Các yếu tố liên quan có thể thay đổi được

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Thực trạng đái tháo đường ở người cao tuổi tại thành phố Thái Nguyên và một số yếu tố liên quan (Trang 30 - 37)

Chương 1 TỔNG QUAN

1.2. Các yếu tố liên quan đến bệnh đái tháo đường

1.2.2. Các yếu tố liên quan có thể thay đổi được

Béo phì là một đặc điểm thường đi kèm trong ĐTĐ typ 2 và là một yếu tố nguy cơ của tiền ĐTĐ typ 2. Béo phì đã tăng nhanh ở nhiều nhóm dân cư trong vài năm gần đây do hậu quả của sự tác động qua lại giữa yếu tố di truyền và môi trường bao gồm: Rối loạn chuyển hóa, ít hoạt động thể lực, ăn quá nhiều so với nhu cầu… Một nghiên cứu trên diện rộng ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bệnh ĐTĐ có liên quan đến tỷ lệ thừa cân, béo phì, chỉ số eo và tỷ số eo/hông có nguy cơ lần lượt là 23%, 24,5%, 32% và 52% [39] . Nghiên cứu ở Hải Phòng cho thấy tỷ lệ đái tháo đường, tiền đái tháo đường ở nhóm BMI 23- 24,9 kg/m2 là 4,6% và 26,3%; nhóm BMI ≥ 25 kg/m2 là 6,5% và 27,9% [29] , có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa đái tháo đường và BMI ≥ 23 [23] . Hơn nữa, béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, hạ thấp nồng độ HDL, liên quan tới tăng glucose máu. Nghiên cứu của Thomas R. Einarson và cộng sự đã phân tích dữ liệu từ 57 bài báo với 4.549.481 người mắc bệnh ĐTĐ typ 2 cho kết quả trong 4.549.481 người mắc bệnh ĐTĐ typ 2 có 47,0% béo phì [77] . Theo nghiên cứu của Bế Thu Hà, tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất (49,1%) [2] . Nghiên cứu của Đỗ Mạnh Kiên tại Thái Nguyên cho kết quả tỷ lệ tăng đường huyết cao nhất gặp ở nhóm thừa cân và béo phì độ 1, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê [8] . Nghiên cứu của Lê Xuân Khởi tại bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc cho kết quả việc kiểm soát HbA1c của nhóm béo trung tâm kém hơn ở nhóm có chỉ số BMI bình thường, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [15] . Theo Nguyễn Văn Lành, người có vòng eo to mắc ĐTĐ gấp 1,2 lần so với người có vòng eo bình thường; BMI trên 23 có tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ cao gấp 3 lần so với BMI <23; mỡ cơ thể cao mắc bệnh ĐTĐ cao gấp 2,6 lần người bình thường; mỡ nội tạng cao mắc ĐTĐ cao gấp 3,4 lần người bình thường; người có tỷ lệ vòng eo/vòng mông cao mắc ĐTĐ cao gấp 1,4 lần người bình thường [25] .

Viện nghiên cứu Y học Garvan của Australia đưa ra một giải pháp đơn giản để chẩn đoán sàng lọc bệnh đái tháo đường (Theo Science Daily,7/2010). Thay vì phát hiện thông qua xét nghiệm máu hoặc nồng độ glucose như thường được áp dụng tại Australia, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Garvan đã phát triển một phương pháp sử dụng số đo huyết áp tâm thu và tỉ lệ giữa số đo thắt lưng và số đo vòng hông để ước tính khả năng mắc bệnh đái tháo đường. Các nhà nghiên cứu ở Viện Garvan đã thực hiện nhiều phân tích trong phòng thí nghiệm và nhận thấy độ chính xác của phương pháp này là từ 70-75%. Do đó, họ cho rằng có thể áp dụng phương pháp này trong khâu sàng lọc ban đầu để xác định những người cần phải xét nghiệm thêm.

