5.2.3.1. Người nghèo nên tích cực tham gia các chương trình đào tạo và tự đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tay nghề, đáp ứng yêu cầu/thách thức của hội nhập tài chính quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế
Chính sách về tăng cường lợi ích của hội nhập tài chính quốc tế đối với giảm nghèo được đưa ra bởi chính phủ sẽ có hiệu quả hơn khi những người nghèo chủ động nâng cao trình độ và kỹ năng để có thể đón nhận các cơ hội và thách thức từ hội nhập tài chính. Các kỹ năng mà người có thu nhập thấp cần nỗ lực để tự trang bị cho bản thân bao gồm:
Thứ nhất, kỹ năng nhận thức, là khả năng hiểu các ý tưởng từ cơ bản đến phức tạp, khả năng thích ứng với môi trường, khả năng tích luỹ kinh nghiệm và suy luận logic. Bên cạnh đó, kỹ năng nhận thức còn là khả năng đọc viết, tính toán cơ bản, cũng như khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.
Thứ hai, các kỹ năng xã hội- cảm xúc, là khả năng điều hướng các tính huống giữa cá nhân và xã hội một cách có hiệu quả, bao gồm cả khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, tự chủ và gan dạ.
Thứ ba, kỹ năng kỹ thuật, đề cập đến kiến thức chuyên môn và các tương tác cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, bao gồm việc thành thạo các vật liệu, công cụ hoặc công nghệ cần thiết.
Việc phát triển các kỹ năng có thể giúp người nghèo tăng năng suất lao động, tăng khả năng được tuyển dụng từ các doanh nghiệp FDI, từ đó tăng cơ hội cải thiện thu nhập, từng bước thoát nghèo.
5.2.3.2. Người nghèo nên chủ động tiếp cận các chương trình tài chính của các định chế tài chính trung gian và của nhà nước để tận dụng những cơ hội và vượt qua những khó khăn thách thức
Để có thể chủ động tiếp cận với các chương trình tài chính của các định chế trung gian và của nhà nước, người nghèo cần tự trang bị những kiến thức về tài chính. Hiểu biết về tài chính giúp người nghèo có thể dễ dàng tiếp cận với các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tài chính chính thức và phi chính thức, từ đó có thể tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực tài chính và tận dụng các cơ hội. Kiến thức chắc chắn về tài chính còn giúp người nghèo quản lý rủi ro về tài chính trong cuộc sống hàng ngày và lập kế hoạch tương lai, đồng thời giúp họ thúc đẩy tiết kiệm và tích luỹ tài sản. Bên cạnh đó, kiến thức về tài chính nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương cho người nghèo. Chính vì vậy, người nghèo nên tích cực tham gia vào các chương trình giáo dục tài chính được thiết kế riêng bởi chính phủ hay các tổ chức tài chính trong nước như các khoá đào tạo về tài chính vi mô, các khoá học ngắn hạn về các sản phẩm dịch vụ tài chính, các khoá học về kỹ năng quản lý tài chính.
Cùng với việc chủ động tự nâng cao kiến thức về tài chính, người nghèo cần tìm hiểu lợi ích từ những chương trình tài chính được đưa ra bởi các định chế tài chính trung gian và nhà nước thông qua việc trực tiếp trao đổi với các cán bộ trong lĩnh vực liên quan, từ đó tìm ra giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp cho công việc và đời sống. Những người có thu nhập thấp cần thiết phải đảm bảo sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính có hiệu quả, tránh lãng phí và tránh những rủi ro do thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị tài chính.
5.2.3.3. Người nghèo nên chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình để cải thiện và vượt qua tình trạng đói nghèo
Bên cạnh nỗ lực của chính phủ và các tổ chức tài chính trong quá trình giảm nghèo, những người nghèo cần chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình để cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống. Bước đầu tiên, người nghèo cần chú trọng đến đầu tư thời gian, công sức để trau dồi kiến thức, kỹ năng mới bằng cách tham gia các khoá đào tạo ngắn, dài hạn đồng thời tiếp cận với chuyên gia, các tổ chức hoạt động vì lợi ích của người nghèo. Thứ hai, người nghèo cần thiết tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản như mở tài khoản tại ngân hàng, đăng ký các chương trình tiết
kiệm do chính phủ tài trợ để hiểu thêm về các kế hoạch, lựa chọn dành riêng cho nhóm người có thu nhập thấp để tìm kiếm thêm cơ hội cho bản thân và gia đình. Thứ ba, người nghèo nên xây dựng thói quen quản lý tài chính lành mạnh, có thể kể đến việc có những khoản tích luỹ thường xuyên hay trả nợ đúng hạn, tạo uy tín, lịch sử tín dụng tốt, từ đó dễ dàng tiếp cận với những cơ hội tín dụng trong tương lai. Thứ tư, người nghèo nên tự tin, theo đuổi mục tiêu, kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn, từng bước tạo nền móng vững chắc để có thể cải thiện thu nhập vượt qua tình trạng đói nghèo, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
5.3. Khuyến nghị cụ thể đối với các nhóm nước đang phát triển có thu nhậpkhác nhau ở khu vực Châu Á