Kiến nghị đối với các doanh nghiệp kinh doanh XNK

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng thanh toán tín dụng chứng từ đối với NH TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh vĩnh phúc khoá luận tốt nghiệp 095 (Trang 80 - 81)

Hiện nay, mức độ cạnh tranh giữa các nước ngày càng gay gắt, để hàng hóa nước ta đứng vững trên thị trường thì không những chất lượng phải tốt mà giá cả phải hợp lý. Trong khâu đàm phán hợp đồng và thanh toán phải nắm rõ luật, tuân thủ luật và hiểu rõ đối tác. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngân hàng thì bản thân doanh nghiệp cần phải có những chính sách, biện pháp cụ thể để phòng ngừa rủi ro:

Lựa chọn đối tác uy tín: Trong việc lựa chọn đối tác phải hết sức thận trọng, cần tìm hiểu, thu thập thông tin về đối tác qua các nguồn khác nhau như qua ngân hàng, qua báo chí, qua Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Việc lựa chọn đối tác tin cậy đảm bảo cho công ty không gặp phải rủi ro lừa đảo, giúp cho giao dịch diễn ra thuận lợi. Nếu ở khâu này không cẩn thận thì toàn bộ rủi ro thuộc về công ty chứ không phải ngân hàng.

Giữ chữ tín với ngân hàng cũng như với bạn hàng: Hiện nay nhiều doanh nghiệp XNK được thành lập, tính cạnh tranh càng tăng cao do vậy, các doanh nghiệp cần tích cực chú trọng tới hình ảnh và chất lượng. Trong mối quan hệ với ngân hàng, bạn hàng, doanh nghiệp cần thực hiện theo các thỏa thuận như đã định trong hợp đồng, văn bản cam kết... xây dựng niềm tin và tạo mối quan hệ lâu dài với các đối tác này. Khi đó, doanh nghiệp có thể hưởng nhiều chính sách ưu đãi mà ngân hàng cung cấp cũng như mở rộng quan hệ làm ăn với nhiều bạn hàng trên thế giới.

Bổ sung kiến thức nghiệp vụ: Đối với cán bộ nhân viên, phải được đào tạo về nghiệp vụ ngoại thương, tìm hiểu và nắm rõ các văn bản pháp lý, cập nhật những kiến thức mới. Cán bộ cũng như lãnh đạo phải có trình độ ngôn ngữ tiếng anh nhất định để có thể đàm phán, giao tiếp với đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách cần nhạy bén với tình hình thị trường, cập nhật thông tin kinh tế - tài chính để chủ động hơn trong kinh doanh.

Phòng ngừa rủi ro: Các doanh nghiệp cần lường trước các rủi ro có thể gặp phải. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, khi nhận được L/C cần xem xét kỹ, phát hiện kịp thời những chỗ không rõ ràng, bất lợi cho mình, hoặc những điểm khó thực hiện để đề nghị sửa đổi L/C. Trong khâu lập chứng từ cần thực hiện đúng theo quy định của L/C, bộ chứng từ cũng phải được xuất trình đúng thời gian quy định, đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của L/C. Về phía doanh nghiệp nhập khẩu, để giảm bớt rủi ro khi lập L/C cần bám sát hợp đồng, quy định rõ ràng các điều khoản của hợp đồng, bao gồm điều khoản chính và điều khoản phụ. Sau khi nhận được BCT cần xem xét kỹ trước khi chấp nhận thanh toán.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng thanh toán tín dụng chứng từ đối với NH TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh vĩnh phúc khoá luận tốt nghiệp 095 (Trang 80 - 81)