7. Bố cục của luận văn
3.1.3. Định tố tính từ có chức năng biểu đạt thông tin (định tố tính từ thông tin)
Những ĐTTT được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng không phải bao giờ cũng hướng tới một mục đích duy nhất là giúp người đọc xác định đối tượng được nói tới. Trong những ngữ cảnh, tình huống cụ thể, tác giả sử dụng ĐTTT với mục đích là biểu đạt thông tin, bổ sung cho nhận thức của độc giả những thông tin liên quan tới sự vật được biểu thị ở danh ngữ. Vậy, ĐTTT thông tin chính là loại ĐTTT được sử dụng để thực hiện hành vi thông báo.
Trong MB, tác giả đã sử dụng 120 ĐTTT có chức năng biểu đạt thông tin, với 135 lượt sử dụng. Con số này cho thấy bên cạnh chức năng chiếu vật, chức năng biểu đạt thông tin cũng có một vị trí quan trọng trong việc góp phần giúp thể hiện nội dung của tác phẩm.
- Điều kiện sử dụng ĐTTT thông tin:
Để có thể có chức năng biểu đạt thông tin, ĐTTT phải chứa thông tin của câu và được tác giả sử dụng với mục đích đem “cái mới” tới độc giả, ở các mức độ khác
nhau. Đó có thể là những thông tin hoàn toàn mới mà người đọc chưa biết trong ngữ huống của câu chứa nó. Trong trường hợp câu văn sau:
(23) Tôi lặng lẽ phủi chân leo lên bộ ván nằm sấp xuống, mặt áp vào phiến gỗ
mát lạnh, kéo quần xuống khỏi mông. (tr.11)
ĐTTT mát lạnh là những từ chứa cái mới với người đọc do xuất hiện lần đầu trong tác phẩm, giúp người đọc hiểu thêm thông tin, cảm nhận của nhân vật.
Tuy nhiên, cũng có khi những thông tin biểu đạt trong ĐTTT thông tin không hoàn toàn mới với người đọc:
(24) Tôi nhìn những trái thị vàng lườm trên tay nó (tr.33)
(25) Trên bầu trời đen thẳm những vì sao bắt đầu lấp lánh (tr.177)
Những ĐTTT vàng lườm, đen thẳm là đặc điểm của màu quả thị, màu bầu trời đêm có thể đã nằm trong vốn hiểu biết của người đọc, nhưng nó chưa được tác giả nói tới trong văn bản nên không ở trong ý thức của người đọc trước khi đọc tới câu này. Chúng vẫn là những ĐTTT thông tin.
- Về phương tiện biểu đạt
Nguyễn Nhật Ánh sử dụng cả ĐTTTHĐ và ĐTTTMT đảm nhiệm chức năng biểu đạt thông tin. Chúng có một số đặc điểm về nghĩa và cấu tạo như sau:
+ Về nghĩa:
Nội dung mà ĐTTT thông tin biểu đạt không cần phải là những đặc tính có khả năng giúp người đọc phân biệt sự vật này với sự vật khác. Mục đích chính của ĐTTT thông tin là thể hiện những đặc điểm mà người đọc chưa biết.
+ Về cấu tạo:
Cũng giống như ĐTTT chiếu vật, ĐTTT thông tin có thể ở dạng từ hoặc cụm từ, cụm đẳng lập hay chính phụ. Tuy nhiên, trong MB, chúng tôi nhận thấy nhà văn chủ yếu sử dụng ĐTTT thông tin ở dạng từ. Ngoài ra, còn có một số trường hợp còn lại là các cụm đẳng lập, như:
(26) Trong giấc mơ đẹp đẽ và buồn rầu đó. (tr.80)
(27) Tôi trở thành tên cướp nhanh nhẹn và hung hãn nhất trong lớp. (tr.61)
- Về cách sử dụng: ĐTTT thông tin thường độc lập thực hiện chức năng của mình, dù trong các danh ngữ chỉ có ĐTTT thông tin hay trong các danh ngữ có thêm các ĐT khác. Chẳng hạn, trong danh ngữ có các ĐTTT chỉ xuất (như đó ở ví dụ 26) hay sở hữu (như của tôi) trong ví dụ sau:
(28) Tôi sẽ đi tìm mùa hè tươi đẹp của tôi. (tr.193).
Các định tố này đều đảm nhiệm chức năng chiếu vật, còn ĐTTT đứng trước nó làm chức năng biểu đạt thông tin.
- Về khả năng thông báo:
Các ĐTTT thông tin trong MB không chỉ cung cấp cho người đọc những hiểu biết về bản thân sự vật được nói tới ở DTTrT mà còn biểu thị cả những thái độ, sự cảm nhận, đánh giá của tác giả hay một đối tượng nào đó trong tác phẩm về sự vật đó. Chẳng hạn:
(29) Hà Lan là một cô bé dễ thương. (tr.30)
ĐTTT dễ thương không chỉ là thông tin về đặc điểm của Hà Lan mà còn là thông tin về tình cảm của người nói (Ngạn) đối với nhân vật này.