1.2.2.2. Ít hoạt động thể lực

Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc không hoạt động thể lực trong việc hình thành tiền ĐTĐ typ 2, lối sống tĩnh tại đã kéo theo sự gia tăng tương ứng tỷ lệ béo phì. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đái tháo đường tăng cao hơn ở nhóm nghề hoạt động tĩnh tại, sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa các nhóm nghề là có ý nghĩa thống kê với p<0,05 [40] .

Giảm cân là động lực chính của việc ngăn ngừa bệnh ĐTĐ ở những người có chỉ số BMI trung bình cao. Ở Hoa Kỳ, giảm cân là yếu tố dự báo mạnh nhất để giảm tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ: giảm 5 kg trọng lượng tương đương tỷ lệ mắc bệnh giảm 58%. Cụ thể hơn, đối với mỗi người tham gia giảm được 1kg, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường giảm 16%. Bởi vì béo phì là một phần kết quả của sự cân bằng năng lượng tích cực, việc nhắm mục tiêu hoạt động thể chất và chế độ ăn uống trong các nỗ lực phòng chống bệnh tiểu đường theo hướng giảm cân là điều cần thiết. Một loạt các hoạt động thể chất và cường độ có liên quan đến việc giảm 20% đến 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao. Ví dụ, ≥ 2,5 giờ/tuần đi bộ nhanh cường độ trung bình có liên quan đến giảm 27% nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, không phụ thuộc vào BMI. Nhìn chung, các hướng dẫn quốc tế khuyến nghị rằng người lớn từ 18 tuổi trở

lên nên tham gia 150 phút hoạt động thể chất hiếu khí cường độ trung bình hoặc 75 phút (hoặc kết hợp cả hai) mỗi tuần, mỗi lần kéo dài ít nhất 10 phút với các hoạt động tăng cường cơ bắp liên quan đến các nhóm cơ chính được thực hiện từ 2 ngày trở lên trong tuần [64] .

Vận động thể lực làm tăng nhạy cảm insulin và dung nạp glucose. Tập thể dục làm giảm nguy cơ ĐTĐ typ 2 ở cả người béo phì và không béo phì. Thói quen hoạt động thể lực trung bình với mức trên 5 giờ/tuần làm giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2 xuống 28% so với nhóm hoạt động ít hơn 3 giờ/tuần, thói quen hoạt động thể lực trung bình làm giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2 ở người trưởng thành Việt Nam. Nghiên cứu của Bế Thu Hà, có 67,9 % bệnh nhân ĐTĐ không tập thể dục thể thao [2] . Nghiên cứu của Lê Xuân Khởi, người thường xuyên tập thể dục thể thao kiểm soát HbA1c mức tốt cao hơn chiếm 36,2%, mức tốt ở nhóm không tập là 3,7%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [15] . Theo Nguyễn Văn Lành, có mối liên quan giữa tình trạng mắc bệnh ĐTĐ và hoạt động thể lực với p <0,05, người ít hoạt động thể lực có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gấp 2,1 lần so với người có hoạt động thể lực [25] .

1.2.2.3. Chế độ ăn

Lượng calo và chất lượng chế độ ăn uống là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến béo phì và ĐTĐ. Nhìn chung, một chế độ ăn giàu chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt và ít chất béo bão hòa có liên quan đến việc giảm nguy cơ béo phì và ĐTĐ. Các nghiên cứu tiền cứu đã liên tục chỉ ra rằng tiêu thụ chất xơ ngũ cốc hoặc hỗn hợp ngũ cốc nguyên hạt và cám làm giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ 18% đến 40%. Hơn nữa, với lượng ngũ cốc nguyên hạt tăng thêm 2 khẩu phần/ngày, nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ có thể giảm tới 21%. Người ta cũng chỉ ra rằng lượng chất béo bão hòa ăn vào ít hơn 7% tổng năng lượng tiêu thụ có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ. Những người uống nhiều hơn 1 đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ tăng 26% so với những người uống ít hơn 1 đồ uống. Về chiến lược ăn kiêng, chế độ ăn ít chất béo đến

trung bình (10% - 45%), protein cao, ít carbohydrate đã được chứng minh là có hiệu quả giảm cân và cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh ĐTĐ [64] .

Một nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cho kết quả mô hình ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, các loại đậu, hạt và cá, và rượu vừa phải có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn trong cộng đồng [66] .

Theo nghiên cứu của Lê Xuân Khởi, kiểm soát HbA1c mức kém ở nhóm tuân thủ chế độ ăn là 15,7% thấp hơn mức kém ở nhóm không tuân thủ 75,4 %, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05 [15] . Nghiên cứu của Nguyễn Văn Lành, có mối liên quan giữa tình trạng mắc bệnh ĐTĐ và chế độ ăn đường với p <0,05, cụ thể người có chế độ ăn nhiều đường có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gấp 2,4 lần so với người có chế độ ăn ít đường [25] .

1.2.2.4. Rượu bia

Một công trình nghiên cứu kéo dài 10 năm cho thấy tác dụng bảo vệ của việc tiêu thụ ít rượu và bia chống lại tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường lâu dài. Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ trong 10 năm là 13,4% ở nam và 12,4% ở nữ. Sau khi thực hiện các điều chỉnh khác nhau, những người tiêu thụ tối đa 1 ly rượu/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 53% so với những người không kiêng rượu. Tỷ lệ rượu/bia/vodka tăng một đơn vị so với các loại rượu mạnh khác có liên quan đến việc giảm 89% nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ [52] .

Ngoài ra, sử dụng rượu được xác định là một rào cản đối với việc tuân thủ điều trị bệnh ĐTĐ. Uống quá nhiều rượu không chỉ tác động tiêu cực đến việc tuân thủ điều trị của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến tiến trình của bệnh. Bệnh nhân ĐTĐ uống rượu bia có nguy cơ tuân thủ điều trị kém, dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Các biện pháp can thiệp ngắn gọn để giảm uống rượu đã mang lại tiềm năng cải thiện kết quả và tuân thủ điều trị bệnh ĐTĐ [74] .

Nghiên cứu của Bế Thu Hà cho kết quả đối tượng nghiên cứu có thói quen uống rượu chiếm tỷ lệ tương đối cao (31,4%) [2] . Nghiên cứu của Lê Xuân Khởi cho thấy nhóm thường xuyên uống rượu mức độ kiểm soát HbA1c các mức tốt, chấp nhận và kém lần lượt là 0,0%; 3,0%; 97,0% [15] . Theo Nguyễn Văn Lành, có mối liên quan giữa tình trạng mắc bệnh ĐTĐ và uống rượu trong ngày với p <0,05, người không uống rượu trong ngày có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ bằng 0,5 lần người có uống rượu trong ngày [25] .

1.2.2.5. Thuốc lá

Hút thuốc lá có sự liên hệ đến đề kháng insulin, là yếu tố nguy cơ của ĐTĐ typ 2 ở cả nam và nữ. Theo báo cáo của bác sĩ phẫu thuật năm 2014, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ typ 2 lên 30-40% ở những người hút thuốc tích cực so với những người không hút thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới công nhận hút thuốc là một yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được đối với ĐTĐ typ 2. Một loạt các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh mối liên quan giữa hút thuốc lá và sự phát triển của bệnh ĐTĐ typ 2. Trong một nghiên cứu ở Mỹ, những người đàn ông hút 25 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gấp 1,94 lần so với những người không hút thuốc. Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ điều trị bệnh tiểu đường, nhập viện và tử vong ở cả nam giới và phụ nữ, và nguy cơ tăng lên phụ thuộc vào liều lượng thuốc lá hút mỗi ngày [63] .

