thương mại hay không đang có nhiều ý kiến khác nhau và mỗi nơi có cách áp dụng khác nhau.
+ Nếu không áp dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3- 2005 thì các tranh chấp không thỏa mãn cả hai điều kiện là một hoặc các bên phải có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận thì những tranh chấp đó là tranh chấp dân sự.
+ Nếu áp dụng tinh thần của Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 thì không bắt buộc một bên hoặc các bên có đăng ký kinh doanh mà chỉ cần có mục đích lợi nhuận là tranh chấp kinh doanh, thương mại
Quy định nêu trên đã khiến cho việc áp dụng pháp luật không thống nhất đã xảy ra. Tòa án muốn xác định tranh chấp nào là tranh chấp về dân sự và tranh chấp nào là tranh chấp về kinh doanh thương mại thì phải căn cứ vào những quy định của BLTTDS. Điều này cũng có nghĩa là Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3- 2005 của Hội đồng Thẩm phán ban hành trước đây đã còn thiếu sót trong cách dùng từ nên gây ra nhiều cách hiểu nhầm khác nhau. Nếu xác định các tranh chấp mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thì sẽ mâu thuẫn hoàn toàn với quy định của BLTTDS và hiện nay chưa có văn nào nào khác thay thế hướng dẫn của Nghị quyết nên mỗi nơi sẽ áp dụng Bộ luật TTDS 2015 sẽ khác nhau.
Sự chồng chéo và thiếu tính nhất quán đó ắt phải dẫn đến một hậu quả, đó là đưa ra những phán quyết thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng. Để việc áp dụng pháp luật được đúng và thống nhất, Tòa kinh tế - Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn theo hướng: Khi giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại mà tranh chấp đó vừa được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật dân sự, vừa được điều chỉnh bởi quy định của Luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của Luật chuyên ngành để giải quyết.
Nếu Luật chuyên ngành không có quy định thì mới áp dụng quy định của Bộ luật dân sự. Chỉ có như thế, việc giải quyết mới trở nên đơn giản, dễ dàng áp dụng
thống nhất các quy định của pháp luật và đưa ra những quyết định sáng suốt, công bằng.
Hai là: Xác định lãi suất cho vay thống nhất giữa bộ luật dân sư năm 2015 và luật các tổ chức tín dụng.
Theo điều 468 Bộ luật Dân sư 2015 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật…
Việc ghi thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” sẽ càng làm cho các tổ chức tín dụng, khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật khó áp dụng quy định này trên thực tế, khiến cho họ rơi vào thế lúng túng không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay). Chính vì vậy, Chính phủ cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự năm 2015 theo hướng quy định cụ thể về những đối tượng áp dụng hoặc loại trừ áp dụng với mức trần lãi suất theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015, làm rõ quy định: “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015. Mà theo đó, văn bản được ban hành phải quy định cụ thể lãi suất thỏa thuận của các tổ chức tín dụng với khách hàng trong hoạt động cấp tín dụng tuân theo cơ chế “thỏa thuận tự do” (như trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010) hay “giới hạn trong phạm vi” (theo Bộ luật dân sự năm 2015) để hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Theo tác giả, trong quan hệ cấp tín dụng thì khách hàng không
thực sự bình đẳng với tổ chức tín dụng, thậm chí là yếu thế hơn nên cần có giới hạn khống chế mức lãi suất cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về phạm vi của quy định cũng như tránh sự lòng vòng, dẫn chiếu sang nhiều các luật khác dễ gây ra sự mâu thuẫn, chồng chéo.
Ba là: Thống nhất nội hàm các khái niệm kinh doanh, thương mại trong toàn bộ văn bản pháp luật hiện hành
Hiện nay có rất nhiều văn bản đưa ra khái niệm kinh doanh thương mại nhưng chỉ có ý tưởng chung chứ còn thực chất nội hàm pháp lý của các khái niệm trong từng văn bản lại khác nhau. Điều này gây ra khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
Thứ hai, cần xây dựng tiêu chí hoặc định nghĩa cụ thể về một số khái niệm như: hoạt động kinh doanh, mục đích lợi nhuận, hoạt động của doanh nghiệp. Có thể thấy hoạt động kinh doanh là hoạt động từ quá trình đầu tư, sản xuất, mua bán đầu vào, cung ứng dịch vụ hàng hóa đầu ra do các chủ thể có đăng ký kinh doanh thực hiện. Mục đích lợi nhuận có thể là mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy cần quy định thể về các dấu hiệu hoặc các phạm trù để xác định khái niệm này một cách chính xác thì mới không gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án theo loại việc.
Thứ ba, cần nhận thức rõ ý nghĩa thực tiễn của việc phân biệt tranh chấp kinh doanh thương mại và tranh chấp dân sự. Trong bối cảnh xác định thủ tục tố tụng chung thì việc phân biệt tranh chấp chỉ có ý nghĩa điều phối giữa các tòa chuyên trách. Làm căn cứ để xác định nếu có sai sót trong vụ án kinh tế hay dân sự.
Bốn là: Cần những quy định mới về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, Phát triển án lệ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Việc áp dụng án lệ có ý nghĩa và giá trị rất quan trọng, giúp cho Tòa án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nhất là trong bối cảnh hiện nay, các vụ án đang tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu không thống nhất, có những vấn đề chưa có quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh. Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án. Nhiệm vụ phát triển án lệ đã được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tại điểm c khoản 2 Điều 22 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”
3 tiêu chí lựa chọn án lệ
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau:
(1) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;
(2) Có tính chuẩn mực;
(3) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Áp dụng án lệ trong xét xử
Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.
Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình