II. Cốt truyện
THẾ GIỚI NHÂN VẬT, NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT VÀ NGÔN NGỮ GIỌNG ĐIỆU
VÀ NGÔN NGỮ - GIỌNG ĐIỆU
TRONG TIỂU THUYẾT JULIE HAY NÀNG HÉLOISE MỚI
I. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Julie hay nàng Héloise mới
Nhân vật là yếu tố trung tâm quy định cách tổ chức cấu trúc tác phẩm. Khi tiếp xúc với tác phẩm nghĩa là người đọc bước vào thế giới của các nhân vật. Ở đó, người đọc sẽ đứng ở vị trí khách quan theo dõi tâm lí và hành động của từng nhân vật. Nhân vật là nơi tập trung giá trị tư tưởng, tri thức, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thông qua tâm lí và hành động, mỗi nhân vật sẽ đi vào tác phẩm với một hình tượng riêng, một tính cách riêng. Vì vậy, nghiên cứu nhân vật ở góc độ thi pháp là đi từ ngoại hình đến tính cách, giọng điệu và phong thái của nhân vật mà tác giả miêu tả. Không những hình thức bề ngoài mà thế giới bên trong của nhân
vật cũng được lột tả một cách độc đáo. Vì thế Bakhtin khẳng định: “Nhân vật tiểu thuyết thường ở mức này hay mức kia phải là một nhà tư tưởng” [5, 73].
Xuyên suốt tiểu thuyết Julie hay nàng Héloise mới xoay quanh sáu nhân vật chính đó là Julie, Saint-Preux, Claire, nam tước D’Étanges, ông De Wolmar, tôn ông Édouard. Trong đó, Julie và Saint-Preux nổi lên là hai nhân vật trung tâm của tác phẩm, các nhân vật phụ như ông Đoocbơ, nam tước phu nhân D’Étanges, Frăngsông, Clôt Anet,... cũng góp phần làm nổi bật tính cách của nhân vật chính. Tác phẩm không có nhân vật phản diện. Tuy vậy, trong tác phẩm vẫn tồn tại hai lớp nhân vật đối lập nhau đại diện cho hai hệ tư tưởng cũ và mới, đó là nam tước D’Étanges đại diện cho tư tưởng lỗi thời và Julie, Saint-Preux, Claire, tôn ông Édouard đại diện cho tư tưởng tiến bộ, cho khát vọng tình yêu và khát vọng giải phóng cái tôi cá nhân tư sản của thời đại.