Nghiên cứu của Bế Thu Hà cho kết quả đối tượng nghiên cứu có thói quen hút thuốc lá chiếm tỷ lệ tương đối cao (30,8%) [2] . Theo Lê Xuân Khởi, nhóm hút thuốc lá kiểm soát HbA1c ở các mức độ là tốt 5,4%; chấp nhận 5,4% và kém 84,2% [15] . Theo Nguyễn Văn Lành, có mối liên quan giữa tình trạng mắc bệnh ĐTĐ và hút thuốc lá trong ngày với p <0,05, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gấp 2,2 lần người không hút [25] .

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, hậu quả của sự dư thừa các axit béo tự do, làm tăng quá trình tạo glucone ở gan, chuyển hóa trong cơ chuyển từ glucose sang lipid, tích tụ cholesterol trong tế bào beta, làm giảm dòng chảy cholesterol, gây tăng đường huyết, suy giảm bài tiết insulin, gây độc và chết tế bào beta [56] .

Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trong số 125 bệnh nhân đái tháo đường nhập viện hoặc điều trị tại Bệnh viện Dạy nghề Hồ từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 3 năm 2019 cho kết quả rối loạn lipid máu là một yếu tố nguy cơ chính được biết là có liên quan đến bệnh tiểu đường và tim mạch. Cụ thể ở bệnh nhân ĐTĐ, tần suất cholesterol cao, HDL-C thấp, triglyceride cao, LDL-C cao lần lượt là 16%, 3%, 33% và 78% [43] .

Theo báo cáo thực tế về bệnh tiểu đường năm 2015, có 49,5% người mắc bệnh ĐTĐ đang được điều trị bằng thuốc hạ lipid vào năm 2013, tăng 1,8 lần so với năm 2006. Theo số liệu Khảo sát về Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hàn Quốc năm 2014, có 58,0% đạt mức cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (HDL-Cho) <100 mg/dL [65] .

Tại Việt Nam, nghiên cứu ở Huế cho kết quả tỷ lệ tiền ĐTĐ ở nhóm có rối loạn lipid máu cao hơn nhóm không rối loạn lipid máu có ý nghĩa thống kê (p<0,01) [27] . Nghiên cứu của Lê Xuân Khởi tại Vĩnh Phúc cho kết quả kiểm soát HbA1c mức tốt ở nhóm không rối loạn lipid máu là 30,7% cao hơn ở nhóm có rối loạn lipid máu (6,6%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05 [15] .

1.2.2.7. Tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ typ 2. Theo báo cáo thực tế về bệnh tiểu đường năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp tăng từ 56,0% lên 62,5% từ năm 2006 đến năm 2013. Theo số liệu Khảo sát về Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hàn Quốc năm 2014, 72,8% đạt huyết áp <140/85 mmHg. Mặc dù các nỗ

lực nâng cao sức khỏe đã được cải thiện, tỷ lệ tuân thủ thuốc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ còn thấp [65] . Tăng huyết áp và ĐTĐ typ 2 là những bệnh đi kèm thường gặp. Tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ cao gấp đôi so với những người không bị ĐTĐ. Hơn nữa, những bệnh nhân tăng huyết áp thường có biểu hiện kháng insulin và có nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ hơn những người không tăng huyết áp [62] . Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, tăng huyết áp có ở hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường [57] .

Tỷ lệ đái tháo đường, tiền đái tháo đường đã được chẩn đoán tăng huyết áp là 10,4% và 33,4%; không bị tăng huyết áp là 4,0% và 25,3% [29] . Theo Đỗ Mạnh Kiên, tỷ lệ đối tượng tăng đường huyết có tăng huyết áp chiếm tỷ lệ tương đối cao 59,9% [8] . Nghiên cứu của Thomas R. Einarson và cộng sự cho kết quả nhóm tăng huyết áp có tỷ lệ ĐTĐ 14,3% [77] . Theo Nguyễn Văn Lành, người dân mắc tăng huyết áp và mắc ĐTĐ cao gấp 2,4 lần người không tăng huyết áp với p <0,05 [25] .

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Thực trạng đái tháo đường ở người cao tuổi tại thành phố Thái Nguyên và một số yếu tố liên quan (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)