Các ĐTTT đứng đắn, chững chạc ở câu dưới đây thì bên cạnh chức năng biểu thị thông tin về đặc điểm của ý định mà còn thể hiện sự đánh giá của người nói:
(30) Ánh mắt của bà cho tôi biết rằng bà xem điều tôi vừa nói là một ý định
đứng đắn và chững chạc. (tr.78)
- Phân loại ĐTTT thông tin:
Dựa vào nhân tố có tham gia chiếu vật hay không, ta nhận thấy trong tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng cả hai loại ĐTTT thông tin: ĐTTT chuyên thông tin và ĐTTT kiêm thông tin. Số lượng cụ thể được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 3.3: Thống kê tình hình sử dụng các nhóm định tố tính từ thông tin trong Mắt biếc
Phân loại Tổng số tính từ Lƣợt sử dụng
Số lƣợng Tỉ lệ Số lƣợng Tỉ lệ
Định tố tính từ chuyên thông tin 83 69,2% 94 69,6%
Định tố tính từ kiêm thông tin 37 30,8% 41 30,4%
Tổng 120 100,0% 135 100,0%
Bảng trên cho ta thấy:
- Nhóm ĐTTT thông tin được sử dụng nhiều nhất là nhóm ĐTTT chuyên thông tin. Đó đều là những ĐTTTMT. Nhóm này chiếm số lượng 83 ĐTTT (chiếm 69,2% ĐTTT thông tin) với 94 lượt sử dụng (chiếm 69,6% lượt sử dụng ĐTTT thông tin).
- Nhóm ĐTTT kiêm thông tin có số lượng và số lượt sử dụng ít hơn so với nhóm ĐTTT chuyên thông tin, gồm 37 tính từ (chiếm 30,8% ĐTTT thông tin) với 41 lượt sử dụng (chiếm 30,4% lượt sử dụng ĐTTT thông tin). Đây đều là những ĐTTTHĐ, tức là những ĐTTT này vẫn đảm nhiệm chức năng chiếu vật, là những ĐTTT xuất hiện lần đầu trong tác phẩm và có chứa thông tin “cái mới” đối với người đọc. Bởi vậy, những ĐTTT này vẫn mang nhiệm vụ cung cấp thông tin hữu ích, cần thiết cho người đọc.
Việc sử dụng hai loại ĐTTT này cụ thể như sau: - ĐTTT chuyên thông tin:
ĐTTT chuyên thông tin là ĐTTT thông tin không có chức năng chiếu vật. Chúng được sử dụng với mục đích cung cấp nhưng thông tin về sự vật, hiện tượng được nói đến trong tác phẩm đến với người đọc. Những ĐTTT chuyên thông tin góp phần quan trọng trong việc biểu đạt nội dung tác phẩm.
Câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh kể trong MB mang đến cho độc giả những cảm nhận về tình yêu quê hương, là sự gắn bó máu thịt với quê hương của nhân vật Ngạn. Tác giả đã dùng một số các ĐTTT thông tin để thể hiện cụ thể thứ tình cảm này của nhân vật. Chẳng hạn, trong những dòng hồi tưởng của Ngạn về làng quê của mình, tác giả viết:
(31) Tôi tưởng như mình đang trôi lững lờ giữa làng quê yêu dấu. (tr.100)
Xét trong văn cảnh hay nội dung câu nói, ĐTTT yêu dấu không phải để chiếu vật đối tượng (bởi danh từ làng quê là đối tượng đã được xác định rõ trong bối cảnh nội dung tác phẩm). Mục đích sử dụng của nhân vật Ngạn trong những trường hợp này là muốn qua ĐTTT yêu dấu gửi gắm thêm vào câu thông tin về tình cảm yêu thương, quý mến của mình đối với quê hương. ĐTTT yêu dấu giúp biểu thị thêm thông tin về tình cảm của nhân vật, qua đó hiểu sâu sắc hơn tình cảm gắn bó của Ngạn dành cho làng quê của mình, đó cũng chính là ý nghĩa tư tưởng mà tác giả gửi gắm qua tác phẩm.
Bên cạnh tình yêu quê hương, chủ đề tình yêu nam nữ mang đến cho độc giả những cung bậc cảm xúc đa dạng, vui buồn, tiếc nuối, xót xa… Những ĐTTT giúp bổ sung thông tin cần thiết về cảm xúc nhân vật được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng đa dạng, hiệu quả. Ví dụ:
(32) Trong giây phút êm đềm đó, tôi thấy tôi quên hết khổ đau. (tr.163)
ĐTTT êm đềm cho biết thêm thông tin về cảm nhận của nhân vật. Đặt trong ngữ cảnh câu nói, giây phút mà Ngạn nhắc đến chính là khi cậu hồi tưởng lại khoảng thời gian cùng Hà Lan vào rừng dạo chơi. ĐTTT êm đềm cho ta biết tình cảm trân trọng của Ngạn dành cho những kỉ niệm tuổi thơ. Người đọc cảm nhận được sự chân thành của Ngạn dành cho Hà Lan, đồng thời cảm thấy tiếc nuối, man mác buồn trước chuyện tình đơn phương đầy tuyệt vọng của nhân vật. Tràn ngập trong kí ức của Ngạn đều là những kỉ niệm với Hà Lan khi cùng ở làng quê thanh bình khi xưa.
