7. Bố cục của luận văn
3.1.4. Định tố tính từ có chức năng biểu thị hàm ý (định tố tính từ hàm ý)
Bên cạnh chức năng chiếu vật và chức năng biểu đạt thông tin, Nguyễn Nhật Ánh còn sử dụng một số ĐTTT với chức năng biểu thị hàm ý. Những ĐTTT biểu thị hàm ý có thể làm tăng lượng tin, tăng khả năng tác động của văn bản, góp phần thể hiện một ý đồ nghệ thuật nào đó trong tác phẩm. Đặt trong ngữ cảnh của tác phẩm, tác giả ngầm truyền đạt đến với người đọc những dụng ý nghệ thuật một cách gián tiếp.
Một ĐTTT được coi là có chức năng biểu thị hàm ý khi nó được người nói (viết) sử dụng trong quan hệ với bối cảnh ngoài ngôn ngữ hoặc quan hệ phối hợp với các từ ngữ khác để thực hiện mục đích giao tiếp gián tiếp nào đó.
Theo lẽ thông thường, nếu ĐTTT không được dùng để xác định chính xác đối tượng mà người nói (viết) định nói tới, cũng không nhằm biểu đạt thông tin sẽ bị coi là thừa. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh cụ thể của tác phẩm, có những ĐTTT được sử dụng với một mục đích giao tiếp ngầm của tác giả với độc giả. Tìm hiểu ĐTTT hàm ý trong MB, chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm tiêu biểu của các ĐTTT hàm ý:
- Về phương tiện biểu đạt:
Theo khảo sát, ĐTTT có chức năng hàm ý trong MB gồm cả ĐTTTHĐ và ĐTTTMT, trong đó, ĐTTTMT được sử dụng với số lượng lớn hơn. Dựa vào việc ĐTTT hàm ý không có hay có cả chức năng chiếu vật, chức năng biểu đạt thông tin, ta có thể chia ĐTTT hàm ý thành hai loại: là ĐTTT chuyên hàm ý và ĐTTT kiêm hàm ý.
+ Về nghĩa: ĐTTT hàm ý không biểu đạt đặc tính có khả năng giúp người đọc phân biệt được sự vật đang nói tới với sự vật khác, nó có thể là đặc điểm chung của tất cả các cá thể sự vật trong cùng chủng loại. Chẳng hạn:
(37) Hồi nhỏ, tôi thích nhìn vào đôi mắt của Hà Lan, soi mình trong đó, và vẩn vơ so sánh chúng với những viên bi ve trong suốt. (tr.31)
ĐTTT trong suốt chỉ biểu thị đặc điểm chung của màu phượng, viên bi ve, không giúp phân biệt được sự vật đang nói tới với sự vật khác. Vai trò của ĐTTT hàm ý là biểu thị một thông tin ngầm hay một ý đồ giải thích nào đó.
+ Về cấu tạo: Nguyễn Nhật Ánh sử dụng ĐTTT hàm ý với 2 kiểu cấu tạo. Chúng có thể là từ như: rực rỡ, cổ điển trong những câu sau:
(38) Với ngọn lửa rực rỡ của mình, hẳn Hà Lan sẽ đốt tôi. (tr.114)
(39) Tôi thích những bản nhạc “cổ điển” của tôi hơn. (tr.128) Chúng cũng có thể là cụm từ đẳng lập trong các trường hợp như:
(40) Những ngón tay dịu dàng và mềm mại của Hà Lan đang mơn man lên trái
tim tôi … (tr.179)
(41) Bằng đôi cánh dịu dàng và bay bổng, nó đã nhấc tôi lên khỏi nỗi mê đắm
xanh xao (tr.162)
- Cách thức tạo hàm ý:
Có nhiều cách thức tạo ra hàm ý cho ĐTTT trong một tác phẩm văn học. Với MB, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng cách thức tạo hàm ý cơ bản là đặt ĐTTT trong quan hệ nhân quả với các từ ngữ khác. Ta xét trường hợp sau:
(42) Suốt bốn năm tôi trọ ở nhà bà, hình ảnh kinh hoàng đó cứ lặp lại. Không
một buổi chiều nào, trên mâm cơm vắng bóng tô canh quỷ quái đó. (tr.73)
Chính đặc điểm quen thuộc, lặp đi lặp lại của tô canh rau dền vào mỗi bữa ăn với bà Năm Tự đã ám ảnh Ngạn, khiến mỗi khi nhớ đến hình ảnh bà Năm Tự ngồi lẳng lặng húp bát canh rau gợi đến cảm giác kinh hoàng cho nhân vật. Cũng chính
bởi lý do đó, Ngạn gọi tô canh đó là quỷ quái, phần nào thể hiện cảm nhận của nhân vật về của tô canh rau dền, cũng ngầm thể hiện nguyên nhân cho cảm nhận này trong ngữ cảnh câu chuyện được kể.
Trong câu văn:
(43) Trong cơn giận mù mịt đó, tôi đã dang tay tống một quả trời giáng vào
bụng Dũng. (tr.174)
Cơn giận mù mịt khiến người ta mất lí trí là nguyên nhân khiến Ngạn ra tay
tống một quả tri giáng vào Dũng.
Như vậy, nhờ lựa chọn và sử dụng ĐTTT hợp lý trong danh ngữ có quan hệ nhân quả mà tác giả đã ngầm thực hiện hành vi giải thích trong tác phẩm của mình.
Nguyễn Nhật Ánh còn sử dụng chính ý nghĩa của các ĐTTT để tạo nên hàm ý cho câu văn của mình. Chẳng hạn:
(44) Tôi cũng không thể hé môi một điều gì trong phòng khách sang trọng ở nhà cô Hà Lan. (tr.142)
Khi sử dụng ĐTTT sang trọng đặt sau danh từ phòng khách, đó không phải để thể hiện sự khen ngợi của Ngạn dành cho căn phòng nhà cô Hà Lan. Dụng ý ngầm của ĐTTT này để bày tỏ cảm giác xa lạ đối với khung cảnh trước mắt.
Cũng có trường hợp tác giả tạo hàm ý bằng cách chọn ĐTTT có nghĩa tình thái trái ngược với cảm nhận chung của mọi người về sự vật được nói tới ở danh từ trung tâm để biểu thị một thông tin ngầm. Đó là trường hợp ĐTTT đáng giá trong câu sau:
(45) Những trận đánh nhau ngày càng hiếm hoi nhưng không thiếu những vết bầm đáng giá, luôn hoài vọng bàn tay chăm sóc năm nào. (tr.75)
Cách dùng ĐTTT đáng giá đi kèm DTTrT vết bầm tưởng như không hợp lý về mặt ý nghĩa theo cảm nhận thông thường của mọi người. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh tác phẩm, Ngạn coi những vết bầm đó thực sự là đáng giá bởi chúng khiến mối quan hệ giữa cậu và Hà Lan thêm khăng khít, thân thiết hơn.
Như vậy, ĐTTT hàm ý ở đây có thể biểu thị một thông tin ngầm hay một ý đồ giải thích nào đó.
+ Phân loại ĐTTT hàm ý:
Nguyễn Nhật Ánh sử dụng cả hai loại ĐTTT hàm ý trong MB. Khảo sát tình hình sử dụng ĐTTT hàm ý của tác giả, chúng tôi thu được kết quả sau:
Bảng 3.4: Thống kê tình hình sử dụng các nhóm định tố tính từ hàm ý trong Mắt biếc Phân loại Tổng số tính từ Lƣợt sử dụng Số lƣợng Tỉ lệ Số lƣợng Tỉ lệ Định tố tính từ chuyên hàm ý 13 31,7% 15 32,6% Định tố tính từ kiêm hàm ý Hàm ý kiêm chiếu vật 7 17,1% 8 17,4%
Hàm ý kiêm thông tin 18 43,9% 20 43,5%
Hàm ý vừa thông tin
vừa chiếu vật 3 7,3% 3 6,5%
Tổng 41 100,0% 46 100,0%
Việc sử dụng hai loại ĐTTT này cụ thể như sau: - ĐTTT chuyên hàm ý
ĐTTT chuyên hàm ý là nhóm ĐTTT hàm ý không có chức năng chiếu vật và biểu đạt thông tin. Đây là những trường hợp ĐTTT xuất hiện trong ngữ cảnh không đòi hỏi chiếu vật và bản thân nó không chứa thông tin. Ví dụ trong trường hợp sau:
(46) Nhìn tô canh quen thuộc, bỗng dưng tôi nhớ Hà Lan quá chừng. (tr.140)
ĐTTT quen thuộc biểu thị tính chất đã biết xét trong văn cảnh. Người đọc có thể tự suy ra khi đọc tác phẩm. Trong văn cảnh, chỉ có một tô canh xuất hiện và tình huống cũng không cần phân biệt với các tô canh khác nên không cần chức năng chiếu vật. Bản thân ĐTTT quen thuộc không chứa thông tin mới nên nó cũng không chứa thông tin. ĐTTT quen thuộc chỉ đặc điểm về quan hệ giúp biểu đạt ý nghĩa ngầm về mối liên quan giữa tô canh với nhân vật Hà Lan. ĐTTT trong tô canh quen thuộc giúp lí giải vì sao người nói lại nhớ đến Hà Lan. Bởi những ngày thơ bé, tại nhà Hà Lan, những bữa cơm mà Ngạn dùng cùng Hà Lan thường có bát canh hoa thiên lý. Trong văn cảnh câu văn, Ngạn lại đang ngồi ăn cơm tại nhà Hà Lan, vẫn món canh
rau thiên lý ấy nhưng lần này lại thiếu vắng Hà Lan. Do vậy, hình ảnh tô canh quen thuộc dễ gợi cho Ngạn nhớ đến Hà Lan, nhớ đến những kỉ niệm ngày thơ ấu vui vẻ tại quê nhà. ĐTTT quen thuộc ngầm thể hiện cảm xúc buồn man mác, tiếc nuối của nhân vật trong ngữ cảnh được nói. Ý nghĩa này tác giả không trực tiếp đề cập trong tác phẩm mà chỉ được người đọc suy ý, ngầm hiểu dựa vào nội dung tác phẩm mà thôi. Đó chính là chức năng hàm ý mà ĐTTT quen thuộc mang lại.
- ĐTTT kiêm hàm ý
Những ĐTTT kiêm hàm ý là nhóm ĐTTT hàm ý có chức năng chiếu vật hay chức năng biểu đạt thông tin, có khi vừa có chức năng chiếu vật vừa có chức năng biểu đạt thông tin. Khi đó, những ĐTTT này bên cạnh hai chức năng chính yếu là chiếu vật và biểu đạt thông tin (chức năng chính của ĐTTT), chúng còn mang chức năng thứ yếu là biểu thị hàm ý, góp phần gửi gắm những thông tin ngầm của tác giả. Trong MB, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng 28 ĐTTT kiêm hàm ý (chiếm 68,3%) với 31 lượt sử dụng (chiếm 67,4%). Có ba loại ĐTTT kiêm hàm ý sau:
+ ĐTTT hàm ý kiêm thông tin
Đây là nhóm ĐTTT vừa có chức năng thông tin đồng thời có chức năng biểu thị hàm ý. Những thông tin được cung cấp cho người đọc không phải những thông tin có nghĩa tường minh đơn thuần, chúng mang những thông tin ngầm nhằm biểu thị dụng ý đặc biệt của tác giả. Chẳng hạn, trong câu văn sau:
(47) Trong những ngày u ám đó, nếu không có âm nhạc, tôi đã không ngoi lên
nổi. (tr.162)
ĐTTT u ám vẫn có chức năng biểu đạt thông tin, cho ta biết những ngày được nói đến là khoảng thời gian đã qua, không hề vui vẻ, tốt đẹp đối với nhân vật. Đồng thời, ĐTTT này, qua nghĩa bóng của nó, còn giúp biểu thị hàm ý đề cao vai trò của âm nhạc đối với người nói.
+ ĐTTT hàm ý vừa thông tin vừa chiếu vật
Đây là những ĐTTT mang nhiều chức năng trong câu văn, chúng vừa có chức năng chiếu vật vừa có khả năng biểu thị thông tin, đồng thời biểu thị hàm ý cho câu. Khảo sát trong MB, chúng tôi nhận thấy có hai trường hợp được tác giả sử dụng với ba chức năng ngữ dụng: chiếu vật, biểu đạt thông tin và hàm ý. Ở ví dụ (45), câu văn
thể hiện những hoài niệm, tâm sự của Ngạn về kỉ niệm đáng nhớ thời thơ ấu. ĐTTT
đáng giá mang chức năng chiếu vật và chức năng thông tin, giúp DTTrT vết bầm nêu ở danh ngữ vừa được xác định trong văn cảnh, vừa cung câp thêm thông tin về đặc điểm đặc biệt của những vết bầm được nhân vật nói tới. Tuy nhiên, chức năng hàm ý của ĐTTT đáng giá mới là chức năng quan trọng, nó giúp biểu đạt một thông tin ngầm của tác giả. ĐTTT đáng giá cho thấy Ngạn không chút buồn phiền về sự đau đớn hay những dấu tích xấu xí còn để lại trên cơ thể sau những trận đánh nhau để bảo vệ Hà Lan hay tranh giành một cái gì đó cho nàng. Bởi nhờ vậy, Ngạn mới có những cơ hội nhận được sự quan tâm, chăm sóc dịu dàng của Hà Lan. Hàm ý được ĐTTT
đáng giá bộc lộ chính là nỗi khao khát của Ngạn với sự quan tâm, yêu thương của cô
nàng mắt biếc. Và nỗi khao khát này chính là biểu hiện của một tình yêu chưa định hình mà đã rất thiết tha của tuổi ấu thơ.
Còn trong trường hợp sau, ĐTTT lại có tác dụng giải thích:
(48)Câu hỏi đột ngột và thẳng thừng khiến tôi ngớ người ra. (tr.105)
Nhân vật Ngạn rơi vào trạng thái lặng người, không hoạt động, không phản ứng gì (ngớ) bởi câu hỏi “Bản nhạc này Ngạn sáng tác phải không?” - câu hỏi mà với anh là rất đột ngột và thẳng thừng. Do trước nay, Hà Lan không hỏi như vậy, và anh
những tưởng nàng không biết gì về người sáng tác ra nó.
Từ những phân tích trên, có thể thấy ĐTTT hàm ý luôn được tác giả sử dụng theo một cách thức đặc biệt để tạo một tác động gián tiếp, gửi gắm những thông tin ngầm hay một ý đồ giải thích nào đó. Tuy là chức năng thứ yếu do ít được sử dụng nhưng giá trị biểu đạt ý nghĩa nội dung của loại ĐTTT này không hề nhỏ. Sử dụng ĐTTT hàm ý giúp câu văn chứa nó có thêm độ sâu của ý nghĩa, câu văn thêm nhiều chiều cảm nhận, thêm phong phú về giá trị, là một cách diễn đạt giúp tác giả bộc lộ mục đích giao tiếp theo cách độc đáo, ấn tượng hơn.