Như đã phân tích, trong quan hệ kinh doanh thương mại vừa có xung đột, vừa có hợp tác. Vì thế, khi tranh chấp xảy ra, các bên luôn tìm cách nhanh chóng giải quyết và vãn hồi lại tình trạng bình thường. Do đó, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại cần đáp ứng được một số yêu cầu như sau:
Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng đối với một nền kinh tế phát triển, đồng thời cũng là đảm bảo quyền con người. Cùng với sự phát triển, quyền con người được đảm bảo, quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ và được bảo vệ bằng khuôn khổ pháp lý.
Giữ gìn uy tín, bí mật thương mại của các bên trên thương trường. Chủ thể tranh chấp chủ yếu là các thương nhân. Theo đó, các yêu cầu về giữ gìn uy tín, bảo mật thông tin kinh doanh, thời gian giải quyết nhanh chóng, thủ tục đơn giản và hiệu quả thi hành cao thường là ưu tiên của các thương nhân.
Không cản trở hoạt động kinh doanh, chu kỳ sản xuất. Giải quyết tranh chấp kịp thời và hiệu quả các tranh chấp kinh doanh thương mại cho phép hạn chế đến mức tối thiểu sự gián đoạn của sản xuất kinh doanh cũng như đặt ở mức chi phí thấp nhất. Song, quan trọng đó là phải bảo vệ một cách có hiệu quả lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên khi tham gia vào kinh tế thương mại.
Nhanh chóng và khôi phục sự tín nhiệm của các bên trong kinh doanh. Giải quyết tốt tranh chấp là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Muốn có một nền kinh tế phát triển thì các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ kinh tế
thương mại nói riêng phải được điều chỉnh bằng pháp luật, phải đảm bảo bằng pháp luật. Việc đầu tiên là hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra bằng cách đặt ra các chế định và chế tài tạo thành một "sân chơi" lành mạnh và công bằng. Khi tranh chấp xảy ra phải có các thủ tục, biện pháp để giải quyết, nếu không giải quyết kịp thời thì hậu quả sẽ xảy ra và thiệt hại rất lớn. Điều đó không những làm thiệt hại, kìm hãm phát triển nền kinh tế mà còn gây nên một khuyết điểm lớn của môi trường kinh doanh, các chủ thể sau tranh chấp có thể "quay lưng" lại với nhau, đố kỵ và không tin tưởng lẫn nhau. Một tâm lý yên tâm làm ăn kinh tế, mạnh dạn đầu tư sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế.