Trước tiên, nghiên cứu đánh giá hiệu quả gây độc của cao chiết cây Lan Kim Tuyến lên tế bào ung thư vú MCF7 và BT474. Các tế bào MCF7 và BT474 được xử lý với cao chiết ở các nồng độ khác nhau và ở các thời điểm xác định.
44
Hiệu quả ức chế tăng sinh tế bào được đánh giá bằng phương pháp WST-1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nguyên tắc hoạt động của bộ kit dựa trên phản ứng phân cắt hợp chất WST-1 tetrazolium bởi enzyme dehydrogenases có trong ty thể tế bào. Dehydrogenases là một enzyme trong chuỗi hô hấp tế bào, chuyển hóa WST-1 tetrazolium thành formazan có màu vàng và hấp thu bước sóng 450 nm. Tế bào càng phát triển nhanh thì quá trình hô hấp và chuyển hóa của tế bào xảy ra mạnh, dẫn đến sự chuyển hóa WST-1 tetrazolium thành formazan bởi enzyme dehydrogenases xảy ra càng mạnh. Mức độ tăng sinh của tế bào có thể định lượng thông qua độ hấp thu OD (bước sóng 450 nm).
Kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết cây Lan Kim Tuyến có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào MCF7 và BT474 phụ thuộc vào nồng độ sử dụng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận không có sự khác biệt đáng kể về mức độ gây độc tế bào của cao chiết trên các dòng tế bào ung thư vú khác nhau. Trong số đó, tế bào MCF7 có độ nhạy với cao chiết cây Lan Kim Tuyến cao hơn (IC50 là 82,56 μg/ml) so với tế bào BT474 (IC50 là 95,02 μg/ml).
Để đánh giá hiệu quả ức chế của cao chiết cây Lan Kim Tuyến lên sự ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư vú phụ thuộc vào thời gian xử lý, tế bào MCF7 và BT474 được xử lý với cao chiết ở các nồng độ khác nhau và mẫu được xử lý ở các thời điểm xác định. Nồng độ 100 µg/ml của cao phân đoạn, tế bào MCF7 được xử lý với cao chiết cho thấy sự ức chế tăng sinh tăng dần, lần lượt là 5,77 ± 1,11%, 9,94 ± 2,20%, 20,43 ± 3,09% và 60,52 ± 3,27% sau 6, 12, 24 và 48 giờ xử lý khi so sánh với đối chứng (P < 0,05 và P < 0,01; Hình 3.2A). Tương tự, ở nồng độ 50 µg/ml hay 75 µg/ml của cao chiết, sự ức chế tăng sinh tế bào cũng được phát hiện thấy. Tuy nhiên, ở nồng độ 150 µg/ml và 200 µg/ml, cao chiết gần như tiêu diệt tế bào hoàn toàn sau 24 và 48 giờ xử lý với tỉ lệ tế bào sống dưới 20% (Hình 3.2A). Những kết quả này chỉ ra cao chiết cây Lan Kim Tuyến có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào MCF7 theo nồng độ và thời gian xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả ức chế tế bào tăng sinh không được quan sát thấy rõ ràng ở các thời điềm 6 hay 12 hay 24 giờ xử lý tế bào với nồng độ cao chiết thấp 50 µg/ml. Vì vậy, nghiên cứu tiếp tục xử lý tế bào MCF7 với các nồng độ khác nhau của cao chiết (50, 75 và 100 µg/ml) sau 48 giờ cho các nghiên cứu tiếp theo. Tương tự, dựa trên chỉ số IC50, tế bào ung thư vú BT474 cũng được xử lý
45
với các nồng độ khác nhau của cao chiết. Sự ức chế tăng sinh của tế bào BT474 bởi cao chiết được xác định ở các thời điểm khác nhau. Theo hình 3.2B, kết quả phân tích cho thấy cao chiết cũng có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào BT474 theo nồng độ và thời gian xử lý. Ngoài ra, hiệu quả ức chế tăng sinh tế bào BT474 không được quan sát thấy rõ ràng ở các thời điềm 6 hay 24 giờ xử lý tế bào với nồng độ cao thấp 50 µg/ml. Vì vậy, nghiên cứu tiếp tục xử lý tế bào BT474 với các nồng độ khác nhau của cao chiết (50, 75 và 100 µg/ml) sau 48 giờ cho các nghiên cứu tiếp theo.
Hình 3.2.Ảnh hưởng của cao chiết cây Lan Kim Tuyến lên sự tăng sinh của tế bào ung thư vú. Sự tăng sinh tế bào MCF7 (A) và BT474 (B) được xác định bằng WST-1 sau khi xử lý với cao chiết ở các nồng độ khác nhau ở các thời điểm. Kết quả biểu thị bằng giá trị trung bình ± SD của ba lần lặp lại thí nghiệm. **p < 0,01 và *p < 0,05 khi so sánh với đối chứng.
46