Các doanh nghiệp cần lên kế hoạch xuất khẩu hàng hóa một cách kỹ lưỡng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn nên rất tiềm năng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi nhiều quy định khắt khe, phức tạp nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Vì vậy, để xuất khẩu thành công một lô hàng vào Mỹ không phải là dễ.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh so với cùng năm ngoái trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đối với những mặt hàng này lại tăng mạnh và đồng thời chúng ta lại nhập khẩu những mặt hàng đó từ Trung Quốc. Do đó, nguy cơ về gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mà hải quan Mỹ áp dụng với một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm.
Việt Nam cần phải để ý đến việc tăng trưởng xuất khẩu không để phụ thuộc quá nhiều vào việc được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cần lưu ý về xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ thay vì xuất khẩu gián tiếp từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi từ Việt Nam qua Mỹ.
Để lên kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ, trước khi chuyển hàng, nhà xuất khẩu phải kiểm tra những hạn chế trong việc nhập khẩu của Mỹ, ước tính phí hải quan, cung cấp chứng từ theo quy định khi đặt vận chuyển hàng và cung cấp đủ chứng từ theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan. Nhà nhập khẩu cần phải nắm rõ được sẽ phải làm việc với cơ quan nào chịu trách nhiệm về các quy định nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.
Trong quá trình chuyển hàng, doanh nghiệp cần có giấy đảm bảo nợ thuế hải quan, trung thực khai báo hải quan, kiểm tra đội chính xác của chứng từ và nộp phí hải quan đúng quy định. Ngoài ra, tùy thuộc vào sản phẩm cụ thể mà CBP sẽ làm việc cùng các cơ quan khác như: FDA, ATF… Các cơ quan này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau cho mỗi loại sản phẩm.
Để xuất khẩu được vào Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ... Tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Không tiếp tay cho hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba. Đồng thời phải thực hiện quản trị tốt công việc lưu trữ chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm để phục vụ hoạt động xác minh, điều tra của nước nhập khẩu.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Chương đầu tiên của đề tài nghiên cứu này, tác giả sẽ nêu lên cơ sở lý luận về hoạt hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ với những nội dung, lý thuyết cơ bản về khái niệm xuất khẩu, đặc điểm, vai trò, loại hình xuất khẩu và các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu. Và sau đó đi vào khái quát thị trường Mỹ như: giới thiệu về nước Mỹ, đặc điểm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ, các rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và những lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.
Kết thúc chương 1 sang chương tiếp theo, tác giả sẽ giới thiệu về Công ty, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Sản Xuất - Kinh Doanh Việt Hưng, nơi tác giả thực tập và tiến hành thực hiện khóa luận tốt nghiệp này. Đồng thời, tác giả sẽ đi sâu vào tìm hiểu thị trường hạt điều của Mỹ rồi phân tích các yếu tố, điều kiện cơ sở để xuất khẩu hạt điều sang Mỹ của Công ty TNHH Sản Xuất - Kinh Doanh Việt Hưng.
Chương 2: TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CỦA CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT -KINH DOANH VIỆT HƯNG VÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU HẠT
ĐIỀU SANG MỸ.