7. Bố cục của luận văn
1.2.1. Giới thiệu về Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi tiếng trong nền văn học đương đại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm viết cho trẻ em và tuổi thanh thiếu niên - đối tượng mà ông dành nhiều tâm huyết trong đời cầm bút của mình.
Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại vùng đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”. Xuất hiện trên văn đàn từ những năm 70 của thế kỷ XX với tư cách là một nhà văn của thiếu nhi, ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết cho đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên với hơn 100 tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau. Năm 1973, ông học khoa Văn trường Sư phạm tại Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông tình nguyện tham gia thanh niên xung phong rồi về làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiếu nhi quận 6 từ 1982-1984. Sau đó, nhà văn về công tác tại Trường Phổ thông Cơ sở Bình Tây (nay thuộc quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) từ 1984 đến năm 1986 rồi về làm Báo Sài Gòn Giải Phóng cho đến lúc về hưu.
Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu từ năm 13 tuổi với bài thơ đăng báo. Năm 1984, ông có tác phẩm in thành sách đầu tiên mang tên Thành phố tháng Tư (in chung với Lê Thị Kim). Cùng năm đó, ông cho ra đời tập truyện dài
Trước vòng chung kết, đánh dấu sự nghiệp văn chương vẻ vang của mình sau này. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi nền văn học nước nhà bước sang thời kì đổi mới, văn học từ cảm hứng sử thi dần chuyển sang cảm hứng thế sự - đời tư. Văn
học viết cho thiếu nhi cũng đòi hỏi nhiều thay đổi cả về đề tài và phong cách sáng tác. Giống như nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh đứng trước nhiều khó khăn trong đổi mới văn học. Thêm nữa, cuộc sống hiện đại đầy biến động, trẻ em được tiếp xúc nhiều với công nghệ hiện đại nên dễ bị lôi kéo vào những con đường khác ngoài văn học. Nếu không đủ sức thu hút, hấp dẫn thì các tác phẩm dễ rơi vào quên lãng. Trước thách thức ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã vượt qua những khó khăn, thách thức đó để tìm ra lối viết cho riêng mình.
Hơn 30 năm cầm bút, Nguyễn Nhật Ánh đã khẳng định được tên tuổi của mình trong lòng độc giả với các tác phẩm lôi cuốn như: Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua… Với giọng văn dịu dàng, ấm áp, dễ đi vào lòng người (nhất là giới trẻ), truyện của ông liên tục được tái bản và chưa bao giờ giảm sức hút. Tài năng của ông được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng có giá trị. Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 - 1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ, là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975 - 1995) do Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn. Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh là ta nhớ ngay đến một nhà văn có phong cách sáng tác vừa gần gũi, giản dị vừa độc đáo, tinh tế. Các sáng tác của ông hướng đến những câu chuyện bình dị, đời thường trong cuộc sống nhưng bao giờ cũng chạm đến rung động sâu xa trong lòng người. Học sư phạm, từng có thời gian dạy học nên ông luôn đề cao tính giáo dục trong các tác phẩm văn chương của mình. Lối viết truyện đơn giản, không khoa trương, tô vẽ của tác giả tạo nên những trang văn trong trẻo, gợi sự êm đềm, tĩnh tại, sự thư thái nhẹ nhàng giữa dòng đời nhiều bộn bề, ồn ào của
lối sống hiện đại. Giọng văn nhẹ nhàng, ẩn chứa những triết lý sâu sắc mang đến những trang văn như những “trang thơ”, mỗi câu, mỗi chữ đều thấm đẫm chất thơ dịu ngọt. Với nhà văn: “văn xuôi là sự nối dài của thi ca”.
Đặc biệt, phong cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Nhật Ánh rất tự nhiên, thường sử dụng nhiều khẩu ngữ, ngôn ngữ đời thường cùng với lớp từ địa phương, động từ, TT giàu sắc thái biểu cảm. Tất cả tạo nên một phong cách độc đáo, hấp dẫn riêng có của Nguyễn Nhật Ánh.
Có thể thấy, Nguyễn Nhật Ánh là một dẫn cứ về tinh thần lao động sáng tạo, về công phu rèn luyện tay nghề để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Cùng với các nhà văn cùng thời như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư,… Nguyễn Nhật Ánh đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn, khẳng định được vị trí của mình trong văn xuôi đương đại Việt Nam.