Những ĐTTT thông tin về đặc điểm ở phương diện chiều kích giúp người đọc hiểu rõ hơn những đặc điểm của sự vật, hiện tượng được nói tới trong tác phẩm:
(33) Bọn con trai chúng tôi thì tung hoành trên khoảng sân mênh mông còn lại.
(tr.74)
Tổ hợp còn lại đã giúp xác định đối tượng, ĐTTT mênh mông chỉ giúp người đọc bổ sung thông tin về chiều rộng của khoảng sân. Hay trong câu văn sau:
(34) Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi chỉ đến chơi vài lần. (tr.188) ĐTTT ngắn ngủi cho biết thông tin về khoảng thời gian mà nhân vật muốn nhắc tới. Khoảng thời gian mà nhân vật nói tới đã được làm rõ ở câu văn trước: “Nó chỉ dành cho làng Đo Đo hai mươi ngày ít ỏi”. Trong câu tiếp theo, khoảng thời gian
là yếu tố được nhắc lại, đã được xác định nhờ câu văn trước và chỉ từ đó ở trong danh
ngữ. vậy ĐTTT ngắn ngủi hoàn toàn không có chức năng chiếu vật mà có vai trò cung cấp thông tin về độ dài của khoảng thời gian.
- ĐTTT kiêm thông tin:
Bên cạnh những ĐTTT chuyên thông tin, trong MB còn xuất hiện những ĐTTT làm nhiệm vụ chiếu vật nhưng vẫn chứa những thông tin cần thiết cho diễn đạt. Đó chính là những ĐTTT kiêm thông tin, thuộc kiểu loại ĐTTTHĐ. Những ĐTTT này xuất hiện lần đầu trong tác phẩm và chứa những thông tin mới với người đọc.
Trong MB, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng tất cả 37 ĐTTT kiêm thông tin (chiếm 30,8%) với 41 lượt sử dụng (chiếm 30,4%) trong tổng số các ĐTTT thông tin có trong 199 trang truyện MB. Các ĐTTT này mang những thông tin bổ sung về sự vật, hiện tượng được nói tới trong tác phẩm. Ví dụ trong câu văn sau:
(35) Lát sau, ba tôi bước qua, tay vung vẩy con roi dài. (tr.7)
ĐTTT dài không chỉ để chiếu vật mà còn có chức năng biểu đạt thông tin đặc điểm của đối tượng được chiếu vật (ở đây là con roi).
Hay trường hợp sử dụng các ĐTTT sau:
(36) Ông tôi định xây một dãy nhà ngang phía sau nên cho đổ một đống cát
cao nghệu ngay trước sân. (tr.9)
Trong câu văn trên, bên cạnh những ĐTTT chiếu vật ngang (dãy nhà ngang),
tác giả sử dụng ĐTTT kiêm thông tin vừa có chức năng chiếu vật vừa bổ sung thông tin về đặc điểm của đối tượng được nói tới là cao nghệu (một đống cát cao nghệu). Những ĐTTT này đã đưa ra những thông tin mới (vì lần đầu xuất hiện trong tác phẩm). Chúng cung cấp thêm thông tin cần thiết cho người đọc về một số hình ảnh gắn liền với những trò chơi tuổi thơ của nhân vật. Chính nhờ những ĐTTT, người đọc như được trải nghiệm, rõ hơn về một phần những kí ức tuổi thơ thật đẹp của Ngạn, lý giải cho tình yêu sâu nặng cậu dành cho quê hương mình. Lời văn cũng nhờ vậy mang tính chân thực, cụ thể hơn. Bên cạnh đó, những ĐTTT này cũng góp phần xác định rõ sự vật được nói tới (đống cát). Vậy nên, đây chính là những ĐTTT kiêm thông tin (vừa có chức năng chiếu vật, vừa có chức năng thông tin).
Có thể nhận thấy, chức năng biểu đạt thông tin là một trong những chức năng ngữ dụng cơ bản của ĐTTT. ĐTTT có chức năng biểu đạt thông tin có thể cung cấp những thông tin quan trọng hoặc làm phong phú hóa lượng tin của tác phẩm. Việc tìm hiểu, phân tích ĐTTT thông tin giúp hiểu và cảm nhận nội dung, ý nghĩa của tác phẩm thêm đầy đủ và trọn vẹn.